Trong lần thứ 2 khi được bệnh viện cho về nhà chờ, sản phụ đã sinh con ngay trong thang máy của tòa nhà và quá trình này chỉ kéo dài khoảng 1 phút.
Khi tới ngày dự sinh hoặc có dấu hiệu chuyển dạ, các sản phụ sẽ tới bệnh viện thăm khám và yêu cầu nhập viện để theo dõi. Tuy nhiên, đôi khi chính bác sĩ cũng không lường trước được diễn tiến của ca chuyển dạ và dẫn đến tình huống bất ngờ như dưới đây.
Mới đây, một sản phụ ở Brazil bị bệnh viện từ chối sau 2 lần tới kiểm tra khi thai kỳ đã ở tuần 40, sau đó chị lại sinh con ngay trong thang máy. Theo đó, chị Anne Gabrielle Muniz sống ở thành phố São Gonçalo thuộc bang Rio de Janeiro bắt đầu cảm nhận được những cơn co thắt chuyển dạ vào ngày 3/11.
Chị Anne sinh con ngay trong thang máy với sự trợ giúp của chồng và mẹ.
Chị Anne được chồng là anh César Albuquerque đưa tới bệnh viện kiểm tra ngay sau đó. Thế nhưng, các bác sĩ lại nói rằng cổ tử cung của chị Anne vẫn chưa mở, chưa thể sinh con bây giờ nên bảo chị Anne quay về nhà.
Vào ngày hôm sau, vợ chồng chị Anne lại tới bệnh viện thêm lần nữa. Lần này, cơn co thắt dồn dập khiến chị rất đau, nhưng bác sĩ nói rằng tử cung của chị mới mở được 2 phân. Một lần nữa, bác sĩ lại cho phép chị Anne về nhà chờ.
Không ngờ, khi vừa về tới nhà, chị Anne bị đau bụng dữ dội, có cảm giác như sắp sinh nên chị cùng chồng và mẹ lại quay trở lại bệnh viện. Tuy nhiên, khi vừa vào thang máy, chưa kịp tới bệnh viện thì Anne đã sinh con.
Đứa trẻ bình an chào đời trong thang máy.
Anh César và mẹ chị Anne chỉ kịp sơ cứu tại chỗ. Sau khi phần đầu của đứa trẻ lộ ra, mẹ của chị Anne vội vàng đỡ đứa trẻ lên. Hai vợ chồng chị Anne òa khóc ngay tại chỗ khi nhìn thấy con trai yêu chào đời.
"Về đến nhà, cô ấy cảm thấy đau tới mức không thể đứng nổi. Khi chúng tôi quay trở vào thang máy để đến bệnh viện thì cô ấy bám vào thanh ngang trong thang máy, cúi xuống dưới và nói: 'Con sắp ra rồi'", anh César nhớ lại.
Chị Anne và chồng bên cạnh con trai yêu.
Điều đáng nói hơn là toàn bộ quá trình sinh nở của chị Anne chỉ diễn ra trong vòng 1 phút và được camera an ninh gắn trong thang máy ghi lại. Sau khi con trai chào đời, họ lập tức tới bệnh viện. Bé trai được đặt tên là Bento, sức khỏe ổn định và vẫn đang được theo dõi trong bệnh viện.
Anh César cho biết, anh luôn muốn vợ sinh con theo cách tự nhiên và kết quả đúng như mong đợi, nhưng quá trình này lại diễn ra “không hề tự nhiên chút nào”. "Thằng bé có sức khỏe rất tốt, bú nhiều. Anne muốn sinh thường nhưng quá trình này lại không hề bình thường chút nào", anh César nói.
Cách xử trí khi đẻ rơi Việc xử trí trẻ bị đẻ rơi phải được thực hiện một cách khẩn cấp ngay tại chỗ xảy ra đẻ rơi và tùy theo tình huống cụ thể của sản phụ khi đó để can thiệp. B1: Nhanh chóng giải phóng thai nhi ra khỏi quần hoặc váy áo của sản phụ, sau đó nếu có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì xé ngay bao gói để sử dụng các vật liệu, dụng cụ đã có sẵn ở trong đó. B2: Trải tấm ni-lông ngay tại nơi bà mẹ đẻ rơi và đặt đứa trẻ sơ sinh nằm vào đó, ủ ấm trẻ bằng bất cứ thứ gì có thể có được ở người mẹ và người xử trí can thiệp như khăn, áo, giấy báo... B3: Lấy các sợi chỉ buộc dây rốn ở trong gói dụng cụ để buộc chặt dây rốn ở vị trí càng xa da bụng của trẻ càng tốt, lưu ý không được cắt dây rốn. B4: Chuyển đứa trẻ sơ sinh cho người mẹ ôm sát vào người để hạn chế tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh và tìm mọi cách chuyển hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được chăm sóc tiếp tục. Lưu ý: Nếu trường hợp không có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì ngay lập tức phải ủ ấm trẻ sơ sinh bị đẻ rơi bằng mọi vật dụng đồ vải có sẵn tại chỗ. Tiếp theo tìm một sợi dây nhỏ, mềm, bất cứ là loại dây gì như dây rút, dây xé từ vạt áo hay khăn tay, dây buộc đồ đạc... để buộc chặt dây rốn càng xa nơi của phần dây rốn ở bụng trẻ sơ sinh càng tốt. Tuyệt đối không cắt đứt dây rốn. |