Các chuyên gia khuyến cáo, việc mổ đẻ theo yêu cầu rất nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cho cả mẹ và con.
“Ép” con ra đúng “giờ đẹp”?!
Gần chiều tối, phòng chờ sinh của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng vẫn đông kín các sản phụ. Trong số đó, khá nhiều trường hợp được hỏi cho biết họ đã đăng ký mổ đẻ và chờ mổ theo yêu cầu.
TS.BS. Trần Thị Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết: “Vài năm gần đây, tình trạng mổ đẻ đang bị lạm dụng khá nhiều. Thay vì, bắt buộc phải mổ trong những trường hợp sinh khó thì nhiều người lại chủ động đăng ký được mổ đẻ. Hơn nữa, có nhiều trường hợp còn yêu cầu được sinh con vào đúng “giờ hoàng đạo” theo như lời “thầy” phán!”
BS Hoàng kể, có trường hợp sản phụ mang thai mới được 36 tuần nhưng cứ khăng khăng đòi mổ trước thời hạn. Khi hỏi lý do thì sản phụ này cho biết, đi xem bói và được “thầy” tư vấn nên cho đứa trẻ ra đời sớm hơn dự định, nếu đứa trẻ sinh đúng ngày (9 tháng 10 ngày), sẽ rơi vào ngày xấu, không hợp với mệnh của bố mẹ. Vì thế, nếu muốn con cái ngoan ngoãn, không phá phách, quấy rối bố mẹ thì phải cho ra đời sớm mới tránh được tai họa.
Các chuyên gia khuyến cáo, nên để đứa con ra đời theo quy luật tự nhiên, tránh gặp các tai biến sơ sinh. Ảnh minh họa: N.Mai
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp từ việc mang thai khi nào, sinh ngày nào, giờ nào đều đã được “thầy” tính toán chi tiết và nhiệm vụ của các cặp vợ chồng là phải “răm rắp” thực hiện theo thì đứa con sinh ra mới gặp nhiều may mắn, sau này có tướng làm quan, giàu sang phú quý. Tuy nhiên, ngày mà “thầy” tính cho đứa trẻ đó ra đời sớm hơn đến 4 tuần so với khi ra đời theo đúng ngày đẻ tự nhiên.
Theo BS Trần Thị Hoàng, có một điều lạ là những cặp vợ chồng dù đã được các bác sĩ tư vấn về những nguy hại khi “ép” đứa trẻ ra đời sớm nhưng họ vẫn kiên quyết chọn mổ đẻ theo ngày giờ đã được thầy bói phán. Họ giải thích: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, “thầy” phán sao thì làm vậy, tránh gặp họa về sau?!
Nguy cơ tử vong cao
TS.BS. Trần Thị Hoàng thông tin: Hiện nay, tỷ lệ mổ đẻ tại Việt Nam vẫn ở mức cao (khoảng 27%), riêng đối với các bệnh viện tại thành phố lớn, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều. Trong đó, con số này tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chiếm hơn 50%.
Tuy nhiên, BS Hoàng nhấn mạnh: “Mổ đẻ là đi ngược lại với tự nhiên. Chỉ nên mổ đẻ trong các trường hợp bắt buộc phải mổ. Tuyệt đối không được mổ đẻ theo yêu cầu vì sẽ dẫn đến nguy cơ không tốt cho sức khỏe của cả mẹ lẫn con”.
BS Hoàng giả thích: Phải có quá trình chuyển dạ tự nhiên, tức là nội tiết tố của bà mẹ và của đứa trẻ được sẵn sàng thì đứa trẻ ra đời mới được khỏe mạnh. Bởi lẽ, khi chuẩn bị được chào đời, trong phổi của đứa trẻ sẽ diễn ra quá trình chuyển từ việc tiết dịch trong các tế bào nang sang việc hấp thu khí để thích ứng với môi trường bên ngoài. Do vậy, với những đứa trẻ được mổ đẻ chủ động, phổi của chúng sẽ không được trải qua quá trình này, khi được sinh ra sẽ không “bắt nhịp” được với bên ngoài, nguy cơ viêm phổi và gặp các tai biến sơ sinh là rất cao.
“Trong trường hợp mổ đẻ theo hình thức chọn ngày, chọn giờ thì nguy cơ đứa trẻ mắc các bệnh lý sơ sinh và phải nhập đơn vị hồi sức sơ sinh cao gấp 3 lần so với những trường hợp đẻ thường hoặc đẻ mổ nhưng đã qua giai đoạn chuyển dạ. Thậm chí, đã có trường hợp, trẻ tử vong khi bị “ép” ra đời vào “giờ đẹp””, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng thông tin.
Ngoài ra, bà mẹ được mổ chủ động cũng có nhiều nguy cơ gặp các tai biến sau sinh. Chẳng hạn, sự co hồi tử cung không tốt, nguy cơ băng huyết sau sinh cũng cao hơn. Theo nghiên cứu của các tổ chức Y khoa trên thế giới, băng huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở những phụ nữ sau sinh.