Có nhiều cách hay giúp chị em đỡ đau hơn trong quá trình vượt cạn.
“Đã đẻ thì … phải đau”, đó là chuyện ai cũng biết, nhưng 100% mẹ bầu lại rất sợ cảm giác đau không gì tả nổi này. Nếu đã quyết tâm sinh thường, chắc chắn chị em phải đối diện với cảm giác đáng sợ này khi chuyển dạ. Dù sợ là vậy, nhiều sản phụ lại quyết tâm không dùng đến những phương pháp giảm đau phổ biến như sử dụng thuốc mê hay gây tê ngoài màng cứng do e ngại tác dụng phụ của chúng.
Khi đó, thay vì cắn răng chịu “trận” với những cơn gò ngày một gia tăng, chị em nên áp dụng những mẹo hay sẽ được liệt kê dưới đây giúp nhanh chóng giảm cảm giác đau đớn, tăng sức bền và khả năng chịu đựng để vượt cạn dễ dàng hơn.
Cố gắng thư giãn
Mường tượng ra hình ảnh bé sơ sinh đáng yêu, mũm mĩm là cách để sản phụ giảm sợ hãi và giảm đau rất hiệu quả (hình minh họa)
Thư giãn ngay khi các cơn gò ngày một gia tăng, với khoảng cách liên tục ngắn lại thật sự không phải là điều dễ dàng, nhất là với những sản phụ mới lần đầu làm mẹ. Tuy vậy, đây lại là “liều thuốc giảm đau” đầy hiệu quả. Nữ điều dưỡng Stacey Rees (tại Brooklyn, New York), cho biết: “Càng sợ đau, căng thẳng, bạn càng làm cho cơn đau trở nên nặng nề hơn”.
Thay vì vậy, theo bà, sản phụ nên cố gắng thả lỏng cơ thể, dẹp bỏ nỗi lo sợ bằng việc hình dung vào viễn cảnh hạnh phúc, khi lần đầu tiên được nhìn ngắm, ôm ấp và chạm vào thiên thần nhỏ mà mình mong ngóng qua hơn 40 tuần thai nghén. Tưởng tượng các hình ảnh mà bạn yêu thích như hình ảnh những em bé sơ sinh thật mủm mĩm, đáng yêu, cảnh bờ biển xanh mát hay cánh đồng hoa bạt ngàn trải dài v.v… cũng có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm sợ hãi và giảm đau cho sản phụ.
Thở đúng cách
Cùng với việc thư giãn để tâm trí thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “đau đẻ”, chị em nên cố gắng kết hợp thở đúng cách theo từng giai đoạn chuyển dạ. Ngay khi cơn co thắt bắt đầu, hãy thở ra nhè nhẹ và chậm rãi qua miệng, sau đó từ từ hít vào qua mũi rồi giữ cách thở này đều đều suốt giai đoạn đầu, khi khoảng cách giữa các cơn co thắt diễn tiến từ 45 – 60 giây. Đến giai đoạn các cơn co thắt trở nên mạnh và thường xuyên hơn, chị em nên cố gắng thở ngắn, nhẹ và chỉ sử dụng phần trên cơ thể, tránh dùng phần bụng, vì đây là nơi đang co thắt sẽ khiến mẹ bầu đau thêm.
Ngoài ra, đừng ngại la hét, rên rỉ v.v… nếu cơn đau đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Chuyện sản phụ vật vã la hét đã trở thành chuyện “thường ngày”, vì vậy nếu có vì đau quá mà rên la thì các bác sĩ và y tá cũng sẽ thông cảm cho bạn.
Kiểm soát nhịp thở, rên rỉ nhỏ v.v… giúp mẹ bầu vượt qua nỗi đau chuyển dạ nhẹ nhàng hơn (hình minh họa)
Tránh dùng thuốc kích thích chuyển dạ nếu có thể
Trừ khi có chỉ định y khoa từ bác sĩ, còn không, chị em hãy tránh yêu cầu hoặc đồng ý áp dụng các phương pháp kích thích chuyển dạ, vì dù có thể giúp rút ngắn thời gian vượt cạn, những biện pháp nhân tạo này lại làm cho cơn đau trầm trọng hơn. Thêm vào đó, cũng đừng liên tục xem đồng hồ, vì càng mong ngóng, thời gian dường như sẽ “bị” kéo dài thêm ra. Thay vào đó, mẹ bầu hãy bình tĩnh vì các cơn co thắt càng diễn ra thường xuyên, dồn dập với mức đau ngày càng tăng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy không còn bao lâu nữa bạn sẽ được ôm ấp bé yêu trong vòng tay mình sau những tháng ngày dài chờ đợi.
Di chuyển nhiều
Đi bộ, thay đổi vị trí trên giường, đổi tư thế ngồi, nằm hay đứng v.v… đều là cách để sản phụ giảm đau khá hiệu quả. Đi bộ chậm rãi quanh khu vực chờ sinh không chỉ giúp chị em được thoải mái hơn mà còn thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển dạ, tạo điều kiện cho bé di chuyển qua đường sinh dễ dàng hơn. Nếu bị giới hạn vận động do gắn máy đo nhịp tim thai, hay các loại thuốc, máy móc hỗ trợ khác, chị em có thể thử thay đổi thường xuyên các tư thế nằm, ngồi, như bò, ngồi xổm hoặc đứng chống tay lên cạnh giường, dựa lưng vào tường v.v…
Bổ sung năng lượng từ thức ăn nhẹ
Quá trình chuyển dạ kéo dài đòi hỏi tiêu hao rất nhiều năng lượng, do đó mẹ bầu đừng để mình quá đói trước khi bước vào phòng chờ sinh. Thông thường, bác sĩ sẽ khuyên sản phụ không được ăn quá no vì sợ trong trường hợp khẩn cấp phải gây mê, nhưng bổ sung năng lượng từ các loại thức ăn nhẹ như bánh quy, kẹo ngậm, nước tăng lực lại được khuyến khích để chị em có thể giữ sức, nhất là trong giai đoạn rặn đẻ. Đồng thời, uống nhiều nước trong quá trình vượt cạn là rất cần thiết, vì nước cung cấp năng lượng và giữ cho cơ thể sản phụ không bị mất nước.
Bánh quy, kẹo ngậm v.v… là những loại thức ăn nhẹ giúp sản phụ hồi phục năng lượng, tránh kiệt sức trong suốt quá trình đau đẻ (hình minh họa)
Chọn tư thế phù hợp cho từng giai đoạn chuyển dạ
Mẹ bầu sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, ở từng giai đoạn chuyển dạ đều có những tư thế thích hợp giúp giảm áp lực lên vùng lưng, chậu và cột sống, tăng khả năng hô hấp v.v… làm chị em đỡ đau và thoải mái hơn. Vào giai đoạn đầu của cơn chuyển dạ, bạn có thể đứng ngả người về phía trước để tựa vào chồng hoặc 1 bức tường, lắc lư qua lại nhẹ nhàng để sức nặng của bé trong bụng được dồn về phía trước thay vì đè lên xương sống, từ đó giảm hẳn cảm giác đau lưng và tăng hiệu quả các cơn co thắt; hoặc ngồi trên ghế, buông xuôi 2 vai, ngả người ra trước, 2 chân dang ra hoặc ngồi đối diện lưng ghế, kê thêm đệm hay gối để nghỉ ngơi khi cơn co thắt xuất hiện v.v…
Khi các cơn co thắt tiến triển mạnh, mẹ bầu có thể sẽ thấy đỡ mệt hơn khi ở vào tư thế bò, giúp bạn bớt đau lưng. Đừng ngại thực hiện tư thế này khi cơn đau bắt đầu dồn dập, bằng cách dang đôi chân rộng ra, kết hợp lắc vùng xương chậu và giữ lưng cho thẳng, tránh khom hay còng lưng. Vào giữa các cơn co thắt hãy nằm bò chổng mông hoặc ngồi quì trên hai gót chân.
Vào giai đoạn chuyển tiếp, khi cổ tử cung chưa giãn nở hoàn toàn, hãy dùng trọng lực để giảm tốc độ chuyển mình của thai nhi trong lúc chờ cổ tử cung tiếp tục mở ra bằng cách ngả người lên 1 chồng gối kê cao, chân dang ra hoặc quì sấp xuống, ngực áp lên gối từ đó làm giảm tác động lên phần lưng dưới, làm dịu các cơn đau lưng vốn gây ra nhiều khó chịu. Nhiều chị em cũng sẽ thấy dễ chịu hơn khi nằm hơi nghiêng, đầu và phần đùi trên gác lên gối, 2 chân dang ra. Xuôi 2 tay, nhắm mắt và tập trung thở sẽ giúp ích nhiều trong việc làm giảm đau và mang lại cảm giác thoải mái hơn.
Nước và massage: “Trợ thủ” hiệu quả giảm nhẹ cơn đau
Đừng đánh giá thấp sức mạnh giảm đau kì diệu của nước nóng nhé mẹ bầu. Với nhiều sản phụ, không gì thoải mái và thư giãn hơn khi được tắm mình trong nước hoặc để cho dòng nước ấm áp, mạnh mẽ từ vòi sen massage cơ thể. Tuy vậy, nhiều bác sĩ cũng lưu ý chị em không ngâm mình trong bồn nước ấm khi tử cung chưa mở đến 4cm vì việc này có thể kéo dài thêm thời gian vượt cạn.
Ngâm mình trong nước ấm giúp cơn đau đẻ trở nên nhẹ nhàng hơn, nhưng chỉ nên chọn phương pháp này khi tử cung đã nở trên 4cm (hình minh họa)
Massage cũng là cách hay để các bà mẹ tương lai giảm đau nhức và tránh được cơn hoảng loạn vì đau đẻ kéo dài. Nếu đăng ký dịch vụ sinh gia đình, mẹ bầu còn ngại gì mà không nhờ “anh xã” hoặc người thân xoa bóp bằng cách chà xát nhẹ vùng xương cùng, dùng tay ấn theo vòng tròn trên khu xương cùng hoặc ấn sâu bằng cách dùng 2 ngón cái ấn vào chính giữa mỗi mông. Do đa số thai phụ bị đau lưng khi chuyển dạ là vì đầu của thai nhi ép sát vào xương cùng của người mẹ, nên các động tác xoa bóp tại vùng cơ thể này sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn.
Phương pháp “Kangaroo” hỗ trợ giảm đau sau sinh
Đừng nghĩ rằng sinh bé xong là cảm giác đau đớn sẽ không còn các mẹ nhé, vì trong giai đoạn này tử cung vẫn tiếp tục co bóp để tống xuất lá nhau ra ngoài và sau đó là co bóp để từ từ trở về vị trí ban đầu như lúc chưa mang thai. Những cơn co bóp dạ con này gây đau không kém gì đau đẻ, nhất là với các mẹ sinh con rạ. Tuy vậy, cũng đừng lo sợ quá vì tình mẫu tử thiêng liêng sẽ là “cứu cánh” tuyệt vời cho mẹ. Hãy áp dụng phương pháp “Kangaroo” ngay khi có thể, bằng cách áp làn da non nớt của bé vào cơ thể mẹ, chú ý lắng nghe nhịp tim bé nhỏ đang đập rộn ràng, ngắm nhìn khuôn mặt non tơ đáng yêu của bé v.v… Niềm hạnh phúc choáng ngợp vì được làm mẹ sẽ khiến bạn mau chóng quên đi các cơn đau hậu sản, và đây cũng là cách hay để mẹ giữ ấm cho bé và giúp bé điều hòa nhịp tim, hơi thở.