Theo Th.s, bác sĩ Trần Việt Cường, không phải do quan hệ sớm sau sinh mà dẫn đến gầy yếu.
Một độc giả tâm sự: "Em sinh Nhím đã được 1,5 năm rồi các chị ạ nhưng buồn một nỗi là con càng lớn, em càng nhàn thì lại càng gầy, yếu hơn. Hồi chưa sinh con em nặng 48kg, cũng chẳng đến nỗi nào so với vóc dáng 1m55 của em. Chỉ 3 tháng sau sinh, cân nặng của em bắt đầu sụt giảm đáng kể. Đến bây giờ em chỉ còn khoảng 43kg thôi".
"Hôm trước mẹ chồng có nói chuyện riêng với em, bà hỏi em sau sinh có kiêng "chuyện ấy" không, kiêng trong bao lâu vì thấy em gầy yếu thế này giống có dấu hiệu của bệnh hậu sản. Bà bảo phụ nữ ngày càng gầy sau sinh chắc là bị "sản mòn" minh chứng cho việc “gần gũi” chồng quá sớm. Em chợt nghĩ lại vấn đề mẹ chồng nói. Đúng là vợ chồng em kiêng không quá lâu sau khi em sinh nở, chỉ khoảng 1 tháng thôi", độc giả này băn khoăn.
Trao đổi với chúng tôi Th.s, bác sĩ Trần Việt Cường (Trưởng khoa sản thường, bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM) cho biết: “Trong y học không dùng từ sản mòn, đó có thể là cách nói của dân gian. Người phụ nữ đó bị gầy đi từ 48kg xuống còn 43kg, cần xem lại vấn đề dinh dưỡng, các bữa ăn, giờ giấc nghỉ ngơi. Có thể sau sinh phải lo cho con cái, lo về kinh tế nên cơ thể gầy đi. Không có chuyện quan hệ sớm 1 tháng sau sinh mà dẫn đến gầy yếu như vậy".
Theo bác sĩ Cường, thời gian hậu sản trước đây nói là 6 tuần nhưng hiện nay có tài liệu nói là thời gian hậu sản 1,5 tháng -3 tháng. (ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Cường, thời gian hậu sản trước đây nói là 6 tuần (tức khoảng 1,5 tháng) nhưng hiện nay có tài liệu nói là thời gian hậu sản 1,5 tháng -3 tháng. Bởi vì, trong khoảng thời gian đó, những thay đổi trong khi có bầu sẽ trở về bình thường. như tử cung sẽ nhỏ lại, da đen xạm sẽ dần trở lại bình thường….
Trong thời gian hậu sản, đáng lo ngại nhất là bệnh lý hậu sản. Cụ thể nhiễm trùng hậu sản, bắt đầu từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau chủ yếu là đường sinh dục, vì sau sinh cơ quan sinh dục bị tổn thương. Ban đầu viêm nhiễm ở vết cắt tầng sinh môn (sinh thường) còn với sinh mổ là vết mổ. Trong thời gian hậu sản, có máu hoặc sản dịch ra có thể dễ nhiễm trùng từ ngoài vào trong. Cụ thể là ban đầu nhiễm trùng từ ngoài âm đạo vào đến tử cung, buồng trứng, tới tai vòi và dẫn đến viêm toàn ổ bụng.
Trong tư vấn gần đây, bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà cho biết, sau sinh bà mẹ cần phải ăn đa dạng các loại thực phẩm như: thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, trứng... đây là những thực phẩm giàu đạm và sắt, giúp mau lành vết mổ và phòng chống thiếu máu, thiếu sắt. Ngoài ra nên bổ sung thêm viên sắt và các loại thuốc bổ đa sinh tố nếu cơ địa của sản phụ gầy yếu. Sản phụ cần nhớ yếu tố tinh thần của mẹ cũng rất quan trọng đến lượng sữa mẹ, mẹ tinh thần thoải mái thì lượng sữa sẽ tiết nhiều hơn.
"Sau khi sinh mổ chị em lưu ý hết sức phòng tránh cảm cúm, hạn chế tối đa khi tiếp xúc với những người xung quanh đang bị cảm, vì nếu bị cảm sức đề kháng của cơ thể giảm, vết thương vì thế lâu lành và dễ bị nhiễm trùng. Sau 24 giờ nên cố gắng xoay trở người, đứng dậy đi lại nhẹ nhàng, nếu nằm quá lâu trên giường sản dịch sẽ bị ứ lại trong lòng tử cung dễ gây sốt, nhiễm trùng hậu phẫu… Vận động sớm cũng giúp tăng cường nhu động ruột tránh nguy cơ dính ruột về sau. Do trong suốt quá trình mang thai và sinh nở các khớp xương vùng chậu và cơ dãn tối đa, sau khi chị em sinh xong cơ thể chưa thể hồi phục ngay như lúc ban đầu được, các mẹ nên nhờ những người thân trong gia đình phụ giúp trong công việc nhà cũng như chăm sóc bé để giúp hỗ trợ cho cơ thể và vết mổ mau lành", bác sĩ Song Hà nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Song Hà, ngày đầu tiên sau mổ khi còn trong bệnh viện, sản phụ sẽ được thay băng, những ngày sau chỉ thay băng khi có chỉ định của bác sĩ như khi vết mổ ướt, dính máu... Khi đã xuất viện về nhà nếu vết mổ sưng hoặc tấy đỏ có dịch hoặc máu chảy ra từ vết mổ hoặc bị sốt, sản dịch hôi… sản phụ nên tái khám ngay với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Để vết mổ được lành tốt, không nên sử dụng bất kỳ thuốc gì bôi lên vết mổ khi chưa được bác sĩ cho phép.