Chăm một em bé bình thường mệt 1 thì chăm bé sinh non mệt 10, bà mẹ trẻ đã có lúc mệt mỏi, stress đến mức muốn từ bỏ cuộc sống.
Chăm sóc những bé sinh non từ khi còn bé xíu đến ngày được như "con nhà người ta" là cuộc hành trình đầy gian lao mà chỉ người mẹ nào đã trải qua mới thấu hiểu. Bà mẹ 9X tên Thảo Nguyên (sống tại Sài Gòn) đã đơn độc vượt qua một chặng đường như vậy, tự tay chăm sóc con trai sinh non vì trong lúc mệt mỏi, căng thẳng thì chồng còn nghi kị, không tin đứa con là của mình.
Bé Will (con trai Thảo Nguyên) khi mới được về nhà và hiện tại.
Con chào đời "bé như chuột", mẹ nhìn mà không dám vào thăm lần 2
Ngày Thảo Nguyên phát hiện mang thai đã là tháng thứ 4 do chu kỳ kinh của cô vốn thất thường và lại không hề có dấu hiệu ốm nghén. Tuy lúc đó chồng là người Thổ Nhĩ Kỳ đang không ở Việt Nam nhưng vẫn không khiến Thảo Nguyên chạnh lòng. Với cô, được có con và trở thành mẹ đã là điều hạnh phúc nhất.
Bà mẹ trẻ hy vọng thai kỳ sẽ diễn ra suôn sẻ, đủ 9 tháng 10 ngày là được đón "thiên thần" chào đời. Vậy nhưng cô ngờ đâu "thiên thần" lại chọn đến sớm hơn dự định.
"Mình bị vỡ ối sớm ở tuần 29. Lúc đó vừa đau bụng, vừa ra máu. Nhập viện bác sĩ nói nếu sinh ở tuần 29 thì em bé sẽ có nhiều vấn đề về thần kinh, nghiễm trùng máu, vàng da,... nên phải cố giữ thai đến 35 tuần. Vậy nhưng máu thì ngày một nhiều, mình còn sốt cao tới 40 độ, truyền 3 lần dịch vẫn không đỡ.
Chào đời ở tuần 29, Will chỉ nặng 1,5kg, thậm chí 30 ngày trong lồng ấp còn giảm 2 lạng.
Cuối cùng bác sĩ vẫn phải cho sinh thường gấp. Ba mình phân vân rất nhiều mới quyết định kí vào giấy cam kết vì sinh non thì bé có 50% cơ hội sống thôi", Thảo Nguyên kể lại ngày đi sinh.
Vậy là cậu con trai bé bỏng của Thảo Nguyên đã chào đời ở tuần 29, nặng vỏn vẹn 1,5kg. Ngay khi vừa ra khỏi bụng mẹ, bé đã được chuyển sang ấp lồng kính và cho thở oxi.
"Lần đầu tiên vào thăm, thấy con nằm trong lồng kính, tay chân bé tí xíu quơ quơ, thở thì khó khăn, mắt che một mảnh vải đen, quần áo không mặc, tim mình quặn thắt lại. Thật sự mình không dám đi thăm con lần 2 vì sợ không chịu nổi, chỉ biết ở nhà chờ nghe tình hình từ ba", Thảo Nguyên tâm sự.
Một mình chăm con sinh non nhiều vất vả, chồng Tây về đòi đi xét nghiệm ADN
30 ngày chiến đấu trong lồng ấp nhưng do bé chưa hấp thụ được sữa nên ngày Thảo Nguyên được gặp con, bé chỉ còn 1,3kg.
"Vẫn nhớ ngày ấy nhìn con người gầy nhom, bé xíu, xanh xao, mình thấy như chết nghẹn. 10 ngày sau đó bác sĩ gọi mẹ vào ấp kanguru, mình liên tục đi đi về về giữa nhà và bệnh viện. Chưa kể những lần con đột nhiên tím tái, mình thật sự không còn muốn sống nữa", bà mẹ trẻ kể lại những ngày đầu đầy thứ thách của con trai.
Thảo Nguyên kiên trì chăm sóc con trai sinh non.
May mắn thay, nhờ sự kiên trì "chiến đấu", gần 2 tháng tuổi, bé Will đã được về nhà với cân nặng 1,6kg.
Tiếp tục hành trình chăm con sinh non, Thảo Nguyên đối mặt với hàng loạt chuyện căng thẳng, stress. Cô chạnh lòng mỗi khi đưa con đi khám lại có người này người kia chỉ trỏ, xì xào vì con trai cô nhỏ xíu, trên đầu lại phải cạo một bên để thuận tiện cho việc điều trị.
Thế nhưng đó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất với Thảo Nguyên. Khi chồng về Việt Nam, cô stress nặng nên chưa muốn gặp anh ngay. Cuối cùng anh lại sinh ra nghi kị khi thấy cô sinh trước 2 tháng mà lúc đó anh lại không có mặt. "Anh ấy bắt mình phải đi xét nghiệm ADN", cô xót xa nói trong nước mắt.
Cô còn thất vọng hơn khi chồng nghi ngờ đứa con không phải của mình.
Vừa chăm bé sinh non, vừa bị chồng nghi ngờ, Thảo Nguyên bị đè nén đến mức có lần cô muốn uống thuốc ngủ tự tử. "Nhưng rồi nhìn Will ngoan ngoãn là thế. Mình sao nỡ để con bơ vơ, thiệt thòi nên lại cố gắng bước tiếp", bà mẹ trẻ nói.
Sau tất cả, nỗ lực không ngừng của Thảo Nguyên đã được đền đáp. Bé Will sau 3 tháng 15 ngày được ra viện đã nặng 8kg, dài 69cm, thậm chí còn bị bác sĩ trách vì tăng cân nhanh quá.
Chia sẻ kinh nghiệm chăm con sinh non, bà mẹ trẻ nói: "Trước khi chăm em bé sinh non, bà mẹ nào cũng phải học qua một lớp kĩ năng để biết cách chăm con vì con rất nhỏ. Tuyệt đối không được quên bất cứ cữ ăn nào của con vì khi đói con sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm. Ngoài ra cũng cần để ý tới những lúc bé bị trớ sữa nữa, nếu bị như vậy, các mẹ phải lấy khăn lau ngay, không để lâu bởi sữa có thể sẽ chảy vào phổi con.
Ấp con trước ngực thật nhiều, mát-xa thường xuyên và cho con nghe nhạc để bé dễ chịu và mau lớn. Làm mọi thứ thật nhẹ nhàng và cẩn thận".
Bé Will hiện nay cực bụ bẫm, đáng yêu.
Cô cũng nhắn nhủ những bà mẹ sinh non đừng nản lòng, hãy cố gắng mạnh mẽ vì các con luôn là "chiến binh" tuyệt vời nhất nên mẹ hãy đặt niềm tin ở con. Dù có lúc sẽ mệt mỏi nhưng lấy nụ cười của con làm động lực thì thử thách nào cũng sẽ qua đi.