Nhật ký sinh con của mẹ Việt ở Canada (P2): Trẻ em luôn được coi là số một

Ngày 02/03/2018 00:06 AM (GMT+7)

Có rất nhiều khoảnh khắc mình thấy vô cùng ấm lòng vì sự quan tâm vượt ra khỏi chăm sóc về mặt y tế đơn thuần.

Trong Phần 1 của Nhật ký sinh con của mẹ Việt ở Canada, chị Vân Nguyễn đã chia sẻ những cảm nhận đầu tiên của mình về hệ thống y tế của đất nước này. Tiếp theo, chị sẽ mô tả một bức tranh rõ hơn để hiểu ở Canada, trẻ em luôn được coi là số 1 như thế nào. 

1. Phân cấp và ưu tiên rõ ràng

Có nhiều người kêu ca rằng ở Canada việc khám chữa bệnh rất chậm chạp. Nhận xét này không sai, nhưng chưa công bằng. Vì nền y tế ở Canada được “bao cấp”, theo đúng nghĩa đen của từ này, là nhà nước bao chi và cung cấp miễn phí cho tất cả người dân, nên họ phải giải quyết theo thứ tự ưu tiên. Nếu bạn bị viêm da chẳng hạn, tức là vấn đề của bạn không đe dọa tính mạng, bạn sẽ phải chờ khá lâu mới được gặp bác sĩ da liễu. Tương tự như vậy, nếu bạn vào khu vực cấp cứu trong bệnh viện, thứ tự ưu tiên sẽ không phải ai đến trước vào trước, mà ai nguy cấp hơn thì được gặp bác sĩ trước.

Sau khi sinh con, mình nhận thấy vấn đề này rất rõ, vì em bé sơ sinh luôn được ưu tiên chăm sóc. Ví dụ bình thường đi thử máu phải đặt hẹn với bác sĩ, cầm tờ giấy yêu cầu lấy máu bác sĩ cho, đặt hẹn với phòng xét nghiệm, đem giấy đó đến phòng xét nghiệm để lấy máu, rồi kết quả lại chuyển cho bác sĩ, lại đặt hẹn với bác sĩ mới được biết kết quả, thường quá trình phải mất đến hai tuần.

Nhật ký sinh con của mẹ Việt ở Canada (P2): Trẻ em luôn được coi là số một - 1

Trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh. (Ảnh minh họa)

Nhưng em bé thì không những được đặt hẹn chỉ bằng một cú điện thoại, đến khám vào ngày cuối tuần, lấy máu ngay tại chỗ, và kết quả thì mình chưa về đến nhà đã được gọi điện thông báo rồi. Vì trẻ nhỏ còn yếu và nếu có vấn đề gì sẽ diễn biến rất nhanh, nên là mẹ của em bé cảm thấy mình rất VIP, luôn được ưu ái phục vụ cực nhanh chóng và hiệu quả.

Việc chăm sóc y tế cho người dân cũng được phân chia giữa các đơn vị khác nhau. Ví dụ như mình ở khu vực Tây Nam của thành phố, thì mình được chuyển đến phòng khám sản ở khu vực này, và sinh con cũng ở bệnh viện nằm trong khu vực này. Dĩ nhiên trong những trường hợp cấp cứu nặng thì có việc chuyển bệnh nhân từ bệnh viện nhỏ lên bệnh viện lớn hơn, trên nóc các bệnh viện thường có máy bay trực thăng. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, mọi người khám và chữa bệnh theo đúng cơ sở y tế trong khu vực của mình.

Kể sơ sơ việc chăm sóc cho mẹ và bé đã là sự phối hợp của khá nhiều đơn vị y tế. Đầu tiên, mỗi người dân đều có bác sĩ gia đình, hiểu nôm na là bác sĩ đa khoa, và là người quản lý tất cả thông tin y tế của mình. Đến giữa thai kì, mẹ mới được bác sĩ gia đình chuyển sang phòng khám chuyên sản để tiếp tục theo dõi.

Việc xét nghiệm máu hay siêu âm lại được thực hiện ở các cơ sở khác nữa. Khi đi sinh thì con ra đời ở bệnh viện. Sau đó, em bé tiếp tục được khám và theo dõi định kì vào các mốc một tuần, một tháng, hai tháng, bốn tháng, sáu tháng, chín tháng, một năm, và từ đó về sau cứ nửa năm một lần bởi bác sĩ gia đình.

Việc tiêm chủng lại do hệ thống y tá công cộng tại các trung tâm y tế công cộng thực hiện. Chưa hết, khi có vấn đề đặc biệt thì sẽ có các bác sĩ chuyên khoa của từng ngành, như bác sĩ nhi, bác sĩ tâm lý, bác sĩ về cho con bú. Vì được phân công rành mạch như vậy, nên giảm tải khối lượng công việc cho tất cả mọi người. Ai làm việc nấy, nên cũng vui vẻ và chuyên tâm hơn.

Nhật ký sinh con của mẹ Việt ở Canada (P2): Trẻ em luôn được coi là số một - 2

Môi trường y tế thân thiện tạo sự thoải mái cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

2. Đồng bộ thông tin

Để phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị y tế khác nhau như vậy, hệ thống lưu trữ thông tin y tế phải cực kì đồng bộ. Hết lần này đến lần khác, mình và chồng phải ố á thán phục sự đồng bộ của hệ thống thông tin y tế ở đây.

Khi khám thai ở Medlatec, mình thấy rất ưng ý với hệ thống lưu trữ thông tin bằng mã khách hàng ở đây, ít nhất là không phải kè kè quyển sổ khám, mỗi lần đến khám là bác sĩ có thể dễ dàng đọc lại toàn bộ kết quả của những lần khám và xét nghiệm trước. Thế nhưng việc số hóa thông tin này vẫn chỉ dừng trong nội bộ Medlatec. Nếu mình đi khám chỗ khác, hay đi sinh con ở bệnh viện, lịch sử khám bệnh của mình ở đó lại chẳng có giá trị gì.

Ở Canada thì việc quản lý thông tin được thực hiện trên hệ thống mà tất cả các cơ sở y tế đều có thể truy cập được thông qua số bảo hiểm y tế mà nhà nước cấp. Điều này có nghĩa là mình không phải khai đi khai lại thông tin về độ tuổi, cân nặng, lịch sử bệnh lý mỗi lần đến một chỗ mới.

Tuần thứ 37, bác sĩ ở phòng khám sản đưa cho mình một cái phong bì, để khi nào đến bệnh viện thì đưa ra, nhưng thật ra ở bệnh viện cũng truy cập được vào hồ sơ y tế của mình, chỉ cần số bảo hiểm y tế. Đến khi mình ra viện, bệnh viện lại đưa cho một phong bì, để mang về đưa cho bác sĩ gia đình. Nhưng thật ra việc này cũng không quá quan trọng, vì bác sĩ gia đình cũng đọc được tất cả thông tin mà y tá hay bác sĩ ghi chép lại trong quá trình mình ở trong viện, mỗi lần đo nhiêt độ, nhịp tim, huyết áp, đi tiểu được bao nhiêu mililit, có biến chứng gì không.

Mình ngó vào cái thư thì thấy ghi cả việc mình học thạc sĩ Xã hội học ở London, Ontario, và mới đến Calgary vào tháng 8, nghĩa là tất tần tật những gì mình trao đổi trong mỗi lần đi khám, chứ không chỉ bó hẹp trong thông tin y tế (việc này có liên quan trong trường hợp một bệnh nhân tiếng Anh kém và cần có phiên dịch hỗ trợ chẳng hạn, thì thông tin đó cũng sẽ được ghi lại để tất cả các bác sĩ y tá làm việc với bệnh nhân này đều biết).

Nhật ký sinh con của mẹ Việt ở Canada (P2): Trẻ em luôn được coi là số một - 3

Bác sĩ nào cũng nắm được mọi thông tin y tế của bệnh nhân nhờ số BHXH. (Ảnh minh họa)

Ngay trong bệnh viện, mình được phát cho một tờ khai để làm giấy khai sinh cho con, đồng thời cũng là đơn yêu cầu bảo hiểm y tế, và số bảo hiểm xã hội (tương tự như mã số thuế ở Việt Nam, dùng cho các mục đích như quản lý tiền trợ cấp của nhà nước dành cho trẻ em). Thế là bố mẹ không cần đi đâu để đăng ký giấy khai sinh, và chỉ một tuần sau là thẻ bảo hiểm y tế của em bé được gửi về nhà, và hai tháng sau là tiền hỗ trợ hàng tháng cho em bé được chính phủ gửi thẳng vào tài khoản của mình, mà không cần động thêm một ngón tay cho các vấn đề giấy tờ thủ tục.

Ngạc nhiên hơn, khi mình gọi điện đến đường dây y tá tư vấn để hỏi về việc con khóc không chịu bú, thì chị y tá nói chuyện với mình cũng có tất cả thông tin về con mình từ khi sinh ra. Sau khi mình đọc số thẻ bảo hiểm y tế của con, thì chị bảo xin hai phút để đọc những thông tin về cháu, sau khi đọc xong nói chuyện tiếp thì chị đưa ra những lời khuyên như thể chị đã biết con mình từ khi mới đẻ, ví dụ như em bé lúc sinh có cân nặng khá ấn tượng, nên không phải quá lo về chuyện mất nước, hay chuyện em bé cần theo dõi về chỉ số vàng da sau sinh, nên chị hỏi từ hôm đó đến giờ có biểu hiện gì thêm không.

Những thông tin mình trao đổi với chị y tá qua đường dây lại được ghi chép lại và đưa lên hệ thống, nên lần đến khám định kỳ với bác sĩ gia đình, bác sĩ cũng đọc được và hỏi thăm tình hình bú mẹ đã ổn định chưa. Cứ như vậy, mình cảm thấy mình và con được chăm sóc bởi một hệ thống cực kì chặt chẽ nhưng phối hợp hết sức nhịp nhàng.

3. Không chỉ là chăm sóc y tế

Trong quá trình khám thai, sinh con, rồi đưa con đến khám định kỳ và tiêm vắc xin, mình nhiều lần vô cùng cảm phục và yêu mến các cô các chị y tá, vì chuyên môn của họ vừa giỏi, hầu như làm tất cả mọi việc không cần đến bác sĩ (có thể trường hợp của mình mẹ con đều khỏe nên bác sĩ không cần ra tay), mà còn luôn kiên nhẫn, tận tình trả lời những câu hỏi của mình.

Lần đi tiêm vắc xin hai tháng cho Cơm, chị y tá dành hẳn một tiếng rưỡi trả lời thắc mắc của mình (cũng chỉ xoay quanh chuyện ăn, ngủ, ị của con). Ngay sau khi mình đi ra, chị lại niềm nở đón một gia đình khác vào. Mà môi trường làm việc thì lúc nào cũng choe chóe tiếng khóc của trẻ con, chứ đâu có yên tĩnh thanh bình gì.

Có rất nhiều khoảnh khắc mình thấy vô cùng ấm lòng vì sự quan tâm vượt ra khỏi chăm sóc về mặt y tế đơn thuần. Sau khi mình sinh xong, chị y tá dắt mình vào nhà vệ sinh và yêu cầu mình đi tiểu. Lúc chị đi ra, mình cứ tưởng chị quên không tắt vòi nước. Mất vài giây sau, mình mới hiểu ra là chị cố tình để vòi nước chảy như vậy để mình nghe tiếng nước xèo xèo mà “hành sự” được dễ dàng hơn. Hay lúc uống thuốc thì hỏi mình muốn uống với nước táo hay nước lọc.

Nhật ký sinh con của mẹ Việt ở Canada (P2): Trẻ em luôn được coi là số một - 4

Các nhân viên y tế luôn tận tình. (Ảnh minh họa)

Trong hai ngày mình ở trong viện, các bác sĩ và y tá dạy mình cách cuốn con trong chăn sao cho chặt, cách bế con khi con khóc, cách gập tay con ra trước ngực khi con giật mình, và lúc tắm cho em bé cũng vừa tắm vừa giảng giải cách tắm cho con tại nhà, cần lưu ý tay giữ bé thế nào, cách đo nhiệt độ nước ra sao.

Hoặc trước khi vào phòng sinh, chị y tá hỏi mình có yêu cầu gì đặc biệt về tôn giáo hay văn hóa không. Và chị giải thích là, có những trường hợp gia đình theo tôn giáo nào đó, và họ yêu cầu là khoảnh khắc khi em bé ra đời, tất cả mọi người trong phòng phải tuyệt đối im lặng để bố em bé đọc một lời cầu nguyện. Hoặc có những tôn giáo yêu cầu người phụ nữ phải được che kín mọi lúc mọi nơi, không được hở chút da thịt nào. Mình thì chẳng có yêu cầu gì, lúc đó đau quá chỉ mong đẻ cho xong, nhưng cũng thấy ấm áp vì biết những mong muốn như vậy sẽ được hết sức tôn trọng.

Tất cả những lần đi khám trước và sau sinh, mình đều được hỏi thăm về tình trạng tâm lý. Nhận thức về trầm cảm sau sinh không chỉ đối với mẹ mà cả bố em bé được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Không chỉ hỏi thăm xã giao, các y tá và bác sĩ còn yêu cầu mình điền vào một bảng điều tra với các câu hỏi nhằm phát hiện ra các dấu hiệu của trầm cảm, và chồng mình cũng được hỏi thăm luôn.

Vẫn nhớ lần đi khám sáu tuần sau sinh với bác sĩ gia đình, ông bác sĩ hỏi “tâm trạng thấy thế nào?” mình bảo “bình thường”, ông lại hỏi lại, nhìn sâu vào mắt mình “có bình thường thật không?”. Thông điệp rằng trầm cảm sau sinh rất phổ biến, hoàn toàn có thể xảy ra, không có gì phải xấu hổ, và có rất nhiều sự hỗ trợ nếu mình cần, được nhấn đi nhấn lại nhiều lần dưới nhiều hình thức.

Khi đi tiêm vắc xin cho Cơm, chị y tá không những dành nhiều thời gian nói về tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân cho bố mẹ để duy trì tâm trạng cân bằng, mà còn nói rất chi tiết về các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức cộng đồng, về tâm lý, tài chính, đến kĩ năng làm cha mẹ.

Nhật ký sinh con của mẹ Việt ở Canada (P2): Trẻ em luôn được coi là số một - 5

Trẻ em luôn được coi là "tương lai" của đất nước nên luôn được ưu tiên quan tâm và đầu tư. (Ảnh minh họa)

4. Hỗ trợ từ các tổ chức cộng đồng

Ở Canada, các tổ chức cộng đồng đều do chính phủ tài trợ, và “đối tượng” trợ giúp của họ phần lớn cũng là những nhóm yếu thế, nhưng không phải tất cả. Bà mẹ và trẻ em là một nhóm được trợ giúp rất nhiều, bất kể hoàn cảnh gia đình và xuất thân. Nghiên cứu cho thấy, cứ 1 đô la đầu tư vào trẻ nhỏ, thì sau này sẽ cho lợi 7 đến 8 đô la. Có nhiều lần mình và chồng đã bảo nhau, nếu không quan tâm đến con thì thôi, còn nếu quan tâm và chịu khó tìm hiểu, thì sẽ thấy mình được bao quanh bởi một mạng lưới hỗ trợ dày đặc.

Có nhiều người nói mình dũng cảm khi chuyển chỗ ở lúc sắp sinh, rồi sinh con mà chỉ có chồng chứ không có gia đình bên cạnh. Thật ra, một xã hội có cấu trúc tốt sẽ tạo điều kiện để người dân làm việc tốt. Tương tự như vậy, những cấu trúc tốt sẽ giúp người dân nuôi dạy những đứa trẻ tốt. Mình chưa đề cập đến những phúc lợi xã hội dành cho bà mẹ và em bé như mẹ được nghỉ một năm sau sinh, nếu trước đó làm việc và đóng bảo hiểm thì trong thời gian nghỉ sinh sẽ được hưởng tiền thai sản tối đa là 35 tuần (hoặc 61 tuần với mức thấp hơn), và hỗ trợ tiền gửi trẻ cho các gia đình có thu nhập thấp, hay khám mắt miễn phí cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Nói cách khác, Canada hiện thực hóa bằng nhiều cách câu khẩu hiệu mà mình đã nghe nhiều lần “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Đầu tư vào trẻ em luôn là một đầu tư sáng suốt, vì đất nước sẽ có những công dân khỏe mạnh, sáng láng để đóng góp về lâu dài.

Bài chia sẻ của chị Nguyễn Hồng Vân (Thạc sĩ Xã hội học, hiện đang sinh sống tại Canada). 

Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.

Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.va. Câu hỏi của độc giả sẽ được các chuyên gia, bác sĩ uy tín trả lời vào thứ 6 hàng tuần trên chuyên mục Bà Bầu

Bất ngờ với những điều lạ đời khi sinh con ở Đức qua lời kể của mẹ gốc Việt
Lấy chồng rồi sinh con ở Đức, chị Quynh Le đã có trải nghiệm sinh con vô cùng ấn tượng ở đất nước phát triển bậc nhất thế giới.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh con