Có biểu hiện lạ khi quan hệ với chồng nhưng chủ quan, hơn một năm sau người vợ 35 tuổi tử vong trong đau đớn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 17/03/2023 11:53 AM (GMT+7)

Khi quan hệ, dù thấy máu chảy ra nhiều nhưng người phụ nữ chủ quan, bỏ qua lời khuyên của bác sĩ, không ngờ đó là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm.

Ths.Bs.Tạ Việt Cường

Phó giám đốc tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cơ sở 2

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Chị Trần Thị Minh Trà (35 tuổi, ở Hà Nội) đã sinh 2 con, có cuộc sống vợ chồng khá viên mãn. Trong một lần “gần gũi” với chồng, chị Trà phát hiện máu chảy ra từ vùng kín nên khá lo lắng. Sẵn có số điện thoại của bác sĩ sản khoa từng theo dõi sức khỏe cho mình trong những lần sinh nở trước, chị Trà đã gọi điện hỏi và được bác sĩ khuyên phải đi khám ngay.

Thế nhưng quan sát các biểu hiện tiếp theo, chị Trà thấy máu ngừng chảy và thậm chí những lần sau quan hệ sau thì không xuất hiện tình trạng này nên nghĩ không sao và không đi khám. Thời gian qua đi, khoảng nửa năm sau, chị lại xuất hiện tình trạng ra máu, kèm những cơn đau nên đã tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám.

Qua những dấu hiệu lâm sàng chị Trà kể, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra, tầm soát ung thư cổ tử cung, kết quả phát hiện chị mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, đã xâm lấn ra những vùng xung quanh. Trước tình trạng trên, chị Trà đã được chuyển sang điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, điều trị giảm nhẹ… Tuy nhiên, do tình trạng khối u di căn quá nhiều, chị đã tử vong sau gần 1 năm phát hiện bệnh.

Tuyệt đối không chủ quan khi phát hiện đau hoặc ra máu khi quan hệ tình dục. (Ảnh minh họa)

Tuyệt đối không chủ quan khi phát hiện đau hoặc ra máu khi quan hệ tình dục. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về căn bệnh ung thư cổ tử cung, Ths.BS Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ, ở mọi độ tuổi, tuy nhiên những người từng quan hệ tình dục thì nguy cơ mắc cao hơn nên cần chú ý tầm soát bệnh, nhất là những ai đã sinh con xong, từ 35-40 tuổi trở lên.

Theo bác sĩ Cường, việc tầm soát ung thư cổ tử cung có vai trò rất quan trọng nhằm tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư, nhờ đó sẽ ngăn chặn, điều trị bệnh hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, những người phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Bác sĩ Cường chia sẻ, khi khám tầm soát ung thư cổ tử cung, các bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm tìm tế bào cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm PAP. Ngoài ra, việc xét nghiệm tìm virus HPV ở cổ tử cung cũng rất quan trọng, vì đây là nguyên nhân chính gây bệnh. “Việc tầm soát ung thư cổ tử cung rất đơn giản, nhanh chóng, chỉ mất vài phút, có thể thực hiện cùng khám phụ khoa”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Đau vùng tiểu khung, đau khi quan hệ là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. (Ảnh minh họa)

Đau vùng tiểu khung, đau khi quan hệ là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. (Ảnh minh họa)

Đối với trường hợp không tầm soát ung thư định kỳ, nếu thấy các dấu hiệu bất thường như: Đau hoặc ra máu khi quan hệ; chảy máu âm đạo bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi đã mãn kinh, đau vùng chậu… thì cần đi khám ngay bởi có thể bệnh đã không còn ở giai đoạn sớm.

Theo bác sĩ, ngoài quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh vùng kín sạch sẽ và khám sức khỏe định kỳ thì việc tiêm vắc xin phòng HPV có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ung thư cổ tử cung. Trẻ em gái dưới 15 tuổi được tiêm 2 liều vắc xin, mỗi liều cách nhau từ 6-12 tháng. Với những trẻ từ 15 tuổi trở lên, tiêm 3 liều cách nhau 6 tháng.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Phụ nữ có thích quan hệ khi chú em khủng? Một bảo bối mạnh hơn người đàn ông nào cũng có nhưng quên dùng
Hầu hết nam giới có kích thước “cậu nhỏ” lớn thường rất tự hào, tuy nhiên điều bất ngờ là điều này lại không làm chị em hứng thú, điều quyết định chất...

Quan hệ tình dục

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ung thư cổ tử cung