Những ngày giáp Tết khi các gia đình quần quây bên mâm cơm đoàn viên hạnh phúc thì ở Bệnh viện Phụ sản bác sĩ và bệnh nhân vẫn miệt mài khám, điều trị. Với họ, Tết dường như không có.
Tết đối với các bác sĩ tại khoa sản gắn liền với những kíp trực. Với họ, đó là nhiệm vụ bất khả kháng và dường như là sứ mệnh. Với những bà bầu phải ở lại viện điều trị bệnh, Tết của họ là sự tủi thân, nhớ con và nhớ nhà đến da diết.
Những sản phụ đón Tết ở bệnh viện
Chiều ngày cận Tết phía dãy nhà của Khoa sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương không khí vắng lặng và tĩnh mịch hơn những ngày thường. Các gia đình may mắn được ra viện bắt đầu xếp đồ vội vàng cho bắt kịp chuyến tàu Tết. Ở một số phòng bệnh khác, nhiều sản phụ, mẹ bầu vẫn nằm trên giường bệnh nơm nớp lo lắng cho sức khỏe của mình. Tết đối với họ như một điều mơ hồ, xa xỉ.
Phòng bệnh giáp hành lang của khoa sản I là phòng dành riêng cho những mẹ bầu bệnh nặng cần theo dõi dài ngày. Nhiều người phải dưỡng thai xuyên suốt từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán và thậm chí chờ đến tháng sinh con. Mỗi người một hoàn cảnh, một bệnh khác nhau nhưng đều có chung nỗi buồn, cô đơn vì Tết phải xa nhà. Thay vì tất bật cho việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa đón Tết giống mọi năm, các chị vẫn “chôn chân” nơi giường bệnh ngột ngạt này để rồi ai cũng khắc khoải “cho Tết nhanh qua”. Tết qua khi ấy các chị ổn định sức khỏe hơn và Tết qua để nỗi cô đơn ít bủa vây lấy họ.
Chị Lan (Đông Anh, Hà Nội) vẫn đang mong ngóng từng ngày để được về nhà
Chị Bế Thị Trung (người dân tộc Tày, bản Piếng, Lạng Sơn) đang mang thai ở tuẩn thứ 27, nhập viện trong tình trạng ra huyết nhiều và cấp cứu. 26 Tết, từ bệnh viện tuyến huyện chị Trung được chuyển xuống bệnh viện tuyến tỉnh, do tình trạng bệnh quá nặng chị tiếp tục được chuyển xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhờ can thiệp. Chị may mắn được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch nhưng phải ở lại viện theo dõi đến qua Tết Nguyên đán.
Tết năm nay với chị là dồn dập những nỗi lo và hoang mang đến tột độ. Bất cứ ngày hay đêm, vợ chồng chị đều sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho cuộc rượt đuổi với bệnh viện và với 2 chữ “cấp cứu”.
Đi cùng chị Trung có thêm anh trai và chồng. Thế là giáp Tết một nửa thành viên trong gia đình “cùng vào viện”. Anh Bế Văn Đạo (anh trai chị Trung) cho biết: “Nhà em gái tôi trong bản sâu, từ nhà xuống Hà Nội đi khoảng gần 200 km, may mắn có xe cấp cứu kịp thời nên tạm thời cả Trung và đứa bé trong bụng đều ổn định. Cận Tết rồi nhưng gia đình vẫn lao đao. Mọi người không còn nghĩ đến Tết nhất nữa mà chỉ lo lắng cho bệnh tình của 2 mẹ con. Tôi và chồng Trung sẽ thuê nhà trọ sát viện để tiện trông nom em gái”.
Hơn 10 ngày qua nằm trong viện chị Lan (Đông Anh, Hà Nội) cứ tính từng giờ từng phút để được về nhà nhưng có lẽ ngày về với chị còn khá xa. Đang mang bầu ở tuần thứ 31, chị nhập viện do rau tiền đạo trung tâm phải điều trị qua Tết. Chị bảo, những ngày qua tối nào 2 con lớn của chị cũng í ới gọi mẹ. Hôm 25 Tết vừa rồi, đứa lớn cầm điện thoại của bố để hỏi mẹ: “Sao mẹ mãi chưa về để gói bánh chưng? Mẹ chẳng về để đưa con đi mua quần áo Tết”. Chị lại nghẹn ngào, ậm ừ vài câu dỗ con khỏi khóc. Tết với chị năm nay là mùi của bệnh viện, là những vết tiêm đến tím tái người và là sự lo lắng cho cơn đau bất cứ lúc nào.
Chị Lan kể: “Cũng may ở đây chị em cùng hoàn cảnh ngồi tâm sự với nhau nên khuây khỏa đi phần nào. Đêm đến ai có dấu hiệu bất thường là mọi người trong phòng lại giúp nhau gọi bác sĩ. Tình người ấm áp trong những ngày cuối năm giúp mọi người có thêm tinh thần để “đón Tết” tại nơi bất đắc dĩ này”.
Tâm sự những bác sĩ trực ngày Tết
Không chỉ có những bệnh nhân nằm dưỡng thai “không có Tết” mà những ngày này các bác sĩ thuộc kíp trực cũng tất bật với nghề rồi đón Tết luôn ở viện.
11 giờ đêm ngày cận Tết, Bác sĩ Lê Thế Vũ – Trưởng khoa Dịch vụ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn miệt mài cho ca mổ sinh. Sau ca mổ ấy, anh vẫn thức đêm và tiếp tục với kíp trực của mình để hoàn thành nhiệm vụ. 25 năm qua kể từ khi nhận công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, anh dường như chưa năm nào được đón Tết trọn vẹn ở nhà để cùng vợ con trang hoàng chào Tết như nhiều gia đình bình thường khác. 25 năm qua, anh vẫn “nhường” vợ việc sắm sửa, vun vén nhà cửa để dành trọn tâm huyết phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Thế Vũ - Trưởng khoa Dịch vụ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Anh chia sẻ: “Khoa Dịch vụ là một trong những khoa bận rộn nhất không chỉ ngày thường mà cả dịp lễ, Tết. Tết mình nghỉ nhưng bệnh không nghỉ, còn sản phụ làm sao “để dành” được việc sinh con. Đã trót yêu nghề Y nên đôi khi việc riêng tư phải tạm thời gác lại. Tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân vẫn đặt lên hàng đầu”.
Mỗi kíp trực vào ngày Tết anh như gieo thêm trách nhiệm hơn cho công việc của mình. Với anh, Tết đủ đầy và viên mãn nhất là niềm hạnh phúc, là lời cảm ơn chân thành từ phía những người bệnh.
Bác sĩ Tạ Việt Cường – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội suốt 7 năm làm nghề anh cũng chưa năm nào được đoàn viên tại gia đình dịp năm mới. Khi nhà nhà sắm Tết vun vén cho tổ ấm cuối năm thì cũng là lúc anh cùng đồng nghiệp tập trung vào những ca trực.
Tết 2014 là Tết gieo trong anh nhiều kỉ niệm nhất trong suốt 7 năm qua. Trước giờ giao thừa, anh đi khám một lượt các bệnh nhân chờ sinh. Thời khắc giao thừa sắp đến, ai cũng yên tâm được xem pháo hoa, nghe lời chúc trên truyền hình để chào năm mới. Tuy nhiên, có duy nhất một bệnh nhân được tiên lượng là không đẻ được và cũng không thể theo dõi thêm được nữa phải mổ cấp cứu. Lúc ấy là trước giao thừa khoảng 20 phút. Tất cả niềm vui và háo hức đón giao thừa phải bỏ lại, anh cùng kíp trực tập trung cho ca mổ.
Bác sĩ Tạ Việt Cường - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Ca mổ diễn ra lúc 0 giờ 05 phút của giao thừa và thành công ngoài mong đợi. Đó cũng là em bé đầu tiên xông đất cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm ngoái. Cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.
“Chúng tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trên gương mặt của người nhà sản phụ, thấy cả những giọt nước mắt của người mẹ ấy khi qua cơn vượt cạn đầy những cam go, thử thách. Và trên hết, tôi thấy tôi cũng như đồng nghiệp được đón một cái Tết viên mãn, tuyệt vời nhất sau mỗi ca chiến đấu sinh tử ấy. Tết vắng mặt ở nhà, miệt mài cho những ca bệnh đó sự thiệt thòi cho cả gia đình nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Bởi đó là nghề mà tôi đã trót yêu và trót chọn.”, bác sĩ Cường chia sẻ.