Mẹ bầu hốt hoảng khi biết mình nhiễm HIV, lo lắng không biết làm cách nào để bảo vệ con?

Ngày 31/10/2023 08:33 AM (GMT+7)

SKĐS - Mang thai ở tuần thứ 10, chị Y.H.L lần đầu đến bệnh viện khám thai. Kết quả xét nghiệm tổng quát công thức máu khiến chị bàng hoàng suy sụp, chị bị nhiễm virus HIV.

Nỗi niềm của những bà mẹ lần đầu phát hiện nhiễm HIV

Tham gia vào một số nhóm cộng đồng của những người nhiễm HIV, dễ dàng bắt gặp những status mà chủ nhân của nó cho biết, họ cảm thấy sốc, hoang mang, lo sợ … khi biết mình nhiễm HIV. Thậm chí nhiều người đã nghĩ ngay đến "cái chết". Người thì kể,  họ đã từng rất suy sụp và không tin vào kết quả xét nghiệm, họ tự đặt ra hàng loạt câu hỏi cho bản thân, rằng  tại sao mình lại mắc bệnh này, ai đã lây bệnh cho mình …

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng hầu hết đều là tâm trạng chung của những người lần đầu được phát hiện nhiễm virus HIV.  Đáng thương nhất là những thai phụ, người đang mang trong mình một sinh linh bé nhỏ.

Những status như thế này không hiếm trên các diễn đàn của những người có H.

Những status như thế này không hiếm trên các diễn đàn của những người có H.

Chị Y.H.L ở Đắk Nông kể về cái ngày chị nhận được kết quả "dương tính với H" khi lần đầu tiên đi khám thai. Cảm xúc ùa về lúc bác sĩ thông báo chị dương tính với HIV. Từ bàng hoàng không tin đây là sự thật, rồi  cảm thấy bất lực, lo lắng và suy sụp tinh thần từ lúc ở viện về.

Ngay khi về nhà chị đã yêu cầu chồng test nhanh và người chồng cũng nhận kết quả dương tính. Mặc dù chưa xét nghiệm khẳng định nhưng chị L. cảm thấy hoang mang, bế tắc tột độ vì không biết nguồn lây từ đâu, từ khi nào, liệu con của anh chị có ảnh hưởng gì không...

Hay có sản phụ tên Q.A ở Quảng Ninh chia sẻ, chị mới sinh con được 5 ngày. Điều chị lo lắng nhất là trước ngày đẻ chị đi xét nghiệm máu  mới biết mình dương tính với HIV. Hiện con chị đang được bác sĩ cho dùng thuốc nhưng chị A. vẫn rất sợ con sẽ bị lây nhiễm HIV từ chị.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2022, trên thế giới có khoảng 38,0 triệu người nhiễm HIV. Trong đó, khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV, trong đó 1,5 triệu trẻ em nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6/2023, từ năm 2012- 2022, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh, từ 1.500 trẻ xuống còn hơn 600 trẻ mỗi năm, tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1% năm 2022.

Nếu có biện pháp can thiệp sớm, phụ nữ mang thai nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con không bị nhiễm HIV. Điều đó chỉ có thể có được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý và điều trị dự phòng cho phụ nữ có thai và cả trẻ sơ sinh. Khi em bé được sinh ra từ bà mẹ có H sẽ được uống thuốc dự phòng, nếu không may trẻ mắc bệnh sẽ được tiếp tục quản lý theo dõi điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Biết được tình trạng nhiễm HIV của mình sớm, phụ nữ có thai sẽ được can thiệp điều trị để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV cho con.

Biết được tình trạng nhiễm HIV của mình sớm, phụ nữ có thai sẽ được can thiệp điều trị để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV cho con.

Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HIV khi nào?

Cùng với các chương trình truyền thông phòng chống HIV/AIDS, ngày càng có nhiều phụ nữ biết cách tự bảo vệ mình không bị lây nhiễm HIV, nếu bị nhiễm HIV sẽ có can thiệp sớm nhằm giảm tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện để có thể sinh ra những đứa trẻ không bị nhiễm HIV.

TS.BS Cao Thị Thanh Thuỷ, Trung tâm Y khoa số 1 Tôn Thất Tùng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, những xét nghiệm này đều được bảo hiểm y tế chi trả.

Xét nghiệm HIV ở phụ nữ có thai thường được thực hiện bằng phương pháp xét nghiệm máu. Xét nghiệm này có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế, bao gồm cả các trạm y tế xã, phường.

Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong thai kỳ. Xét nghiệm HIV có thể được thực hiện trong lần khám thai định kỳ đầu tiên hoặc khi chuyển dạ, sinh con.

Kết quả xét nghiệm HIV ở phụ nữ có thai có ý nghĩa gì?

Kết quả xét nghiệm HIV ở phụ nữ có thai có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu kết quả xét nghiệm HIV là dương tính, phụ nữ mang thai sẽ được tư vấn và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Xét nghiệm HIV ở phụ nữ có thai là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai nên chủ động xét nghiệm HIV để được phát hiện sớm và có biện pháp phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách hiệu quả.

Giải pháp nâng cao tỷ lệ xét nghiệm HIV ở phụ nữ có thai

TS. BS Cao Thị Thanh Thủy khuyên, đối với phụ nữ mang thai muốn biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, chị em có thể đến các cơ sở y tế gần nhất. Tất cả các cơ sở y tế công từ tuyến quận/huyện, cơ sở y tế tư nhân đều có thể xét nghiệm HIV.

Muốn nâng cao tỷ lệ xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai, các địa phương cần:

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về HIV/AIDS: Tuyên truyền, giáo dục về HIV/AIDS giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ mang thai về tầm quan trọng của xét nghiệm HIV.

- Đảm bảo phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV: Phụ nữ mang thai cần được tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV một cách thuận tiện và dễ dàng.

- Giảm thiểu kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV: Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV có thể khiến phụ nữ mang thai nhiễm HIV e ngại khi đi xét nghiệm HIV.

Với sự chung tay của cộng đồng, tỷ lệ xét nghiệm HIV ở phụ nữ có thai sẽ được nâng cao, góp phần giảm thiểu lây truyền HIV từ mẹ sang con và bảo vệ sức khỏe của trẻ em.

15 việc không nên làm khi mang thai mẹ bầu nên biết để tránh
Khi mang thai, bạn cần hết sức cẩn thận với mọi việc mình làm. Hệ thống miễn dịch yếu, cơ thể đang trải qua rất nhiều thay đổi vì vậy một sai lầm có...

Bà bầu cần biết

Theo Hải Yến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe bà bầu