Chỉ vào những tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu mới cần tăng khẩu phần ăn lên khoảng 30%. Việc tẩm bổ quá mức như ăn yến sào, gà tần, trứng ngỗng… liên tục nhiều ngày không được khuyến cáo.
Ăn gấp đôi bình thường, sao chỉ “vào mẹ” mà không “vào con”?
Khi vừa mang thai, không ít bà bầu nghĩ là phải cố ăn thật nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp 3 bình thường để con to khỏe. Đặc biệt là vào giai đoạn giữa của thai kỳ (tháng mang thai thứ 4, 5, 6), những cảm giác ốm nghén khó chịu hầu như không còn nữa, mẹ bầu thường cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn.
Trong khi đó, theo các chuyên gia: 6 tháng đầu không phải là thời gian “bứt phá” về cân nặng của thai nhi (đến 26 tuần tuổi, trung bình thai nhi chỉ mới nặng khoảng 900g) mà là giai đoạn hệ xương của thai nhi phát triển mạnh, não bộ và các cơ quan khác cũng dần hoàn thiện chức năng. Do đó, ở giai đoạn này phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều về số lượng mà cần chú trọng bổ sung các vi chất, đặc biệt là axit folic, sắt, canxi, kẽm.
Khi mang thai, bà bầu nên ăn bổ sung thực phẩm giàu axit folic, canxi, sắt, kẽm. (Ảnh minh họa)
Vào 3 tháng cuối của thai kỳ - là giai đoạn thai nhi tăng trọng lượng nhanh, bà bầu cũng chỉ cần tăng khẩu phần ăn lên khoảng 400 kcal (tương đương 2 chén cơm trắng hoặc 2 ly sữa).
Quan niệm “ăn cho hai người” khiến mẹ bầu tăng cân quá nhiều gây ảnh hưởng xấu đến vóc dáng, tâm lý sau sinh, nguy hiểm hơn nữa là làm tăng nguy cơ tiểu đường, sản giật trong thai kỳ, tăng nguy cơ phải mổ bắt con nếu thai nhi quá to khiến mẹ không thể sinh thường.
Tẩm bổ thế nào để con thông minh?
Nhiều mẹ rỉ tai nhau rằng khi mang thai nên ăn nhiều trứng ngỗng, trứng đà điểu, gà tần, yến sào... sẽ giúp con sinh ra thông minh. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định điều này.
Trong khi đó, trứng ngỗng có tỷ lệ protein và hàm lượng các vitamin, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai thấp hơn trứng gà; nhưng hàm lượng cholesterol lại rất cao.
Hay như yến sào, tuy thực phẩm này có tác dụng tăng sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể nhưng ở thời kỳ thai nghén, cơ địa bà bầu thay đổi khá thất thường, nhạy cảm với thức ăn vì vậy không nên dùng. Sau thời kỳ thai nghén, phụ nữ mang thai cũng chỉ nên ăn tối đa 3g một lần, 3 lần một tuần để tránh những tác dụng phụ cũng như những phản ứng quá mẫn, dị ứng không mong muốn.
Mẹ bầu nên ăn đa dạng các loại thực phẩm thay vì chỉ tập trung bổ sung các loại đồ bổ dưỡng. (Ảnh minh họa)
Vậy nên ăn gì khi mang thai để thai nhi phát triển tốt nhất? Câu trả lời là chỉ cần ăn đa dạng thực phẩm, uống nhiều nước và tăng cường rau xanh, trái cây (lưu ý là chọn thực phẩm sạch, ăn chín uống sôi). Bên cạnh đó bà bầu cần đi khám thai định kỳ, tốt nhất nên chọn bệnh viện có cả 2 khoa Phụ Sản và khoa Dinh dưỡng để ngoài theo dõi sức khỏe thai kỳ, đặc biệt mẹ bầu còn được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe, cơ địa của mình theo từng giai đoạn mang thai.
"Ăn cho hai người" theo cách riêng, hotgirl Lệ Quyên Kem Xôi lên bàn đẻ vẫn xinh như mộng
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |