Với mức cân nặng 5,3kg, bé gái này có trọng lượng tương đương trẻ 2 tháng tuổi, gây bất ngờ cho mẹ và y bác sĩ.
Mới đây, các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Hải Hà, Quảng Ninh đã mổ đẻ thành công cho 1 thai phụ và đón em bé nặng 5,3kg chào đời.
Được biết, thai phụ 36 tuổi, mang thai lần thứ 4. Dù đã mang thai 41 tuần 4 ngày, quá ngày dự sinh nhưng không có dấu hiệu chuyển dạ, kèm theo kết quả siêu âm thai to nên các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai.
Bé gái chào đời nặng 5,3kg, cân nặng tương đương trẻ hai tháng tuổi, gây bất ngờ cho mẹ và y bác sĩ. Đây được coi là em bé nặng cân nhất từ trước đến nay chào đời tại viện.
Thông thường cân nặng của trẻ khi sinh ra trung bình khoảng 2,8-3,5kg nếu thai đủ tháng. Một thai nhi nặng hơn 4 kg được ghi nhận là thai to. Trẻ nặng cân cần được theo dõi sát, nguy cơ cao bị hạ đường huyết vì nhu cầu năng lượng nhiều hơn.
Bé gái chào đời nặng 5,3kg, cân nặng tương đương trẻ hai tháng tuổi, gây bất ngờ cho mẹ và y bác sĩ.
Sau ca mổ sinh, sức khỏe người mẹ ổn định, còn em bé bị hạ đường huyết. Các bác sĩ điều trị bù đường, bé có dấu hiệu cải thiện tốt, được theo dõi sát tại viện.
Theo các bác sĩ ở viện cho biết thêm, trong thai kỳ, sản phụ này không thường xuyên khám thai, bỏ qua bước tầm soát tiểu đường nên khó đánh giá và tiên lượng sức khỏe của hai mẹ con sau sinh.
Như vậy đến thời điểm này, em bé ở Vĩnh Phúc sinh năm 2017 với cân nặng 7,1kg vẫn giữ kỷ lục trẻ chào đời nặng cân nhất tại Việt Nam. Theo sát sau là bé gái ở Gia Lai chào đời năm 2008 cân nặng gần 7kg.
Theo các bác sĩ, có 3 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh có trọng lượng khác thường gồm tiền sử gia đình, người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc chế độ ăn quá nhiều dinh dưỡng.
Thai to quá 4kg có sao không và phải lưu ý gì?
Nguy cơ cho thai phụ mang thai quá lớn:
- Tăng nguy cơ đột tử thai, sang chấn sản khoa lúc sinh, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu, hậu sản.
- Nguy cơ về sau là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp mạn tính.
Nguy cơ đối với các bé:
Nếu bé có cân nặng trên 4000 gram khi sinh, mẹ không được chủ quan với bé khi thấy tình trạng sức khỏe sau sinh không tốt. Cần theo dõi sát quá trình phát triển của trẻ về: Bệnh lý phổi sau sinh, nguy cơ suy hô hấp; Nguy cơ béo phì; Rối loạn chuyển hóa sau sinh.
Có 3 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh có trọng lượng khác thường gồm tiền sử gia đình, người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc chế độ ăn quá nhiều dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Khi sản phụ tăng cân nhiều và thai nhi to, trong suốt thai kỳ cần lưu ý:
- Trước sinh cần khám thai định kỳ, theo dõi sát sức khỏe mẹ và bé. Theo dõi đường huyết, huyết áp, đo tim thai, các dấu hiệu như phù, tăng huyết áp, xét nghiệm nước tiểu. Cần tới bệnh viện ngay khi nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tăng cân hơn 1kg/1 tuần.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều rau, hạn chế ăn nhiều đường và tinh bột, tập các vận động nhẹ nhàng.
- Cần khám chuyên khoa Tim mạch 3 tuần sau sinh và chuyên khoa Nội tiết 4 - 6 tuần sau sinh.
- 3 tháng giữa thai kỳ là thời kỳ phát triển mạnh của thai nhi. Thai phụ cần: Tầm soát dị tật thai nhi toàn diện bằng kỹ thuật siêu âm 4D vượt trội; Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé; Kiểm soát cân nặng của mẹ hợp lý để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi; Hiểu rõ dấu hiệu dọa sinh sớm (đặc biệt ở những người mang đa thai hoặc có tiền sử sảy thai, sinh non) để được điều trị giữ thai kịp thời.