Để con sinh ra được khỏe mạnh, hoàn hảo, ngay từ khi mang bầu mẹ đã phải hết sức chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Khi mang thai, chắc hẳn bà mẹ nào cũng mong muốn con sinh ra đủ ngày đủ tháng, khỏe mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có khoảng 3 - 4% trẻ sinh ra trên thế giới có dị tật bẩm sinh. Để tránh cho con mình không rơi vào trường hợp này, ngay từ khi mang bầu, mẹ hãy phải nhớ tránh làm những việc này:
1. Không bổ sung đủ axit folic
Axit folic là các dạng hòa tan trong nước của vitamin B9. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển hệ thần kinh của thai nhi.
Bổ sung đầy đủ axit folic từ trước và trong thai kỳ sẽ giúp phòng tránh các khuyết tật ống thần kinh có thể xảy ra ở thai nhi và giảm nguy cơ di chứng xấu do sinh nở cho người mẹ.
Những loại thực phẩm giàu axit folic cho mẹ bầu. (Ảnh minh họa)
Trước khi mang bầu 1-3 tháng và trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ nên bổ sung 400mcg axit folic mỗi ngày. Khi bước vào tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3, lượng axit folic cần tăng lên 600mcg.
2. Uống thuốc bừa bãi
Một số loại thuốc như quinine, aspirin, tobramycin hay penicillin mẹ bầu nên hạn chế sử dụng, càng ít càng tốt vì chúng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi. Đặc biệt, trong giai đoạn 3 tháng đầu khi thai nhi đang hình thành hệ thống thần kinh, mẹ bầu tốt nhất không nên dùng thuốc.
Trong trường hợp bị bệnh, mẹ bầu tốt nhất nên đi khám bác sĩ để nhận được tư vấn và hướng điều trị phù hợp nhất.
3. Uống rượu bia
Bia rượu và thai nghén không nên đi cùng nhau. Không có liều lượng rượu nào thực sự an toàn cho thai kỳ. Mặc dù chưa có tài liệu nào cho ta biết chính xác những nguy hại tiềm tàng mà bia rượu, dù là một lượng rất nhỏ, có thể tác động đến quá trình phát triển của thai nhi, tuy nhiên các tổ chức y tế luôn khuyến cáo những phụ nữ đang mang thai, cũng như đang có kế hoạch mang thai, nên tránh xa bia rượu.
Mẹ bầu cần tuyệt đối tránh xa rượu bia. (Ảnh minh họa)
Mẹ uống rượu bia khi mang bầu không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bản thân mà còn có thể khiến bé bị hội chứng rượu bào thai (FAS). Những trẻ sinh ra từ những người mẹ nghiện rượu này thường nhỏ bé, nhẹ cân và thường có những khiếm khuyết bẩm sinh như chậm phát triển. Khi lớn hơn trẻ có thể có những rối loạn về hành vi, nghiêm trọng nhất là chậm phát triển tâm thần.
4. Hút thuốc lá
Thuốc lá tạo ra nicotin và nhiều chất độc hại hoặc có khả năng gây hại khác, như nitrogen oxide, polycarbonate, và carbon monoxide. Một số chất này có thể đi qua nhau thai. Rồi một số chất xuyên qua nhau thai có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành thận của thai nhi trong thai kì. Trẻ em có mẹ hút thuốc hoặc hít phải nhiều khói thuốc trong khi mang thai có dấu hiệu tổn thương thận cao hơn 24%. Chính vì vậy, mẹ bầu tuyệt đối không được hút thuốc lá và cũng phải tránh không để hít phải khói thuốc.
5. Tiếp xúc với các loại hóa chất
Các loại hóa chất được cho là một trong những yếu tố tác động mạnh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cũng như sức khỏe từng thời kỳ mang thai. Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự tác động tiêu cực của các hóa chất độc hại đến sức khỏe mẹ và bé đó chính là giảm tối đa trường hợp tiếp xúc với chúng.
Mẹ bầu cần cẩn trọng khi tiếp xúc với các loại hóa chất tẩy rửa. (Ảnh minh họa)
Một số chất hóa học mà phụ nữ mang thai cần phải tránh xa là: thuốc trừ sâu, diệt gián, chuột, côn trùng; sơn hóa học, vecni; hóa chất từ các loại mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, thuốc làm tóc; các chất bảo quản hoa quả, đồ ăn; chất tẩy rửa...
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |