Vốn nghĩ bản thân là người khó có con vì căn bệnh buồng trứng đa nang, chị Kiều Thi không ngờ mình không chỉ có con mà còn có tận 4 bé xinh xắn, đáng yêu.
Tháng 4 hàng năm được chọn là Tháng nâng cao nhận thức về sinh mổ, được phát động nhằm mục đích giảm tỉ lệ những ca sinh mổ không cần thiết. Vậy nhưng đôi khi sinh mổ là điều không thể tránh khỏi nên những bà mẹ đẻ mổ luôn xứng đáng được tôn vinh vì nỗi đau đớn "cắt da cắt thịt" họ phải chịu đựng.
Nếu cần tìm kiếm một bà mẹ đẻ mổ xứng đáng với danh hiệu "anh hùng", "siêu nhân" thì chắc chắn không ai phù hợp hơn bà mẹ trẻ Trần Kiều Thi (27 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM). Kết hôn 8 năm, chị Thi đã trải qua 4 lần sinh mổ với vô số những lời cảnh báo từ bác sĩ, những giây phút nguy hiểm "ngàn cân treo sợi tóc".
Gia đình chị Kiều Thi hạnh phúc với 4 "thiên thần" nhỏ.
Tưởng khó có con không ngờ sinh liên tục 4 "thiên thần"
Kết hôn từ năm 2010, đến tháng 6/2011, chị Thi sinh bé đầu tiên. Hai bé tiếp theo sinh cùng ngày, cùng tháng vào tháng 10 năm 2012 và 2014. Tháng 2/2018 vừa rồi, chị lại tiếp tục sinh thêm bé thứ 4. Không ít người trách chị Thi "Sao mà liều?" khi đẻ dày mà lại đều là đẻ mổ, vậy nhưng đối với chị, có 4 "thiên thần" như ngày hôm nay là niềm hạnh phúc, may mắn tuyệt vời nhất bởi đã có lúc chị tưởng mình sẽ không thể trở thành mẹ.
"Trước khi lấy nhau, vợ chồng mình có đi khám sức khỏe thì được chẩn đoán là khó có con do mình bị đa nang buồng trứng. Vì thế lúc đó vợ chồng mình chỉ mong là có được 1 đứa con để vui cửa vui nhà. Nếu được 2 bé thì càng tốt để con có anh chị em chơi với nhau", chị Thi tâm sự.
Trước đây, chị Thi chỉ mong sinh được 1 hoặc 2 bé nhưng bây giờ đã có tận 4 bé.
Vậy nhưng may mắn sau khi cưới, con cái cứ liên tục đến với anh chị như "cái cơ duyên" vì dù đã sử dụng nhiều phương pháp phòng ngừa nhưng vẫn rất "nhạy".
Con cái đến với mình là cái duyên. Dẫu biết nguy hiểm nhưng nghe tim thai rồi không ai nỡ bỏ.
Trần Kiều Thi - Eva.vn
"Sau khi cưới 1 tháng, ông xã mình có đi học bấm huyệt theo phương pháp Đông y rồi về thực hành trên mình. May mắn sau đó không lâu thì mình mang bầu bé thứ nhất. Sau đó, mặc dù mình có sử dụng phương pháp phòng ngừa nhưng vẫn rất nhạy, bé thứ 2 và thứ 3 là do mình quên 1 viên thuốc tránh thai vào tối mùng 1 Tết mà có. Sau khi sinh bé thứ 3 thì mình cấy que tránh thai, được 2 năm thì que hết hạn phải tháo ra. Bác sĩ hẹn mình tháng sau khi có kinh trở lại thì vào bệnh viện để cấy que mới. Nhưng chưa kịp làm gì cả thì mình có thai bé thứ 4", chị Thi cười nói.
Vì đã từng được chẩn đoán khó có con nên mỗi khi phát hiện có thai, hai vợ chồng chị Thi đều không nỡ bỏ con dù được bác sĩ cảnh báo nhiều nguy cơ.
"Khi mình mang thai lần 2 là bác sĩ đã cảnh báo không an toàn, vì lúc đó mình mới sinh mổ bé đầu được 6 tháng và lần mang thai đó lại là song thai. Không chỉ có bác sĩ mà mẹ mình cũng rất lo lắng. Lúc biết mình có thai lần 2 mẹ mình khóc hết nước mắt. Lúc đó mình cũng lo lắm vì con trai vẫn còn quá nhỏ, mình vẫn còn đang học đại học năm 3 và mình cũng biết tới những nguy hiểm khi mang thai lúc vết mổ vẫn còn mới. Nhưng rồi khi nghe 2 tiếng tim thai thì mình lại không nỡ bỏ đi các con", chị tâm sự.
Thêm một vấn đề nữa khiến chị Thi lo lắng là tình trạng vô sinh thứ phát. Đối với chị, có con đã là một điều kỳ diệu. Chị nghĩ nếu không giữ lần mang thai này thì với chẩn đoán khó có con trước đó, khả năng bị vô sinh thứ phát là khá cao.
Sinh mổ dày nên mỗi khi có thai, chị Thi đều đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn.
Cuối cùng, chị Thi vẫn quyết định giữ con lại nhờ lời động viên của bác sĩ: "Nếu con muốn giữ con thì bác sẽ cùng con cố gắng để giữ được cho ba mẹ con an toàn hết mức có thể trong khả năng của bác".
Mỗi lần mang thai đều mang một cảm xúc khác nhau
9 tháng 10 ngày mang thai là trải nghiệm hạnh phúc nhưng cũng không kém phần khổ sở, mệt mỏi đối với mỗi bà mẹ. Vậy nhưng với chị Thi, trải nghiệm đó còn được nhân lên 4 lần. Mỗi lần mang thai đều để lại cho chị những cảm xúc riêng, có khi may mắn vì thai kỳ yên ổn nhưng cũng có khi sống trong lo lắng từng ngày.
"Lần mang thai đầu tiên là mình vẫn đang học đại học năm 2. Lúc đó mình vừa mang bầu vừa lên giảng đường. Mình nghe nói là con đầu hay sinh sớm nên cũng khá lo vì dự sinh của mình là tháng 6, cũng là thời gian thi cuối học kỳ nên mình phải thường xuyên nhắn nhủ với con là con ráng nằm ngoan trong bụng mẹ cho đủ ngày đủ tháng, để mẹ thi xong thì con hãy ra nhé. Và quả nhiên là mình ì ạch vác bụng bầu đi thi hết các tín chỉ của học kỳ đó. Thi xong ngày 17/6 thì chiều 18/6 con chào đời.
Mỗi lần mang thai, sinh con đều để lại cho chị những kỉ niệm, những cảm xúc khác nhau.
Lần mang thai thứ 2 là song thai nhưng tới tháng thứ 4 thì mất 1 tim thai. Lúc đó mình cũng được bác sĩ khuyên là chấm dứt thai kỳ vì sợ bé kia không giữ được tới đủ ngày đủ tháng nhưng cũng chính vị bác sĩ kia đã nói với mình rằng "Nếu con muốn thì bác sẽ cùng con cố gắng giữ bé". May mắn là 2 thai khác trứng khác túi ối nên mình và bác sĩ đã thành công. 35 tuần mình vỡ ối và mổ cấp cứu lấy thai. 11g30 đêm thì con gái ra đời, nặng 2kg, nhỏ xíu xiu. Thai kia thì thành 1 khối thịt khoảng 1kg. Lần mổ đó kéo dài rất lâu và mình phải dùng tới thuốc mê. Có lẽ do con ra đời thiếu tháng nhẹ cân, lại khó ăn uống và mình cũng gần như là không có sữa nên tới giờ bé vẫn nhỏ con nhưng bù lại bé rất lanh lợi và tình cảm", chị Thi kể.
Lần mang thai bé thứ 4 có lẽ là lần chị thấy chật vật nhất.
Lần mang thai thứ 3 có lẽ là lần mang thai yên ả nhất với chị Thi vì con sinh ra đủ ngày đủ tháng và đặc biệt là cùng sinh nhật với chị gái.
Lần mang thai thứ 4 có lẽ là lần khiến chị Thi chật vật nhất. Do mới tháo que tránh thai nên chị không ngờ con đến nhanh vậy. Trong những tháng đầu, chị vẫn phải thức khuya và di chuyển khá nhiều do tính chất công việc. Đến khi phát hiện có thai, bác sĩ kết luận chị bị tụ huyết dưới túi thai 20% và bóc tách túi thai 35%.
Vẫn nhớ ngày mang thai bé thứ 4, sáng ngủ dậy là không dám vào nhà vệ sinh và chỉ khi không thấy huyết hồng thì mới dám thở phào vì đêm con không bỏ mình mà đi.
Trần Kiều Thi - Eva.vn
"Lúc đó mình phải nằm đặt thuốc dưỡng và ông xã bấm huyệt điều dưỡng mỗi ngày. Đã vậy mình còn bị nghén gần như là không ăn không uống gì được, cũng may là vẫn còn ăn và uống được thuốc đông y do ông xã hái về. Lúc đó mình trong tâm thế là cùng con cố gắng vượt qua được từng giờ từng phút.
Rồi từng ngày trôi qua, nào là bóc tách túi thai, bóc tách màng nuôi, hội chứng dải sợi ối, dây rốn quấn cổ 2 vòng, đầu thai xuống sâu ngay trên vết mổ, tim thai nhanh bất thường, có khi cả ngày bé không thèm máy đạp luôn. Đó là tất cả những khó khăn mình và con cùng trải qua trong suốt những tháng thai kỳ. Vì thế mình và bác sĩ phải đồng ý với nhau là "Con cứ được 3kg là mổ bắt ra chứ không quan tâm tới tuổi thai nữa". May mắn là mình cũng đã sinh bé được an toàn vào ngày 6/2/2018 vừa rồi", chị Thi bộc bạch.
Đoạn phim siêu âm bé thứ 4 nhà chị Thi.
4 lần đều sinh mổ nhưng có lần "run rảy chảy nước mắt", có lần lại "nhẹ nhàng như không"
Khi mang thai lần đầu, chị Thi cũng luôn mong muốn được sinh thường vì biết sinh thường mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả mẹ và bé. Vậy nhưng không may bé nằm ngôi thai cao và khung xương chậu của chị không tương thích với thai nên cuối cùng vẫn phải mổ. Dù không đạt được mong muốn nhưng với chị chưa bao giờ buồn vì với chị "sinh thế nào cũng là sinh, miễn sao con khỏe mạnh".
"Có nhiều người nghĩ sinh mổ là nhẹ nhàng nhưng mình trải qua 4 lần thì thấy hoàn toàn không đúng vì tuy không trải qua cơn đau chuyển dạ nhưng những cái đau sau khi hết thuốc tê cũng... "phê" lắm. Rồi cái khó chịu khi chích thuốc tê vào tủy sống, cái khó chịu khi rút ống thông tiểu, cái đau khi lần đầu tiên đứng dậy tập đi sau khi mổ, khi co hồi dạ con, những điều đó hoàn toàn không êm ái và nhẹ nhàng", chị Thi tâm sự.
Mọi nỗi đau và khó chịu đều có thể vượt qua khi mình nghĩ đến con.
Trần Kiều Thi - Eva.vn
Vậy nhưng chị cũng nhắn nhủ đến nhiều bà mẹ đang mang bầu và có nguy cơ phải sinh mổ khác rằng sinh mổ cũng không quá... kinh khủng. Và mức độ đau có lẽ còn tùy theo cách chăm sóc và thuốc men của bệnh viện.
"Khi mang bầu lần 2, xác định là sẽ sinh mổ tiếp nên mình cũng hoang mang vì nghe nói mổ lần sau sẽ đau hơn lần trước. Mà nó đau hơn thật. Đau mà mình nằm run rảy và chảy nước mắt khi bước xuống giường để tập đi. Nhưng rồi nghĩ tới con là mình đều cố gắng và khi nghe con khóc mà không có ai bên cạnh là mình có thể nhỏm dậy mà không biết đau là gì.
Nhưng khi sinh bé thứ 3 và bé thứ 4, mình sinh ở bệnh viện khác thì lại cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhàng và không đau đớn. Mình sinh mổ lần 3 và lần 4 mà mình còn khỏe hơn cả người sinh mổ lần đầu hay sinh thường nằm phòng kế bên", chị chia sẻ.
Sau tất cả mọi khó khăn, chị cảm thấy may mắn và hạnh phúc mỗi khi ngắm nhìn các con.
Đến bây giờ, khi nhìn ngắm 4 "thiên thần" đáng yêu, khỏe mạnh lớn lên từng ngày, chị Thi không biết nói gì ngoài 2 từ "may mắn".
"Mình cảm thấy rất may mắn vì mình đã có được các con là những món quà rất quý giá và lớn lao. Mình cảm thấy may mắn vì mình đã trải qua những thai kỳ tuy không yên ả nhưng đã cán đích thành công. Mình cảm thấy may mắn như thể mình "cải mệnh" thành công, khi mà các bác sĩ nói mình khó có con thì mình vẫn có và có nhiều con, khi mà bác sĩ nói mình bệnh tim không thể sinh mổ quá nhiều và quá sát như thế nhưng giờ 5 mẹ con mình vẫn ôm nhau vui vẻ. Và mình thấy hạnh phúc khi mình đã có những suy nghĩ "liều nhưng đúng" là mình bảo vệ con thì con sẽ bảo vệ mình", chị nói.