Siêu âm thai 22 tuần: Cột mốc quan trọng mẹ bầu đừng bỏ qua

Ngày 15/08/2017 00:06 AM (GMT+7)

Vì ở tuần thứ 22, mọi cơ quan của bé đã gần được hoàn thiện nên lúc này mẹ cần đi siêu âm để nhanh chóng phát hiện ra dị tật thai nhi, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.

Theo các bác sĩ, thai 22-23 tuần tuổi là một mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, siêu âm ở giai đoạn này là điều rất cần thiết.

Sự phát triển của thai 22 tuần tuổi

Bước vào tuần thứ 22, thai nhi nặng khoảng 430gr và đạt chiều dài khoảng 27cm. Các cơ quan nội tạng, não bộ hay khuôn mặt cũng bắt đầu phát triển.

Cụ thể, trên bề mặt não xuất hiện các nếp nhăn đầu tiên. Các cơ quan cảm giác như thính giác, thị giác, vị giác phát triển đáng kể.

Gan của thai nhi bắt đầu sản sinh ra các enzyme cần thiết để phá vỡ bilirubin - một trong những chất thải của tế bào hồng cầu khi bị phá vỡ. Hơn nữa, tuyến tụy của thai nhi cũng đang phát triển.

Siêu âm thai 22 tuần: Cột mốc quan trọng mẹ bầu đừng bỏ qua - 1

Khi ở 22 tuần tuổi, hình hài của thai nhi đã phát triển đầy đủ.

Không chỉ các cơ quan nội tạng và não bộ mà mí mắt, lông mày của thai nhi cũng được hình thành trong tuần này. Tóc vẫn tiếp tục mọc như bình thường. Mắt, mũi, má, miệng cũng khác hơn so với những tuần trước.

Chính vì trong giai đoạn này, hình hài của thai nhi đã phát triển đầy đủ và ngay cả não bộ, cơ quan nội tạng cũng có sự phân chia rõ rệt. Do đó, siêu âm ở giai đoạn này, đặc biệt là siêu âm 3D, 4D thì bạn có thể nhìn thấy khá rõ con yêu của mình. Không chỉ vậy, siêu âm 3D, 4D ở tuần thứ 22 còn giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng thai và có thể quan sát gần như tất cả hình thái bất thường của thai nhi như sứt môi, hở hàm, dị tật,…

Siêu âm ở tuần 22, bác sĩ kiểm tra những gì?

Khi được 22 tuần tuổi, bạn có thể biết được giới tính của thai nhi qua siêu âm. Siêu âm 22 tuần tuổi, bác sĩ sẽ kiểm tra:

Chiều dài cơ thể

Đầu tiên, bác sĩ sẽ đo chiều dài và kiểm tra xem tứ chi của thai nhi có đủ 5 ngón hay không.

Chu vi vòng đầu

Tiếp theo là đo chiều dài của đầu, đường kính hộp sọ xem có điều gì bất thường không. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng đánh giá lượng chất lỏng trong não và hình dạng của tiểu não nằm ở phía sau não bộ.

Kiểm tra khuôn mặt

Tùy theo vị trí nằm của bé mà bác sĩ có phát hiện ra dị tật gì trên mặt bé hay không, chẳng hạn như sứt môi, hở hàm… Tuy nhiên, rất hiếm khi các bác sĩ phát hiện ra kẽ nứt ở vòm miệng của thai nhi trong giai đoạn này.

Kiểm tra tim

Khi kiểm tra cơ quan này, bác sĩ sẽ xác định xem liệu tim có đủ 4 ngăn hay không, có nhìn thấy các động mách không? Tim và dạ dày có đúng vị trí hay tim có hoạt động bình thường hay không?

Kiểm tra xương sống

Xương sống của bé được đo theo chiều dài và tiết diện của cột sống. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng kiểm tra liệu các đột xương sống có đủ, được sắp xếp thẳng hàng và có da bao phủ phía sau hay chưa?

Kiểm tra cơ quan nội tạng

Các bác sĩ sẽ kiểm tra xem các cơ quan nội tạng của thai nhi như dạ dày, thận, bàng quang có hoạt động bình thường hay không.

Siêu âm thai 22 tuần: Cột mốc quan trọng mẹ bầu đừng bỏ qua - 2

Siêu âm 22 tuần tuổi là một cột mốc rất quan trọng mà mẹ nào cũng cần nhớ.

Bên cạnh đó, khi siêu âm ở 22 tuần tuổi, bác sĩ cũng có thể phát hiện được sự bất thường của nước ối và bánh nhau.

Từ những kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ biết được thai nhi có bất thường gì nguy hiểm hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ có trách nhiệm báo cho mẹ biết để quyết định đình chỉ thai. Nếu không, các mẹ có thể yên tâm và hẹn bác sĩ tái khám lần sau.

Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.

Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến chủ đề này gửi về địa chỉ bandoc@eva.vn để được sẻ chia, tư vấn từ chuyên gia. 

Hà Phương (Dịch từ Pregmed & Everydayfamily)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mang thai 3-6 tháng