Ngày nay, việc chồng vào phòng sinh cùng vợ không phải hiếm nhưng chắc chắn không nhiều anh chồng biết nhiệm vụ của mình khi ở bên cạnh vợ lúc vượt cạn.
Ngày nay, hầu hết các bệnh viện lớn và bệnh viện tư tại Việt Nam đều cho phép người chồng vào phòng sinh cùng vợ. Đây là việc nên làm bởi khi có chồng ở bên cạnh, sản phụ sẽ yên tâm hơn, có thêm động lực để vượt qua cơn đau đẻ.
Nhưng khi đã được ở trong phòng sinh, các anh chồng đã biết nhiệm vụ của mình chưa? Đừng chỉ đứng nhìn vợ hay run sợ khi thấy máu me hay nước ối bắn ra, mà các anh nên bình tĩnh và nhớ làm những việc sau:
Massage cho vợ
Ngày vợ vào phòng sinh là khoảng thời gian các ông bố nín thở để chờ tiếng oe oe của bé. Nhưng thời gian chuyển dạ của cô ấy có thể kéo dài hơn dự tính là 6 tiếng. Vì thế, trong thời khắc vợ chuyển dạ các bố phải chuẩn bị tâm lý thật kỹ càng.
Đồng thời, trong lúc chờ thiên thần nhỏ chào đời hãy massage nhẹ nhàng vùng bụng, đầu, lưng hai bàn chân cô ấy. Nắm chặt tay vợ mỗi khi các cơn co thắt đến cũng là cách tiếp thêm động lực cho sản phụ.
Trong thời khắc vợ chuyển dạ các bố phải chuẩn bị tâm lý thật kỹ càng. (ảnh minh họa)
Đừng quên cười
Bạn sẽ vô cùng bất ngờ với hình ảnh của cô ấy trong lúc chuyển dạ, thậm chí bạn có thể bị “sốc” và hoang mang không hiểu tại sao người vợ dịu dàng, hiền hậu của mình trước đây giờ biến thành một người khó tính, cáu gắt, la hét thậm chí không ngừng chửi rủa bạn khi những cơn chuyển dạ ập đến. Những lúc như vậy, hãy lờ đi và mỉm cười nhẹ nhàng là việc mà bạn nên làm.
Sẵn sàng đối diện với chuyện ngoài ý muốn
Khi sinh con không ai đoán định được điều gì sẽ xảy ra, ngay cả những bác sĩ chuyên khoa sản hàng đầu cũng khó có thể đưa ra những dự báo đúng hoàn toàn. Do vậy, những chuyện xảy ra ngoài ý muốn là điều mà bạn không thể tránh khỏi. Có thể vợ chồng bạn đã lên kế hoạch và lựa chọn phương pháp sinh thường, nhưng khi chuyển dạ do gặp những vấn đề nào đó, bắt buộc phải sinh mổ mới cứu được mẹ và con thì bạn phải sẵn sàng đối diện và chấp nhận tình huống đó.
Bình tĩnh
Lúc chuyển dạ là thời điểm vô cùng khó khăn với vợ bạn, có thể cô ấy sẽ không đủ bình tĩnh, sáng suốt để có thể kiểm soát và xử lý mọi tình huống được. Vì thế hãy đứng bên cạnh cô ấy, quan tâm và theo sát quá trình chuyển dạ, giải quyết những yêu cầu của bác sĩ một cách nhanh chóng, sáng suốt và bình tĩnh.
Trong trường hợp bác sĩ yêu cầu phải thay đổi phương pháp sinh, không nên nhanh chóng đồng ý mà cần hỏi lý do vì sao? Hơn nữa, nếu lúc chuyển dạ bạn nhận thấy vợ mình có những biểu hiện bất thường cần trao đổi với bác sĩ ngay.
Chụp ảnh khoảnh khắc con chào đời
Sau những đau đớn, vất vả mà cô ấy phải trải qua, rồi cũng đến lúc thiên thần nhỏ của bạn cất tiếng khóc chào đời. Ở thời điểm này, bạn hãy dùng điện thoại hoặc máy quay phim, chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng tuyệt vời này. Tuy nhiên, đừng vì mải quay phim mà bỏ lỡ cơ hội tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc của cô ấy và thiên thần nhỏ của bạn.
Chồng ở trong phòng sinh đừng quên chụp lại khoảnh khắc con yêu chào đời. (ảnh minh họa)
Đừng quên nói lời cảm ơn vợ
Khi được y tá trao cho em bé, bạn hãy nhớ rằng để có được thiên thần nhỏ này đó là sự nỗ lực rất lớn của người vợ. Cô ấy đã phải trải qua 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau. Vì thế, đừng “ham” con quá mà quên đi người mẹ. Lúc này, hãy nhẹ nhàng bước đến bên cô ấy và nói lời cảm ơn, hoặc dành tặng cho cô ấy những lời nói yêu thương ngọt ngào kèm tặng nụ hôn nhẹ lên trán. Với những cử chỉ dù nhỏ nhặt thôi nhưng nó cũng làm cô ấy hạnh phúc và cảm động vô cùng.