Nếu có đủ điều kiện về thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội như trong quy định của pháp luật thì mẹ nghỉ việc trước khi sinh vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Khi chuẩn bị sinh con, bên cạnh việc chuẩn bị đồ đi sinh, hồ sơ sinh cần thiết thì mẹ cũng nên tìm hiểu rõ về chế độ thai sản mới nhất tại thời điểm mình sinh để đảm bảo được hưởng đúng, đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Một trong những câu hỏi được nhiều mẹ bầu quan tâm nhất là nếu nghỉ việc trước khi sinh thì liệu có được hưởng chế độ thai sản không?
Nếu vì lý do nào đó mẹ phải nghỉ việc trước khi sinh thì vẫn được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa)
Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản
Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này”.
Như vậy, nếu đảm bảo được thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc trước khi sinh con theo quy định trên thì dù nghỉ việc, bạn sẽ vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Khi đã nghỉ việc, mẹ sẽ nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản tại cơ quan bảo hiểm xã hội huyện hoặc tỉnh. (Ảnh minh họa)
Thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi đã nghỉ việc trước sinh
Theo quy định tại khoản 2, Điều 53 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con của người lao động không còn quan hệ lao động, đã thôi việc trước thời điểm sinh con gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội của người mẹ thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
- Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con;
- Đơn xin hưởng chế độ thai sản (theo mẫu).
Khi không còn làm việc, mẹ sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh nơi đã đóng bảo hiểm xã hội.
Mức trợ cấp thai sản cho người đã nghỉ việc trước sinh
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng chế độ thai sản thì mức trợ cấp của người mẹ đã nghỉ việc trước khi sinh và người vẫn tiếp tục công tác là hoàn toàn giống nhau.
Dù đã nghỉ việc, mức trợ cấp thai sản của mẹ vẫn không thay đổi. (Ảnh minh họa)
Theo luật, mẹ sinh con xong được hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương hàng tháng của 6 tháng liền kề trước khi sinh. Ngoài ra, còn có cả trợ cấp một lần khi sinh con và nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi tương đương là với 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi bé.
Đặc biệt, theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 (được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2017), mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên thành 1.390.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2018. Như vậy, tiền trợ cấp thai sản cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo kể từ ngày 01/7/2018 cho phù hợp với Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Cụ thể, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con sẽ tăng từ mức hiện hành là 2.600.000 đồng cho mỗi con lên 2.780.000 đồng.