Tết với chị Nguyễn Hồng có một ký ức đặc biệt bởi chị đã từng trải qua một ca sinh nở vào đúng đêm Giao thừa.
Ở tuổi 31, tài sản lớn nhất của chị Nguyễn Thị Hồng (Quốc Oai, Hà Nội) có lẽ chính là 7 đứa con thơ. Người mẹ lam lũ, làm việc quần quật không kể ngày đêm cho biết ngay cả những ngày Tết đến với gia đình chị cũng như ngày bình thường, có khác chăng là vợ chồng chị được ở nhà với đàn con thơ, không phải đi làm vì không có ai thuê.
Tuy nhiên, Tết với riêng chị Hồng vẫn có một ký ức đặc biệt bởi chị đã từng trải qua một ca sinh nở vào đúng đêm Giao thừa và chị cũng không bao giờ quên được ca sinh đó bởi chỉ 20 ngày sau sinh, "em bé giao thừa" của chị đã rời xa gia đình mãi mãi.
Ở tuổi 31, tài sản lớn nhất của chị Hồng là 7 đứa con.
Trong những ngày cuối năm, bà mẹ 8 con cũng dành chút thời gian rảnh rỗi ít ỏi chia sẻ về cuộc sống hiện tại của gia đình và những ước mong cho một năm mới Kỷ Hợi sắp đến.
Nhớ lại khoảnh khắc đi đẻ đúng vào đêm giao thừa năm 2016, chị Hồng cho biết khi đó chị vừa thổi xôi để cúng giao thừa xong, cả nhà tắt điện để đi ngủ thì 5 phút sau chị bất ngờ chuyển dạ và đẻ rơi con ngay tại nhà.
Ca sinh năm đó do không kịp chuẩn bị trước, chồng chị Hồng là anh Đỗ Công Trường bất đắc dĩ thành "bà đỡ" ngay tại buồng ngủ của hai vợ chồng. Sau đó anh phải chạy đi mượn xe bò nhà hàng xóm dùng để chở hai mẹ con lên trạm y tế xã sơ cứu, cắt rốn giữa ngày đông rét cắt da cắt thịt.
Đó là bé thứ 7 của gia đình anh chị, nhà đông con nên chị Hồng không có sự chuẩn bị kỹ càng cho sức khỏe. Dù mang bầu to nhưng chị vẫn phải đi làm không được nghỉ ngày nào, đặc thù công việc của chị là sơn tường liên tục phải tiếp xúc với hóa chất, nếu phát hiện có phụ nữ mang thai, công ty sẽ cho dừng việc. Chính vì sợ mất việc không có tiền mua gạo nuôi con, lại sắp tới kỳ sinh bé thứ 7 nên mỗi ngày đi làm chị cố gắng mặc những chiếc áo rộng để che đi phần bụng bầu.
Từ ngày kết hôn, chị Hồng không được nghỉ ngơi ngày nào, kể cả khi mang bầu.
Chị Hồng chia sẻ: “Mang thai đến tháng đẻ nhưng mình không hề có dấu hiệu chuyển dạ, nhà nghèo, không có tiền siêu âm, hai vợ chồng chỉ tính nhẩm ngày đẻ, nhưng không nghĩ lại sinh đúng vào đêm giao thừa. Trước đó sinh nhiều lần rồi nên mình cũng không quá lo lắng, cũng may mắn hôm đó trạm xá vẫn có nhân viên trực nên em bé được cắt rốn luôn. Vì trời quá rét nên cũng không nhớ cảm giác lúc đó như nào nữa!”.
Nhớ lại ký ức tự đỡ đẻ cho vợ, anh Trường cho hay: “Lúc đầu đứa bé chui ra, tôi lấy tay đỡ, đứa bé ra tới đâu tôi kéo đến đó xong tôi bế bé lên bụng mẹ nó. Nhìn máu me của bà đẻ tôi cũng sợ nhưng tự trấn an mình phải bình tĩnh để đưa vợ đi trạm y tế”.
Được chồng và mẹ chồng đưa ra trạm y tế trên chiếc xe bò cũ, thế nhưng đen đủi thay, giao thừa năm ấy trạm xá mất điện. Ngoài trời rét đậm, bà Bống - mẹ chồng chị Hồng - vừa đắp lên người con dâu hai chiếc khăn vừa nâng đầu đứa trẻ để tránh ngạt thở. Anh Trường lúc đó chỉ có thể làm được việc duy nhất là soi đèn pin giúp y tá cắt rốn và sơ cứu nhanh nhất cho vợ con mình.
Đứa trẻ từ tím tái do rét buốt được hồng hào trở lại, người mẹ thoát khỏi nguy cơ băng huyết nhờ xử trí kịp thời. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, đứa con thứ 7 này của anh chị chỉ ở bên bố mẹ vỏn vẹn 22 ngày đã mãi mãi ra đi.
Chị Hồng đẻ nhiều đến mức cứ vác bụng bầu lên trạm xá là y tá “phát ngán” vì quen mặt. Thú nhận là người dễ sinh đẻ, ngay khi vừa mới kết hôn chị đã nhanh chóng có bầu. Tám lần như một, mỗi thai kỳ của chị diễn ra suôn sẻ, mặc dù công việc hằng ngày của chị vô cùng nặng nhọc, mang bụng bầu to nhưng chị vẫn chạy xe máy lên các tỉnh miền núi, vào tận vườn mua chuối, mua trám của bà con đồng bào về dưới xuôi bán.
Chia sẻ về những lần mang bầu và vượt cạn “nhanh như chớp” của mình, chị Hồng kể: “Mình nghĩ con cái là lộc trời, bởi thế cứ có bầu là để đẻ chứ không bỏ đi đứa nào, do sức khỏe nên mình không thể đặt vòng tránh thai và uống thuốc phòng tránh được. Cũng may là trời thương nên những lần bầu bí đều khỏe mạnh”.
Vợ chồng chị Hồng đi làm cả ngày, để đàn con cho bà nội trông nom.
Nếu như những người phụ nữ khác đi đẻ là cơn ác mộng ám ảnh đến mãi tận sau này thì với người phụ nữ 8 lần sinh nở này lại hoàn toàn ngược lại. Chị Hồng nói: “Nếu nói cơ địa dễ thụ thai là một chuyện nhưng đến lúc đẻ cũng dễ luôn. Có những lần đẻ vào buổi đêm, ở trạm xá thường không có người trực sẵn, mình đến đó xong thường đẻ rơi ngay dưới chân bàn đẻ. Con lọt ra ngoài rồi, chồng mới chạy đi gọi y tá đến để cắt rốn cho đứa bé”.
Khi được hỏi về những lần bầu bí sinh nở của vợ, anh Trường bộc bạch, trước đây anh chị đều là công nhân và lấy nhau khi vẫn còn trẻ với hai bàn tay trắng. Sau hôn nhân, các con lần lượt chào đời nên nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng, giờ đây gia đình anh chị được nhiều người biết đến không phải vì giàu tiền giàu của mà vì đông con cái.
Vì cuộc sống nghèo khó, chạy ăn từng bữa nên mỗi lần đẻ xong được vài ngày, không cho phép mình được ở cữ như bao bà đẻ khác, chị Hồng lại phải đi làm ngay mới có tiền lo cho con ăn, học.
Vì áp lực kinh tế để nuôi đàn con nên vợ chồng chị Hồng không sắm sửa được gì cho căn nhà.
Chứng kiến cảnh nhà đông con mà vẫn tiếp tục sinh đẻ, hàng xóm xung quanh nhà chị Hồng đều tỏ ra ái ngại, không ít người ác ý còn “ném” ra những lời nói không hay ho kiểu: “đã nghèo còn đẻ lắm”, “đẻ lắm thế lấy gì cho chúng nó ăn”…
Không giấu giếm hoàn cảnh của mình, anh Trường tặc lưỡi tâm sự: “Vì bố mẹ đi làm cả ngày nên không biết chúng ở nhà có được ăn cơm đủ bữa không, đông quá một mình bà nội chăm cũng không xuể. Những lúc như vậy, hai vợ chồng lại nhìn nhau động viên cùng cố gắng, mong các con lớn lên và đỡ đần bố mẹ thì cuộc sống chắc sẽ ổn hơn”.
Chiều muộn ngày 29 Tết trong căn nhà đơn sơ, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, tung tăng khắp nhà ngoài sân là tiếng trẻ con í ới, trong căn bếp chật chội là hình bóng người phụ nữ dù mới bước sang tuổi 31 nhưng khuôn mặt lúc nào cũng hằn lên nỗi vất vả cực nhọc do gánh nặng con cái.
Nếu như giờ này năm ngoái, không khí trong nhà giống với Tết hơn bởi nhà anh Trường chị Hồng nhận được sự sẻ chia của nhiều nhà hảo tâm đến tặng cây quất, cân giò, bánh chưng và mấy hộp mứt Tết thêm ít bánh kẹo. Thì năm nay chỉ đơn giản là rộn ràng tiếng trẻ nhỏ vui đùa như những ngày thường trong năm.
Vợ chồng chị Hồng gửi con cho bà nội, đi làm đến tận chiều 30 Tết.
Chị Hồng cho biết, từ khi hai vợ chồng chị lấy nhau, Tết hầu như không gói bánh chưng, cả hai anh chị năm nào cũng đều làm cố đến chiều 30 để có thêm chút ít tiền sắm cho mỗi đứa con một chiếc áo mới diện Tết. Hiện tại, hai vợ chồng chị Hồng đều đi làm quét vôi ve thuê cách nhà 30km, mỗi tháng được vài triệu bạc. Có 6 đứa đi học, đầu năm cũng mất mấy triệu tiền học phí, không có tiền cứ đóng dần, mỗi lần vài trăm. Riêng hai bé học mầm non là Đỗ Thị My (4 tuổi) và Đỗ Công Anh (5 tuổi) mỗi bé phải đóng 400.000đồng/ tháng tiền học và ăn một bữa ở trường.
Quần áo các nhà thiện nguyện và cả hàng xóm cho thì đứa nọ mặc lại của đứa kia. Tháng nào hai vợ chồng có việc thì các cháu có thịt ăn, tháng nào không có việc thì ăn rau, ăn cháo. “Giờ nhiều lúc suy nghĩ thấy tội các con. Con út mới 13 tháng tuổi nhưng đã cai sữa mẹ từ vài tháng trước, hy hữu lắm mới được uống một hộp sữa bán với giá 5.000 ngàn đồng ngoài quán”, chị Hồng tâm sự.
Niềm hạnh phúc của anh chị là đàn con ngoan ngoãn, khỏe mạnh.
Anh Trường cho biết, gần 14 năm kể từ sau khi sống chung một nhà, Tết với vợ chồng anh cũng như bao ngày bình thường, chỉ khác là được ở nhà chơi với con vì không có ai thuê làm.
Thêm một Giao thừa nữa đang cận kề, với căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố Hà Nội vẫn còn đó những bộn bề khó khăn. Cặp vợ chồng trẻ “giàu con” ấy chẳng mong chờ gì nhiều, chỉ dám hy vọng những năm sau kinh tế gia đình sẽ khá hơn để vợ chồng có thể lo cho các con một cái Tết ấm cúng, đủ đầy đúng nghĩa.