Từ một học sinh giỏi nhiều năm liền, Nam dần học kém, học không tập trung làm cha mẹ buồn lòng. Cha mẹ nam sinh ban đầu không hề biết con trai đang mắc bệnh về não nên đã trách mắng em.
Cha mẹ hối hận vì đã mắng con
Hoàng Văn Nam (16 tuổi, Đồng Nai), chăm học từ nhỏ và năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Đến năm lớp 10, Nam thi đậu vào một trường THPT chuyên của tỉnh Đồng Nai nên là niềm tự hào của cha mẹ, người thân. Nhưng từ đầu năm học đến nay, kết quả học tập của nam sinh 16 tuổi dần giảm sút, em khó tập trung. Ban đầu, cha mẹ Nam nghĩ con trai ham chơi, không chú tâm vào việc học nên thường xuyên nhắc nhở, la mắng con.
Kết quả chụp cho thấy hình ảnh khối u sao bào lông ở não của Nam. Ảnh: BVCC.
Gần đây, Nam hay than khó nhìn, mắt nhìn đôi, đi lại khó khăn khiến cha mẹ lo lắng nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám. ThS.BS Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, cho biết nam sinh đến khám trong tình trạng mất thăng bằng, khó ăn, rung giật nhãn cầu, ghi nhớ khó khăn. Kết quả chụp MRI cho thấy, một khối u lớn tương đương quả trứng vịt (đường kính hơn 6 cm), nằm ở hố sau vùng tiểu não, ngay sát bán cầu tiểu não phải.
Bác sĩ Tấn Sĩ đánh giá, đây là u sao bào lông dạng nang độ thấp, có kích thước lớn với 90% là nang nước, còn lại là nhân u. Khối u choán gần hết phần hố sau vùng chẩm (vùng bán cầu vỏ não thị giác) nên cần phải phẫu thuật cắt bỏ.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong 2 giờ, các bác sĩ đã hút hết dịch u, lấy hết phần nhân u. Sau mổ 3 ngày, Nam đã đi lại được, hết nhìn đôi, em nhìn rõ hơn, tự đi đứng được và bắt đầu ghi nhớ tốt hơn. Dự kiến, 7 ngày sau mổ, bệnh nhân được xuất viện và có thể đi học lại sau một tuần về nhà. Đến lúc này, cha mẹ nam sinh mới hết lo lắng và hối hận vì đã trách nhầm con.
Theo bác sĩ Tấn Sĩ, u sao bào lông là một dạng u não, đa số trường hợp xảy ra ở trẻ em hay thanh thiếu niên (từ 20 tuổi trở xuống). U thường xuất hiện ở vùng tiểu não, gần cuống não, vùng dưới đồi, giao thoa thị giác. Ngoài ra, u cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác có sao bào hiện diện, chẳng hạn như đại não hay tủy sống.
Nam sau khi trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u não. Ảnh: BVCC.
Để loại bỏ khối u cần có các y bác sĩ giàu kinh nghiệm và phải được phẫu thuật cắt triệt để nhằm tránh u còn sót lại sẽ gây tái phát, tiếp tục tiết ra dịch u và dần lớn lên trong não. “Nhiều bệnh nhân phải mổ não nhiều lần vì lý do này”, bác sĩ Tấn Sĩ chia sẻ.
Những biểu hiện cần chú ý
Theo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trẻ bị khối u ở não, trong đó có u sao bào lông sẽ thường kêu đau đầu, buồn nôn, bước đi lúc nhanh lúc chậm, loạng choạng. Trẻ có thể nhìn không rõ, hình dạng vật khi nhìn bị méo mó. Tính tình trẻ trở nên trầm hoặc dữ dằn, hay cáu bẳn.
Khi mắc bệnh, trẻ sẽ trở nên chậm lớn hoặc không tăng cân nặng, chiều cao. Nếu trẻ đã đi học thì sa sút chất lượng học tập. Đây là lý do nhiều cha mẹ không biết trẻ mắc bệnh, lại cho rằng con mải chơi nên mới dẫn đến kết quả học tập sút kém. Nhiều trẻ cũng bị biến dạng lời nói, bỗng nhiên trẻ nói ngọng, nói lắp, phát âm không như bình thường. Mặt khác trẻ cũng có biểu hiện mệt mỏi, hay ngủ gà gật…
Theo các bác sĩ, trẻ bị u ở não sẽ khiến trẻ học không tập trung, kết quả học tập dần kém nên bị cha mẹ mắng oan. Ảnh minh họa.
Các triệu chứng thần kinh thường gặp
Trẻ sẽ bị đầu to, thóp phồng, giãn khớp sọ. Mắt bị phù gai thị, sụp mi, giãn đồng tử, đồng tử không cân xứng, lác mắt, mất thị lực. Trẻ mất thăng bằng, mất phối hợp động tác, tăng phản xạ. Nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7, hoặc liệt nửa người, hoặc liệt hai chi dưới. Trẻ có thể bị lú lẫn, sững sờ hoặc hôn mê. Nếu khám toàn trạng sẽ thấy trẻ chậm lớn, dậy thì sớm hoặc muộn, cổ cứng…
Bác sĩ Tấn Sĩ khuyến cáo, trẻ bị bệnh về não, trong đó có u sao bào lông là bệnh nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ, do vậy cần được đưa trẻ đến khám phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.