Bà bầu mắc bệnh vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ cũng đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của thai nhi.
Quai bị là bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng lại khá nguy hiểm đối với bà bầu. Bà bầu mắc bệnh vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ cũng đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của thai nhi. Dưới đây là lời khuyên từ chuyên gia khi bạn mang thai không may mắc quai bị.
Hốt hoảng khi mang thai mắc quai bị
Những tháng cuối thai kỳ, chị Trần Thị Thoa (ở Hưng Yên) phát hiện mình bị quai bị. Trước đó một tuần, chị thấy đau và sưng ở vùng gần mang tai, kèm theo sốt và ho. Nghe mọi người nói mắc quai bị khi đang mang thai có nguy cơ phải bỏ thai, chị đã rất hốt hoảng bởi đây cũng là đứa con đầu lòng của anh chị. Ngay lập tức chị đi viện khám, các bác sỹ kết luận chị mắc bệnh quai bị.
Vui mừng khi có thai chưa lâu, chị Đỗ Thị Hiền (ở Phú Xuyên, Hà Nội) lại vô cùng hoang mang khi mắc quai bị. Sau khi tiếp xúc với một người họ hàng bị quai bị, mấy ngày sau chị có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai bên phải sưng to dần. Vùng sưng nhanh chóng lan đến má, dưới hàm kèm theo cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng. Gia đình vội đưa chị vào viện, các bác sỹ thăm khám và cho làm các xét nghiệm rồi kết luận chị mắc quai bị. Vì chị đang ở những tháng đầu thai kỳ, bác sỹ cảnh báo chị có nguy cơ sẩy thai do bệnh này. Nghe vậy, vợ chồng chị đã rất lo lắng. Để theo dõi sát sao, chị đã nằm viện và tiến hành hội chẩn sản khoa để kịp thời phát hiện bất thường nếu có.
ThS.BS Nguyễn Danh Đức, chuyên Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, thời điểm này cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân vào viện khám do bị quai bị. Nhiều trường hợp phát hiện và điều trị muộn vì không nghĩ mình mắc bệnh quai bị mà nhầm lẫn cho rằng bị viêm tuyến nước bọt, mọc “răng khôn”. Bệnh quai bị ít gây tử vong nhưng việc không được phát hiện và điều trị kịp thời, quai bị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nhất là có thể gây vô sinh.
Trên thực tế, không ít chị em khi mang thai mắc quai bị đã vội vàng nghĩ đến chuyện phá bỏ thai vì lo ngại con sinh ra bị dị tật. (ảnh minh họa, nguồn internet)
Đối với phụ nữ mang thai, bệnh quai bị không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hướng lớn đến thai nhi. Những thai phụ mắc quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể tăng nguy cơ gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng; 3 tháng cuối thai kỳ dễ sinh non hoặc thai chết lưu.
Hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai thường kém hơn so với người bình thường, nên khi mắc bệnh quai bị, các triệu chứng thường phát triển nhanh hơn người bình thường. Sau khi mắc virus, thai phụ có triệu chứng ban đầu là sốt cao từ 39 - 40 độ, nhức đầu, cơ thể trở nên mệt mỏi, đau cổ họng, amidan bị sưng to. Đặc biệt, khó nhai nuốt thức ăn, một hoặc hai bên má (tuyến mang tai) sưng to rồi bắt đầu lan tỏa ra phía trước, sau và phía dưới.
Cách phòng tránh quai bị khi mang thai
ThS.BS Nguyễn Danh Đức cho biết, khi có những triệu chứng sốt kèm sưng viêm quai hàm, mẹ bầu cần đi khám ngay để xác định xem chính xác có bị quai bị hay không. Tuy chưa có loại thuốc nào chữa quai bị, nhưng bác sĩ sẽ làm giảm thiểu những triệu chứng khó chịu như sốt, ho và sưng hàm. Để an toàn cho cả mẹ và con, sau khi triệu chứng thuyên giảm, mẹ nên đi khám định kỳ vào các tuần thai 12, 22, 32… để tầm soát bệnh và các biến chứng có thể của bệnh để lại.
Trên thực tế, không ít chị em khi mang thai mắc quai bị đã vội vàng nghĩ đến chuyện phá bỏ thai vì lo ngại con sinh ra bị dị tật. Bị quai bị không có chỉ định phải đình chỉ thai nghén. Dù vậy, những bà bầu mắc bệnh quai bị, nhất là ở trong 3 tháng đầu thai kỳ nên thận trọng, theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Ngay cả sau khi đã điều trị khỏi bệnh quai bị, thai phụ cũng cần thường xuyên đi khám thai để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như xem bệnh có gây biến chứng gì cho thai nhi không. Thực hiện các biện pháp sàng lọc trước sinh để phát hiện những nguy cơ không tốt với thai nhi. Nếu được theo dõi điều trị tốt, bà bầu vẫn sinh con khỏe mạnh như bình thường, chị em không nên quá lo lắng.
Để tránh mắc phải bệnh quai bị trong quá trình mang thai, các chuyên gia khuyến cáo chị em nên đi tiêm vaccine phòng bệnh trước khi có thai. Không nên để đến khi có thai mới tiêm phòng quai bị bởi loại vaccine phòng ngừa quai bị có chứa virus sống, chúng có khả năng xâm nhập gây hại cho thai nhi. Những vaccine sống nên được tiêm trước khi có thai ít nhất 1 tháng.
Ngoài ra, khi bị quai bị trong thai kỳ, thai phụ không nên tự ý dùng thuốc điều trị, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh. Thai phụ cần đi khám và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sỹ, dùng thuốc theo đúng chỉ định. Hiện bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là hạn chế vận động, an thần và chăm sóc sức khỏe trong thời gian toàn phát. Khi bị đau, thai phụ nên tăng thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đồ mềm và lỏng như súp, sữa, uống nhiều nước. Phải giữ gìn vệ sinh miệng sạch sẽ, dự phòng vi khuẩn tiếp tục gây viêm nhiễm, nên súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng.
Ngoài việc chủ động tiêm phòng vaccine, các thai phụ cũng cần tránh tiếp xúc với những người mắc hoặc đang nghi mắc quai bị, không chăm sóc người bị quai bị để tránh lây nhiễm. Tỷ lệ mắc quai bị ở thai phụ hiện nay chỉ còn 1/1000 trường hợp. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo chị em nên đi tiêm vaccine phòng bệnh trước khi có thai ít nhất 1 tháng. Bởi loại vaccine phòng ngừa quai bị có chứa virus sống, chúng có khả năng xâm nhập gây hại cho thai nhi. Khi bị quai bị trong thai kỳ, thai phụ không nên tự ý dùng thuốc điều trị, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh. Thai phụ cần đi khám và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sỹ, dùng thuốc theo đúng chỉ định. Hiện bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là hạn chế vận động, an thần và chăm sóc sức khỏe trong thời gian toàn phát. Khi phát hiện bị bệnh, thai phụ nên tăng thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đồ mềm và lỏng như súp, sữa, uống nhiều nước. Cần vệ sinh miệng sạch sẽ, dự phòng vi khuẩn tiếp tục gây viêm nhiễm, nên súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng. |