1 năm trời sau sinh, tôi không có hứng thú làm việc, viết lách, dọn dẹp, nấu ăn... Tôi cảm thấy cuộc sống vô cùng tẻ nhạt.
Tôi phải kể lại vì tôi vẫn nhớ cảm giác cô đơn tăm tối trong những ngày tháng hoảng loạn vì trầm cảm sau sinh như thế nào. Trầm cảm sau sinh là một cơn ác mộng đáng sợ nhưng không phải là không chữa được. Bây giờ tôi phải khẳng định: có biện pháp chữa trị, có cách giải quyết!
Ngày tôi đi đến gặp bác sĩ khoa sản, trên đường đi, tôi liên tục phải hít thở sâu để giữ bình tĩnh vì tim tôi đang đập thình thịch trong lồng ngực. Nghĩ đến câu chuyện mà mình đã lấy hết can đảm kể cho bác sĩ, tôi lại ứa nước mắt.
Phải mất hàng tháng trời tôi lần nữa không dám gặp bác sĩ. Thực sự phải đến tận mấy ngày liền kề, những triệu chứng đáng ghét càng ngày càng làm tôi sợ hãi đã buộc tôi phải nhấc điện thoại lên và xếp lịch hẹn với bác sĩ.
Thật lòng mà nói, những triệu chứng đầu tiên xuất hiện ngay vài tiếng đồng hồ sau khi tôi sinh bé Birdy. Đêm đầu tiên một mình trong bệnh viện, tôi không tài nào ngủ được. Tôi thở hổn hển trong hoảng sợ vì tim như chạy đua trong lồng ngực. Cô đơn. Mệt lả. Đứa con bé bỏng đang ở trong vòng tay tôi. Tôi không tài nào dỗ con nín khóc được dù đã thực hiện bao nhiêu kĩ thuật đã được hướng dẫn và chuẩn bị từ trước. Nào cho con bú ngay sau sinh, nào da tiếp da, ôm hôn thầm thì có, vỗ về bao bọc có.
Khi tôi về nhà, những tiếng khóc lóc vẫn tiếp tục. Cả của con và của tôi. Tôi vẫn vờ tỏ vẻ hạnh phúc, vui tươi trước mặt mọi người. Tôi muốn tin rằng tôi vẫn đang kiểm soát tốt mọi việc, và tôi cũng muốn mọi người tin như thế. "Không việc gì phải hối tiếc cả. Mọi chuyện rất ổn. Mình có thể xoay xở được" Tôi tự nhủ thầm như vậy.
Nhưng ngày qua ngày, tháng tiếp tháng, những triệu chứng buồn phiền sau sinh của tôi dường như không chịu biến mất. Có con là một sự kiện đặc biệt trong đời, tôi biết mình đang trải qua bước ngoặt rất lớn và cố gắng duy trì mọi thứ bình thường, ổn thỏa.
Thâm tâm tôi vẫn biết cứ ngồi mãi trong căn phòng tối tăm, cho con bú và ngồi khóc thút thít như thế này nhất định không phải là chuyện bình thường. (Ảnh minh họa)
Tôi luôn động viên mình rằng những tháng ngày mới sinh con vất vả đã qua rồi. Mình đang trong giai đoạn chuyển đổi. Mọi người đều làm được, mình cũng sẽ làm được. Nhưng sự thực thì, tại sao mọi người đều làm được, còn tôi thì lại không thế này?
Sáu tháng sau khi sinh bé Birdy, cuối cùng tôi đã phải đầu hàng. Tôi phát ốm và hoảng loạn vì những triệu chứng tôi đã và đang trải qua. Chúng ngày một nặng nề hơn. Có phải tôi bị bệnh tim? Phải chăng tôi bị bệnh máu đông? Hay là tôi sắp chết?
Tôi luôn trong trạng thái hoảng sợ. Thâm tâm tôi vẫn biết cứ ngồi mãi trong căn phòng tối tăm, cho con bú và ngồi khóc thút thít như thế này nhất định không phải là chuyện bình thường.
Cuối cùng, khi kinh nguyệt của tôi trở lại và với sự biến đổi hooc môn, tôi đã có 2 tuần khá yên lành. Nhưng sau đó, mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi tôi trở nên cáu kỉnh và bắt đầu hục hặc với chồng. Cảm xúc của tôi thay đổi thất thường khiến chồng tôi ngạc nhiên. " Anh không hiểu tất cả những chuyện này là do đâu?" Anh ấy liên tục thắc mắc như thế. Chắc hẳn phải có điều gì đó.
Tôi chẳng có hứng thú làm việc gì. Viết lách. Nấu ăn. Dọn dẹp. Dạy học. Tất cả mọi hoạt động thường ngày đều trở nên tẻ nhạt và không có sức sống trong mắt tôi. Tôi không muốn làm bất cứ điều gì.
Sự kiên nhẫn của tôi như một quả bom nổ chậm. Tôi đã từng là một người phụ nữ vui vẻ, mạnh mẽ, tự tin cơ mà. Thực sự tôi không thể chịu đựng thêm giây phút nào nữa. Nhất định phải có cách nào đó để đưa tôi ra khỏi tình trạng tăm tối vô vọng này.
Đó là lí do vì sao, sau sáu tháng sinh con, tôi quyết định đến phòng khám, kể tình trạng của mình cho bác sĩ nghe. Cuối cùng tôi cũng phải thừa nhận rằng có điều gì đó không ổn, rằng tôi cần sự giúp đỡ, rằng tôi không thể một mình chịu đựng mãi như thế. Bác sĩ chăm chú lắng nghe tình hình của tôi và tỏ ra rất cảm thông. Sau khi tôi kết thúc, chị ấy chỉ hỏi một câu đơn giản: "Em bé được mấy tuổi rồi?"
Và bác sĩ bắt đầu giải thích rằng mọi người vẫn giữ quan niệm sai lầm phổ biến là chứng trầm cảm sau sinh chỉ kéo dài vài tuần đầu sau sinh. Thực chất, hiện tượng này dai dẳng hơn ở một số người và nó có thể kéo dài hàng tháng trời, thậm chí cả năm đầu tiên. Càng trò chuyện với bác sĩ, tôi càng vỡ lẽ ra và thấy nhẹ nhõm, yên tâm hơn. Dường như có một bức màn của sự tăm tối và cô đơn trong tôi được nhấc lên. Không phải tại tôi. Tôi không phải là người duy nhất bị như thế này.
Chúng tôi tiếp tục thảo luận về phương pháp điều trị. Bác sĩ nói tôi được chọn một trong hai cách: trị liệu bằng thảo dược hoặc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Tôi chọn cách thứ hai. Tôi muốn nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh này lắm rồi.
Mặc dù việc điều trị chưa có tác dụng ngay và mạnh mẽ nhưng tôi đã cảm thấy được trở lại là chính mình. Bớt nóng nảy. Bình tĩnh hơn.
Hôm nay là sinh nhật tròn 1 tuổi của bé Birdy. Và tôi đã ngừng điều trị thuốc được 2 tháng. Hiện tại tôi đã cảm thấy ổn định, vui tươi và lạc quan.
Đây là lần đầu tiên tôi kể câu chuyện của mình với tất cả mọi người. Khi tôi đang viết những dòng này, kể cả mẹ tôi, em gái hay bạn bè thân thiết cũng chưa được tôi kể về chuyện này bao giờ. Thật buồn cười vì tôi đã từng quá xấu hổ và tuyệt vọng đến mức không dám chia sẻ cùng ai, ngoại trừ chồng tôi. Nhưng giờ đây, khi đã lấy lại được cân bằng, tôi biết mình cần phải chia sẻ câu chuyện của mình để nếu như có những ai đồng cảnh ngộ với quá khứ của tôi, đọc được những gì tôi viết, sẽ nhận ra rằng họ không hề đơn độc. Tôi phải kể lại vì tôi vẫn nhớ cảm giác cô đơn tăm tối trong những ngày tháng hoảng loạn vì trầm cảm sau sinh như thế nào. Trầm cảm sau sinh là một cơn ác mộng đáng sợ nhưng không phải là không chữa được. Có biện pháp chữa trị. Có cách giải quyết. Có hi vọng và có sự giúp đỡ. Đừng tuyệt vọng nếu bạn mắc phải nó. Bạn không phải là duy nhất. Bạn không hề đơn độc.
(Tâm sự của mẹ Molly Balint, bang Maryland, Mỹ)