Sinh con năm một: Hại nhiều!

Ngày 18/12/2015 00:06 AM (GMT+7)

Quãng thời gian quá ngắn giữa 2 lần sinh nở có thể dẫn đến nhiều bất lợi cho cả bà mẹ và em bé.

Kết hôn sau 7 năm yêu nhau, vợ chồng chị T.T.B (31 tuổi; ngụ quận 5, TP HCM) sinh liền 2 đứa trong 2 năm. “Tôi sợ lớn tuổi mới mang đứa thứ hai thì không tốt. Hơn nữa, các con tầm tuổi nhau sẽ dễ làm bạn hơn, thuê người trông trẻ cũng đơn giản. Khoảng 3-4 năm sau, khi con cứng cáp và đến tuổi đi nhà trẻ, mình cũng còn khá trẻ để tiếp tục phát triển sự nghiệp” - chị B. tính toán. Thế nhưng, khi cái bầu thứ hai được 2 tháng và đứa con đầu chưa đầy 6 tháng tuổi, chị mới thấy bài toán của mình không đơn giản chút nào!

Hai con nên cách nhau ít nhất 2 tuổi

Một trường hợp khác, chị Ng.T.V (33 tuổi, ngụ Long An) lấy chồng 4 năm mới có con. Nghĩ mình khó mang thai nên chị không phòng tránh gì sau khi sinh con gái đầu lòng. Không ngờ, lúc con 5 tháng tuổi, chị thấy trong người bất thường nên mua que thử và phát hiện dính “tập hai”. Vừa lo rằng nuôi 2 đứa trẻ một lúc sẽ khó khăn, nguồn sữa của chị bỗng dưng ít đi trong khi bé gái vốn sinh non vài tuần rất cần sữa mẹ.

Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP HCM), với sản phụ khỏe mạnh bình thường, sau cuộc sinh đứa con đầu êm thắm, giới chuyên môn vẫn khuyến cáo nên có con thứ hai cách đứa trẻ đầu ít nhất 2 tuổi. Lời khuyên này dựa trên những nghiên cứu y khoa cụ thể, nhằm bảo đảm người mẹ chuẩn bị tốt cho việc sinh nở lần nữa cũng như sự chăm sóc cần thiết cho đứa con đầu.

Sinh con năm một: Hại nhiều! - 1

Sản phụ và gia đình tham gia một buổi sinh hoạt về chăm sóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Hùng Vương.

Với trường hợp chị V., thực ra, chính việc mang thai khiến người mẹ mất sữa mà nếu chưa mất thì cũng buộc lòng phải cai sữa vì động tác cho con bú sẽ tạo ra các kích thích, làm co bóp tử cung dẫn đến sảy thai. Người thiệt thòi nhất ở đây rõ ràng là đứa con đầu lòng bởi vai trò của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ, nhất là trong 6 tháng đầu đời, không một loại sữa công thức nào có thể thay thế. Việc mang thai lại quá sớm còn gây ra một số vấn đề như tăng khả năng sảy thai, sinh non, làm người mẹ mệt mỏi nhiều. Những người đã trải qua thai kỳ có bệnh lý cao huyết áp thai kỳ (tiền sản giật), đái tháo đường thai kỳ... sẽ có nguy cơ tái phát và diễn tiến nặng hơn.

“Ngoài ra, các vấn đề về kinh tế, gia đình, xã hội như việc vừa phải mang bầu vừa chăm con nhỏ, tìm người gửi con khi sinh đứa thứ hai, chi phí cho các con, lo nghĩ đến công việc... sẽ ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe người mẹ” - BS Hải lưu ý.

Chuẩn bị sức khỏe và tránh thai

“Sau 6 tuần hậu sản, người phụ nữ đã phục hồi về cơ quan sinh dục và phần nào về mặt hình thể có thể quan hệ vợ chồng trở lại. Tuy nhiên, những thay đổi sinh lý khác trong cơ thể do lần mang thai và sinh nở trước đó như hệ thống tuần hoàn, hô hấp, chức năng gan, ruột, tụy, tiêu hóa... thì không thể phục hồi nhanh như thế. Vì vậy, phụ nữ mới được nghỉ thai sản tới 6 tháng, không phải chỉ để họ có thời gian chăm con mà còn để cơ thể hồi phục hoàn toàn” - BS Hải giải thích.

Bà Trần Tú Hằng, nữ hộ sinh trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - Kế hoạch hóa gia đình Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, khuyến cáo các bà mẹ sau sinh nên nghĩ đến những biện pháp tránh thai trong thời gian giãn cách giữa 2 đứa con. Chị em có thể đến BV, trung tâm y tế để đặt vòng tránh thai, que cấy... nếu có ý định “tạm nghỉ” lâu dài. Nếu muốn áp dụng các biện pháp tạm thời thì có thể dùng bao cao su hoặc thuốc tránh thai nội tiết loại dành riêng cho các bà mẹ cho con bú. Sản phụ cũng có thể nhờ tư vấn về các biện pháp tránh thai sau sinh này ngay tại các cơ sở y tế mà mình vừa trải qua cuộc sinh nở.

“Nếu lỡ mang thai đứa con sau quá sớm, thai phụ nên thông báo tình trạng này với BS khi đi khám thai để được tư vấn cụ thể và có chế độ theo dõi đặc biệt vì đây là thai kỳ nguy cơ cao. Đối với trường hợp sinh mổ trong lần trước, cho dù có giãn cách 2-3 năm thì thai kỳ vẫn có nguy cơ cao, nếu mang thai lại ngay thì càng nguy hiểm vì vết sẹo chưa ổn định, có thể dẫn đến biến chứng rạn, nứt vết mổ cũ. Nhiều trường hợp phải chấm dứt thai kỳ giữa chừng bởi việc nứt vết mổ sẽ nguy hiểm đến cả tính mạng người mẹ. Vì vậy, người vừa sinh mổ càng chú ý đừng để mang thai lại quá sớm” - BS Hải cảnh báo.

Xen lẫn sữa mẹ - sữa công thức, coi chừng!

Tại các đơn vị y tế, nhiều sản phụ được tư vấn về phương pháp tránh thai tự nhiên “cho bú vô kinh”. Theo đó, trong 6 tháng đầu sau sinh, nếu cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ và kinh nguyệt chưa xuất hiện trở lại thì người mẹ sẽ không thể mang thai trở lại dù có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, do bối cảnh xã hội hiện nay, nhiều người mẹ trở lại với công việc sớm và bắt đầu cho con bú xen lẫn sữa mẹ - sữa công thức. Dù chỉ xen lẫn một ít sữa công thức, việc “cho bú vô kinh” cũng sẽ mất tác dụng và họ sẽ có thể mang thai trở lại.

Theo Anh Thư
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các kiến thức khác