Sản dịch sau sinh như thế nào là nguy hiểm?

Ngày 20/04/2018 14:08 PM (GMT+7)

Dù bạn sinh thường hay sinh mổ, việc xuất hiện sản dịch sau sinh là điều hoàn toàn bình thường.

SẢN DỊCH LÀ GÌ?

Trong quá trình chuyển dạ sinh nở, tử cung sẽ giãn rộng để thai nhi dễ dàng chui được ra ngoài. Sau khi em bé chào đời, tử cung lại co dần lại và trở lại với trạng thái ban đầu. Lúc này, các niêm mạc tử cung bị hoại tử sẽ xơ hóa và bong ra cùng với chất nhầy tử cung. Đây là máu sinh hay chính là sản dịch sau sinh hoặc còn có tên gọi khác là huyết hôi.

Sản dịch sau sinh như thế nào là nguy hiểm? - 1

Hạnh phúc vì được gặp con sau bao ngày mong ngóng, các mẹ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều "rắc rối" trong đó có sản dịch sau sinh. (Ảnh minh họa)

VÌ SAO LẠI XUẤT HIỆN SẢN DỊCH SAU SINH?

Chị em có thể hiểu đơn giản đây chính là quá trình đào thải các chất cặn bã tích tụ trong tử cung sau 9 tháng 10 ngày mang thai. Còn về mặt khoa học, nguyên nhân xuất hiện sản dịch sau sinh là do nhau thai bong ra từ tử cung. Trong quá trình tử cung co bóp để hồi phục, lượng máu ứ đọng cùng các niêm mạc hoại tử cũng bị đào thải ra ngoài. Cổ tử cung sưng phù sau khi chuyển dạ cũng có những chất thải nhất định. Tập hợp các chất thải này sẽ được đẩy ra khỏi cơ thể sản phụ giúp chị em nhanh chóng ổn định sức khỏe sau sinh, đặc biệt là các bộ phận như tử cung, âm đạo trở lại tình trạng ban đầu như trước khi mang thai.

SAU SINH BAO LÂU THÌ HẾT SẢN DỊCH?

Sản dịch sau sinh như thế nào là nguy hiểm? - 2

Đi lại nhẹ nhàng, đi tiểu sớm sau khi sinh giúp chị em mau chóng tống sản dịch ra ngoài, hạn chế tình trạng bí tiểu và bế sản dịch (ảnh minh họa)

Trong sản dịch bao gồm máu, các mô của niêm mạc tử cung và có thể chứa các vi khuẩn khác nhau .Bình thường, sản dịch không hôi chỉ có mùi máu tanh một chút. Trong khoảng 3-7 ngày đầu mới sinh, sản dịch có màu đỏ tươi hoặc đỏ sậm vì lúc này tử cung co bóp mạnh mẽ nhất để đẩy phần lớn các dịch máu hoặc cục máu đông tồn đọng. Tiếp đến trong vòng 7-10 ngày nữa, sản dịch có màu vàng đậm do dịch máu đã ít đi. Và 10 ngày cuối, sản dịch chỉ còn màu trắng hơi hồng.

Quá trình ra sản dịch thông thường sẽ kéo dài khoảng 15-30 ngày, tùy vào cơ địa của mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, một số chị em có thể mất 40-45 ngày mới hết sản dịch hoàn toàn. Sau đó, chị em sẽ gặp phải hiện tượng ra chút máu đỏ tươi mà ngỡ mình có kinh trở lại. Thực tế đây chỉ là máu báo cho biết niêm mạc tử cung đã hồi phục trở lại. Hiện tượng này còn gọi là kinh non.

Ngược lại, việc sản dịch sau sinh xuất hiện kéo dài quá 45 ngày, có mùi hôi, chị em sốt cao trên 38 độ C, đau tức vùng bụng dưới thì khả năng lớn nhất là đã bị bế sản dịch. Tức là sản dịch vẫn còn ứ đọng lại trong tử cung, chị em cần nhanh chóng đi khám sản phụ khoa để tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời xử lý.

Sản dịch sau sinh như thế nào là nguy hiểm? - 3

Chị em cần quan sát sản dịch sau sinh để nhận biết những biểu hiện bất thường (ảnh minh họa)

Hiện tượng bế sản dịch thường gặp ở sản phụ sau khi đẻ ít vận động, nằm một chỗ quá nhiều hoặc do sử dụng băng vệ sinh không đúng cách (không thay băng liên tục, dùng băng vệ sinh kém chất lượng...) nên bị sốc nhiễm khuẩn.

Do vậy, dù bạn sinh thường hay sinh mổ, thì sau khi nghỉ ngơi 8 tiếng trên giường bệnh nên bắt đầu đứng dậy đi lại nhẹ nhàng trong phòng, đồng thời cho con bú càng sớm càng tốt để tử cung  co bóp đẩy nhanh sản dịch ra ngoài. Vệ sinh vùng kín hàng ngày 1-2 lần, có thể dùng kèm dung dịch sát khuẩn Betadin/Podivin để rửa vết thương do rạch tầng sinh môn (nếu đẻ thường) nhanh chóng lành. Những ngày đầu mới sinh cần thay băng 1-2 giờ/ lần, sau đó là 4 giờ/lần, rửa tay sạch sau khi thay băng vệ sinh.

Tắc tia sữa sau sinh, mẹ đừng tự chữa kẻo hối không kịp
"Nếu bị tắc tia sữa dẫn đến tình trạng viêm nhiễm thì bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để điều trị, chứ không nên tự ý thực hiện các mẹo dân gian sẽ...
Phương Thanh (Dịch từ Parent)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bế sản dịch sau sinh