Trên đường đi sinh, sản phụ bị vỡ ối nên gia đình và quyết định dừng lại trước cổng bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh để kịp cấp cứu.
Thông tin từ Infonet cho biết, rạng sáng 25/6, một tài xế taxi tiếp nhận chở vợ chồng sản phụ Huỳnh Thị N.A (20 tuổi, quê Kiên Giang, thai 38 tuần) đi bệnh viện sinh con vì chị A. có dấu hiệu chuyển dạ.
Khi đi được gần 2km, chị A. vỡ ối. Biết không kịp đến bệnh viện, bác tài cùng gia đình quyết định dừng xe ngay khoa Cấp Cứu Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM để lo cho cuộc sinh nở.
Các y bác sĩ khi nhận được tin báo lập tức nhanh chóng huy động ekip và phương tiện cấp cứu, túc trực ngay cổng bệnh viện. Khi cửa taxi vừa mở cũng là lúc tiếng khóc đầu đời của bé được cất lên.
Em bé chào đời ngay khi xe taxi dừng lại trước cổng bệnh viện nhi.
Vừa tiếp nhận cháu bé, các bác sĩ khoa cấp cứu đã tiến hành cắt dây rốn ngay trên xe rồi vệ sinh ổn định thân nhiệt cho bé bằng lồng ấp. Sau đó, bé trai được chuyển khoa Sơ sinh theo dõi tiếp.
Sản phụ A. được bóc nhau cẩn thận, cầm máu tốt, nhanh chóng chuyển qua Bệnh viện Bình Chánh theo dõi tiếp tình trạng sức khỏe. Các bác sĩ cho biết, đây là tình huống bất ngờ nhưng nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng của bệnh viện cùng người lái xe nhiệt tình, bệnh viện đã đón một cuộc chuyển dạ thú vị, đón em bé chào đời kịp thời và an toàn.
Gặp trường hợp đẻ rơi cần làm gì?
Đẻ rơi được xác định là khi tình trạng sinh đẻ của người phụ nữ mang thai không được dự kiến và thường xảy ra ngoài ý muốn của mọi người ở những nơi không phù hợp với việc sinh đẻ. Ngày nay tuy hầu hết các mẹ bầu đều được biết ngày dự sinh của con cũng như trang bị kiến thức về dấu hiệu sinh con nhưng cũng không tránh khỏi trường hợp đẻ rơi. Vậy nếu gặp tình huống sản phụ đẻ rơi, người thân hoặc người chứng kiến cần làm gì?
Chia sẻ trên Sức Khỏe Đời Sống, bác sĩ Nguyễn Trâm Anh cho biết việc xử trí trẻ bị đẻ rơi phải được thực hiện một cách khẩn cấp ngay tại chỗ xảy ra đẻ rơi và tùy theo tình huống cụ thể của sản phụ khi đó để can thiệp. Trước hết phải nhanh chóng giải phóng thai nhi ra khỏi quần hoặc váy áo của sản phụ, sau đó nếu có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì xé ngay bao gói để sử dụng các vật liệu, dụng cụ đã có sẵn ở trong đó. Cần trải tấm ni-lông ngay tại nơi bà mẹ đẻ rơi và đặt đứa trẻ sơ sinh nằm vào đó, ủ ấm trẻ bằng bất cứ thứ gì có thể có được ở người mẹ và người xử trí can thiệp như khăn, áo, giấy báo... Tiếp theo lấy các sợi chỉ buộc dây rốn ở trong gói dụng cụ để buộc chặt dây rốn ở vị trí càng xa da bụng của trẻ càng tốt, lưu ý không được cắt dây rốn.
Con trai sản phụ A. đang được chăm sóc và theo dõi tại bệnh viện.
Sau đó chuyển đứa trẻ sơ sinh cho người mẹ ôm sát vào người để hạn chế tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh và tìm mọi cách chuyển hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được chăm sóc tiếp tục. Tại cơ sở y tế, người mẹ sẽ được lấy bánh nhau ra, theo dõi và xử trí tình trạng chảy máu, nhiễm khuẩn; đứa trẻ sơ sinh sẽ được thực hiện việc buộc lại dây rốn đúng kỹ thuật và cả mẹ lẫn con sẽ được tiêm huyết thanh chống uốn ván.
Nếu trường hợp không có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì ngay lập tức phải ủ ấm trẻ sơ sinh bị đẻ rơi bằng mọi vật dụng đồ vải có sẵn tại chỗ. Tiếp theo tìm một sợi dây nhỏ, mềm, bất cứ là loại dây gì như dây rút, dây xé từ vạt áo hay khăn tay, dây buộc đồ đạc... để buộc chặt dây rốn càng xa nơi của phần dây rốn ở bụng trẻ sơ sinh càng tốt. Lưu ý không được cắt dây rốn, sau đó chuyển đứa trẻ sơ sinh cho người mẹ ôm ấp để ủ ấm và tìm mọi cách chuyển ngay hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để tiếp tục xử trí can thiệp cho cả mẹ lẫn con như nội dung đã nêu ở trên.