Bà bầu cần đối phó với rối loạn tiêu hóa trong ngày lễ Tết
Khi mang thai cơ thể người phụ nữ sẽ tăng nồng độ hormone progesterone, giảm nhu động ruột nên họ rất hay phải đối mặt với các chứng bệnh đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, ăn không tiêu, đầy hơi… Đặc biệt là trong dịp Tết đến xuân về, chế độ ăn uống sinh hoạt bị đảo lộn thì nguy cơ mắc các chứng rối loạn tiêu hóa càng cao.
Những món ăn gây rối loạn tiêu hóa
Bánh chưng, bánh tét: Đây là những loại bánh đặc trưng trong ngày Tết của người Việt. Mùi vị thơm ngon của món bánh này trong ngày tết có thể rất hấp dẫn bà bầu. Tuy nhiên, bánh trưng và bánh tét đều được làm bằng nguyên liệu bột gạo nếp và thịt mỡ nên nếu ăn nhiều sẽ rất đầy bụng và khó tiêu. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tốt nhất mẹ bầu nên ăn dè chừng với những món bánh này. Tuyệt đối không ăn món bánh chưng đã để quá 2 ngày mà không được bảo quản trong tủ lạnh.
Bà bầu lưu ý nên chọn thực phẩm an toàn trong ngày Tết. (Hình minh họa).
Dưa hành: Nếu bạn bị viêm loét dạ dày hoặc mắc các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa khi mang thai thì không nên thử món dưa hành (hoặc các loại dưa muối khác). Bản chất của dưa hành là chứa nhiều chất chua, khiến dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn và làm bệnh tiến triển nặng hơn. Tuy nhiên, với những bà bầu khỏe mạnh khác thì dưa hành lại giúp kích thích tiêu hóa tốt. Thậm chí, nhiều thai phụ nghén chua trong đó có các món dưa muối…
Dù vậy, dưa hành muối là loại thực phẩm chứa muối nếu ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.
Các loại bánh kẹo và mứt: Các loại mứt và bánh kẹo hầu hết đều chứa nhiều đường không tốt cho sức khỏe bà bầu đặc biệt là không tốt cho đường tiêu hóa của bà bầu vì thế bạn nên hạn chế sử dụng các thực phẩm này. Tuy nhiên, trong các loại mứt thì mứt me có vị chua, tính mát, giúp tiêu hóa thức ăn và chống nôn hiệu quả. Phụ nữ mang thai đang phải đối mặt với chứng ốm nghén có thể sử dụng mứt me để giải quyết những khó chịu do những cơn buồn nôn mang lại. Mặc dù vậy bạn cũng không nên lạm dụng mứt me và chỉ nên sử dụng các loại mứt còn hạn sử dụng và có nhãn mác sản xuất rõ ràng. Những loại mứt đóng gói bày bán sẵn thường ẩn chứa nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm; do đó, bạn không nên ăn.
Những món lẩu: Bà bầu nên hạn chế ăn lẩu vì món này có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa và gây nhiễm ký sinh trùng. Các nghiên cứu y học chứng minh rằng, ăn lẩu có nhiều cái hại, nhất là với phụ nữ đang mang thai. Món lẩu chưa chín kỹ có thể dẫn tới chứng giun sán. Việc ăn lẩu cũng có thể gây hại cho dạ dày và đường ruột. Bạn cũng nên đặc biệt tránh món lẩu cay vì vị cay dễ làm tổn thương dạ dày.
Một số triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn tiêu hóa- Đau bụng: Đau không liên tục, thường liên quan đến bữa ăn, có thể khởi phát với một loại thức ăn nhất định như sữa, thức ăn nhiều chất béo… Đau thường chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình.
- Chán ăn: Không muốn ăn hoặc chỉ ăn được một chút là chán.
- Đầy bụng: Cảm giác no khi ăn một lượng thức ăn.
- Chướng bụng: Bụng bạn căng hơn bình thường, nhất là tại vùng thượng vị. Triệu chứng đầy bụng và chướng bụng là do thức ăn chậm di chuyển trong ống tiêu hóa.
- Ợ hơi: Thường ợ do có nhiều hơi trong dạ dày, có cảm giác khó chịu vùng thượng vị.
- Buồn nôn và nôn ói: Cảm giác buồn nôn khi đang ăn hoặc sau khi ăn một thời gian ngắn. Chất ói thường là thức ăn còn nguyên hoặc thức ăn chưa tiêu hóa hết. Nếu bà bầu ói ra máu, dịch xanh hay dịch vàng, cần phải đi khám để loại trừ các bệnh lý nặng như xuất huyết dạ dày, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, tắc ruột...
- Tiêu chảy: Tiêu chảy là khi bị đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Các trường hợp này cần đến khám tại các cơ sở y tế.
Mẹ bầu vui Tết nhưng không quên giữ sức khỏe cho cả mẹ và bé (Ảnh minh họa)
Bà bầu cần làm gì nếu bị rối loạn tiêu hóa
Để khắc phục các tình trạng trên, lời khuyên cho các bà bầu là tuân thủ một chế độ ăn và hoạt động khoa học:
Đối với trường hợp bị táo bón:
- Ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như trái cây tươi (bưởi, cam,..); rau quả, ngũ cốc (họ đậu) vì có tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường ruột.
- Uống nhiều nước (8-10 cốc/ngày ).
- Tránh các đồ uống kích thích như cà phê, chè, soda (vì làm mất nước của cơ thể).
- Đi lại hợp lý (đi bộ hoặc di chuyển nhẹ nhàng).
- Nếu áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả có thể sử dụng một số loại thuốc nhuận tràng an toàn cho phụ nữ có thai (nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế).
Đối với trường hợp tiêu chảy:
- Tránh để mất nước và điện giải ( vì có thể gây ảnh hưởng cho cả mẹ và thai nhi ).
- Uống nhiều nước: uống nước trái cây hoặc nước muối đường, Oresol.
- Ăn uống bình thường nhưng cần lưu ý hơn về thành phần thức ăn. Nên ăn các thức ăn dễ hấp thu như cháo, khoai tây, táo, cà rốt, bánh mì , chuối…Thận trọng với các sản phẩm từ sữa nhưng có thể sử dụng sữa chua (vì có chứa các vi khuẩn có lợi). Tránh ăn thức ăn có dầu mỡ, hoặc bơ.
- Nếu kèm theo ói mửa, buồn nôn, nôn và các triệu chứng mất nước như khô miệng, tiểu ít, vàng đậm, tinh thần mệt mỏi, đau đầu hoặc chóng mặt…. cần đến cơ sở y tế theo dõi và điều trị.
Đối với các trường hợp ợ hơi, đầy bụng…:
- Tránh ăn thức ăn có nhiều dầu ăn, đồ chiên, rán.
- Chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều bữa trong ngày (6 - 8 bữa/ngày)
- Ăn kỹ, nhai chậm.
- Dùng một số thuốc kháng acid (theo chỉ dẫn của nhân viên y tế).