Để phòng tai nạn đuối nước trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, cũng như kỳ nghỉ hè sắp tới, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chủ động phòng tránh, đồng thời nên học các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản để cứu người bị đuối nước.
Liên tiếp trẻ bị đuối nước nguy kịch - nhiều cha mẹ sơ chưa biết cách sơ cứu cho con
Chỉ trong 3 ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp đuối nước, nguy kịch đến tính mạng. Các bác sĩ cho rằng, đuối nước ở trẻ em thường là hậu quả do sự hiếu động của trẻ nhỏ, sự bất cẩn của người lớn khi trông trẻ và hệ thống sông ngòi, ao hồ, bể bơi... chưa đảm bảo điều kiện an toàn. Vì thế, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và đặc biệt là khi kỳ nghỉ hè đã đến rất gần, việc giáo dục, quản lý trẻ để tránh đuối nước là vô cùng quan trọng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, 3 trường hợp vừa nhập viện cấp cứu do đuối nước, bé nhỏ nhất mới 2 tuổi, ở Hà Nội. Hai trường hợp còn lại một cháu 11 tuổi, một cháu 12 tuổi quê ở Sơn La và Hà Nội.
Đuối nước là nỗi ám ảnh với trẻ nhỏ trong những ngày hè. Ảnh minh họa.
Trong số 3 trẻ nguy kịch, thương tâm nhất là bé trai 2 tuổi. Theo thông tin từ gia đình, trước khi bị nạn, cháu chạy sang nhà hàng xóm chơi, không may ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2 mét không có rào chắn xung quanh. Theo camera ghi nhận, sau khoảng 8 phút ngã xuống bể cá, trẻ mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.
Ngay lập tức, gia đình đã hô hoán mọi người giúp đỡ và được các nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà đến sơ cấp cứu tại chỗ. Sau 10 phút, bé trai có tim trở lại và được đưa đến bệnh viện huyện cách đó 5km. Lúc này, trẻ có nhịp tim, nhịp thở nhưng không tỉnh, lơ mơ. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu ban đầu, đặt nội khí quản kiểm soát đường hô hấp và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.
Hai trường hợp còn lại bị đuối nước do đi tắm ở ao và suối với bạn bè. Khi trẻ được mọi người xung quanh đưa lên bờ trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở và được cấp cứu ngừng tuần hoàn. Cả hai trẻ đều được người dân dốc ngược và chạy khoảng 2 vòng nhỏ theo thói quen dân gian. Các bác sĩ nhận định, đây là một sai lầm khi sơ cứu trẻ đuối nước, khiến tình trạng càng nặng hơn. Sau 15 phút cấp cứu ngừng tim, ngừng thở, trẻ có tim và nhịp thở trở lại, được đưa vào viện địa phương xử trí ban đầu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
ThS.BS Lê Nhật Cường - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện tại sau nỗ lực điều trị, hai bệnh nhi 11 và 12 tuổi đã tỉnh, tự thở, có thể ra viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, trẻ cần được tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra. Riêng với bé trai 2 tuổi, hiện được các bác sĩ điều trị tích cực, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất xấu.
Bé trai 2 tuổi vẫn nguy kịch, tiên lượng rất xấu. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Cường cho biết, tai nạn đuối nước xảy ra vào dịp nghỉ hè nhiều hơn các thời điểm khác trong năm. Đặc biệt, trong dịp này kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được nghỉ dài ngày, các gia đình thường đi du lịch hoặc về quê, trẻ em cùng gia đình sẽ được nghỉ ngơi, tham gia nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm bổ ích. Bên cạnh nhũng lợi ích, các tai nạn thương tích luôn rình rập trẻ nhỏ, trong đó có tai nạn đuối nước. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước và tránh cấp cứu sai cách cho trẻ đuối nước, cần có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng.
Các bước cần thực hiện khi phát hiện người đuối nước
- Bước 1: Gọi trợ giúp của những người xung quanh và gọi cấp cứu 115.
- Bước 2: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách.
- Bước 3: Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không.
- Bước 4: Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay theo những bước sau:
+ Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng.
+ Nếu nghi ngờ chấn thương cổ: Hãy di chuyển trẻ trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng; không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm.
+ Nếu không nghi ngờ chấn thương cổ: Giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu - nâng cằm). Đồng thời, tiến hành hồi sức tim - phổi (CPR) cho trẻ bằng cách:
Thổi ngạt: Với trẻ nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ. Thổi chậm, đều trong 1- 2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.
Kỹ thuật ép tim và thổi ngạt là việc nên làm khi phát hiện trẻ đuối nước ngừng thở. Ảnh: BV Nhi Trung ương.
Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực, (trẻ lớn/người lớn có thể dùng hai tay). Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 -120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào trở lại.
- Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn: Nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.
Một số biện pháp phòng tránh đuối nước ở trẻ
- Các xô, chậu, chum chứa nước phải được đậy nắp, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ vì nhiều em bé có thể bị đuối nước do ngã vào xô chứa nước.
- Ao, hồ, giếng khơi cần có rào chắn, đảm bảo trẻ nhỏ không thể tự ý đi vào.
- Các khu vực bơi công cộng phải thiết kế độ sâu phù hợp với lứa tuổi, có đầy đủ phương tiện cứu hộ, cấp cứu và được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.
- Người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi.
- Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn.
- Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, không tự ý tắm, chơi đùa ở những nơi có vùng nước nguy hiểm, không đùa nhau khi bơi.
- Tuyên truyền, phổ biến các biện pháp sơ cấp cứu đuối nước đúng cách cho người dân.
- Tổ chức các lớp tập huấn cấp cứu cơ bản cho cộng đồng, tiến tới thay đổi thực hành, tránh những động tác hành động sai khi cấp cứu.