"Vào phòng đẻ đón con tôi không nhận ra vợ mình, vợ tôi xơ xác, phờ phạc đến kinh hoàng, mặt xanh cắt không còn giọt máu".
Mang thai, sinh con vốn được xem là thiên thức của người phụ nữ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thiên chức chẳng hề dễ dàng ấy, chị em rất cần có chồng ở bên cùng "kề vai sát cách", động viên và giúp đỡ. Vậy nhưng có lẽ không phải anh chồng nào cũng làm được điều đó.
Chính vì vậy, khi ông bố trẻ tên Tuấn (28 tuổi, sống tại Hải Dương) chia sẻ dòng nhật ký đầy xúc động về những ngày vợ mang thai và sinh con đã lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người.
Hoang mang khi vợ đột nhiên thay đổi 180 độ khi mang bầu
Kết hôn từ tháng 3/2017 nhưng đến tháng 9 hai vợ chồng anh Tuấn mới quyết định mang thai bởi muốn tìm hiểu kĩ càng các kiến thức chăm sóc thai kỳ. Tuy đã chuẩn bị tâm lý từ trước như vậy nhưng đến khi vợ bước vào giai đoạn "bầu bí", anh Tuấn vẫn không tránh khỏi những bất ngờ.
Vợ chồng anh Tuấn kết hôn từ tháng 3 nhưng đến tháng 9 mới quyết định mang bầu.
Mở đầu bài tâm sự, anh Tuấn viết: "Thanh xuân là thế, xinh đẹp dịu dàng là thế, ấy vậy mà khi có em bé tất cả mọi thứ thay đổi, vợ tôi hay cáu kỉnh hơn, dễ xúc động và tủi thân hơn, nhiều lúc tự khóc 1 mình mà chẳng có chuyện gì.
3 tháng đầu nghén là khoảng thời gian để tôi làm quen với chuyện đó. Nấu cơm tươm tất cho vợ mà vợ lại không ăn được mấy. Cái món vợ tôi thích nhất là mực và thịt gà thì cứ ngửi thấy là nôn, kêu sợ. Nhiều lúc cứ cảm giác như vợ tôi giả vờ để làm nũng tôi vậy. Nhưng chẳng phải đâu. Tâm sinh lý thay đổi từng ngày khiến cho vợ tôi phải chiến đấu với điều đó. Hoang mang, lo lắng, hồi hộp, sợ hãi và bất an là cảm nhận của tôi về vợ khi bắt đầu có thai.
Vợ anh Tuấn trong thời kỳ mang thai.
Những cơn nghén cũng nhiều hơn, vừa ăn xong cũng cho ra hết, người tong teo, xơ xác. Rồi 3 tháng cũng qua đi, mọi việc dần ổn trở lại, con lớn dần trong bụng, những vết rạn ở bụng, ở mông cũng dần hiện rõ, vợ buồn lắm cũng chẳng biết làm sao. Tôi cũng chỉ biết động viên an ủi vợ thôi chứ làm sao bây giờ".
Cùng vợ vượt qua thai kỳ, anh Tuấn lại tiếp tục "xót lòng" khi phải chứng kiến vợ trong phòng sinh.
"Rồi ngày sinh con cũng đến, một chiến sỹ vợ kiên cường, bất khuất chống chọi với cơn đau, không gào thét, chỉ cắn răng chịu đựng suốt 2 ngày trong viện. Những cơn đau của vợ cứ tăng lên mà tôi xót xa quá, không ăn uống được gì mà quằn quại vậy thật là quá sức chịu đựng cho 1 người bé nhỏ như vợ tôi. Giá mà được đau thay cho vợ tôi cũng sẵn sàng ngay, nhưng mà tạo hóa nó thế rồi mà.
Anh Tuấn xót xa khi thấy vợ xác xơ sau ca vượt cạn.
16h15 ngày 9/6, con chào đời trong niềm hân hoan của cả gia đình, cả dòng họ. Vào phòng đón con tôi không nhận ra vợ mình, vợ tôi xơ xác, phờ phạc đến kinh hoàng, mặt xanh cắt không còn giọt máu, nhìn mà rớt nước mắt ra các mẹ ạ. Hôn lên môi khô nhợt nhạt của vợ mà lòng tôi thắt lại. Đón con xong vợ tôi thiếp đi trong sự mệt mỏi và kiệt sức. Càng yêu con bao nhiêu càng thương vợ bấy nhiêu".
Chăm vợ đẻ con thơ từ A-Z, lau rửa cho vợ cũng chẳng nề hà
Sau hành trình mang thai, vợ chồng anh Tuấn lại nắm tay nhau cùng bước vào "cuộc chiến" làm bố mẹ. Lần đầu trải nghiệm nên chắc hẳn cả hai đều không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Vậy nhưng vợ anh Tuấn chắc hẳn sẽ cảm thấy may mắn bởi anh vừa thấu hiểu vừa sẻ chia với vợ mọi công việc từ dọn nhà đến chăm con.
Anh chia sẻ: "Ngày đưa vợ con về nhà, tuần đầu là khoảng thời gian vất vả và mệt mỏi nhất. Tập làm quen với cách chăm con, gần như cả đêm tôi không ngủ vì cứ 2 tiếng con ti 1 lần, con ti sữa công thức nên chuyện rửa bình, pha sữa, hâm nóng, cho con ti, thay bỉm, giặt đồ cho con gần như ngốn hết thời gian rồi. Cũng may có bà nội lên đỡ cho 1 tuần không thì cũng oải.
Thương vợ nên anh Tuấn chẳng nề hà chuyện chăm con hay làm việc nhà.
Sản dịch của vợ ra nhiều, tôi lau và rửa cho vợ, nhìn vết khâu tầng sinh môn mới biết sự đau đớn như thế nào. Đi cũng đau, ngồi cũng đau. Hết 1 tuần rồi đấy, nhanh nhỉ? Trộm vía con yêu ít quấy khóc, mẹ bắt đầu hút sữa được nhiều hơn, cũng nhàn hơn khi mẹ tự cho con ti. Ngắm con ngủ, con ti, con khóc, con tự cười vô thức mà cảm thấy không gì có thể tuyệt vời hơn.
Tất cả thời gian trong ngày và đêm ngoài việc cho con ti ra gần như tôi để cho vợ được nghỉ ngơi. Con khóc tôi cũng dỗ được, con tè con ị tôi cũng thay bỉm được, nấu cơm, rửa bát, giặt đồ cho con, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để không bụi bẩn đến con tôi cũng làm được. Thế mới biết ngày xưa vợ tôi vất vả thế nào. Gần như vợ tôi làm hết tất cả mọi việc trong nhà. Tôi có làm thì cũng phụ 1 ít thôi. Nên giờ chăm vợ chăm con tôi chẳng nề hà việc gì. Cố gắng làm sao kiêng cữ cho vợ được 3 tháng đầu thì sau vợ mình nó đỡ khổ.
Sau khi sinh, vợ chồng anh Tuấn hầu như tự chăm nhau và chăm con.
Thân hình của vợ cũng thay đổi và không còn được đẹp như xưa, đó là sự thiệt thòi và nỗi khổ tâm của tất cả các mẹ chứ không phải riêng vợ tôi. Nhiều người sẽ hỏi sao tôi lại rảnh rỗi cả ngày ở nhà chăm vợ chăm con như thế. Do tính chất công việc nên tôi tự sắp xếp được hết".
Tròn hai tháng đã trôi qua kể từ ngày "thiên thần nhỏ" chào đời, mọi công việc trong gia đình anh Tuấn đã vào guồng. Hai vợ chồng anh tự chăm nhau và chăm con mà không cần người giúp việc. Dù ông bà nội ngoại có ngỏ ý lên chăm con giúp nhưng anh chị từ chối vì lo ông bà sẽ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu khi sống không quen ở thành phố.
"Vợ tôi cũng đi tập yoga được 1 tuần rồi đấy, thỉnh thoảng tôi cũng cafe với anh em được, nhưng thực tình mà nói vì tôi quá cuồng con, nghiện con nên ra ngoài cũng chỉ mong mỏi về với con thôi. Công việc thì chịu khó làm đêm làm hôm, tranh thủ lúc con ngủ. Ông bà nội nhớ cháu bảo đưa cả nhà về quê ông bà chăm nom giúp nhưng dù sao vợ mới đẻ tôi cũng không muốn cho về đằng nội vì vợ tôi sẽ không được thoải mái, cứ phải giữ ý giữ tứ mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến mất sữa cho con còn khổ hơn. Cứ xong 3 tháng rồi đưa về", anh Tuấn nói.
Anh Tuấn tự nhận mình "nghiện con" nên đi đâu cũng chỉ muốn về sớm để chăm con.
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Tuấn được nhiều chị em xuýt xoa gọi là "soái ca" khi vừa chăm vợ giỏi lại biết cảm thông. Tuy vậy, anh Tuấn cho biết bản thân không tự hào hay muốn khoe khoang gì cả bởi anh nghĩ việc yêu thương, cảm thông và chia sẻ cho sự mất mát quá lớn về thể chất cũng như tinh thần của vợ khi sinh con là điều ông chồng nào cũng nên làm.
Anh cũng có lời nhắn nhủ đến các đấng mày râu đang cùng hoàn cảnh: "Làm việc xong thì về sớm với vợ với con. Đừng viện cớ công việc mà mải mê nhậu nhẹt đàn đúm. Bởi lúc này vợ đang cần mình nhất, mong đến cuối ngày chồng về mà mãi không về thì khổ lắm. Đừng vì cái tôi và ích kỉ của bản thân mà xa cách hay hờ hững với vợ mình các ông ạ. Vì họ đã quá thiệt thòi rồi. Dù biết rằng đó là sự sắp đặt của tạo hóa..."