Sự việc đang khiến người trong cuộc lẫn dư luận vô cùng bức xúc vì để lại hệ quả đau lòng.
Vào ngày 20/2, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một sự việc hi hữu đã xảy ra tại một bệnh viện ở tỉnh An Huy, khiến người trong cuộc đau khổ và làm dư luận vô cùng bức xúc.
Theo đó, ông Lưu Văn (đã thay đổi tên), đến từ Hợp Phì vô cùng cưng chiều con trai độc nhất là Lưu Hiểu. Tuy nhiên, ông phát hiện ra rằng đứa trẻ lại không phải là con ruột của gia đình mặc dù cậu bé được chính bà Tôn Phương, vợ ông sinh ra.
Chia sẻ với truyền thông, người cha cho biết, cậu bé Lưu Hiểu được sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Cụ thể, vào năm 2012, vợ chồng ông đã làm thụ tinh ống nghiệm ở Bệnh viện Đại học An Huy vì đứa con gái đầu của họ mắc bệnh hiểm nghèo, do đó, cặp đôi muốn sinh thêm con.
Bệnh viện nơi xảy ra sự việc cấy nhầm phôi.
Khi đó, vợ ông đã hơn 40 tuổi nên bà phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật thì mới có thể thụ tinh. Tuy nhiên, khi đứa trẻ lớn lên, cặp vợ chồng cảm thấy nghi ngờ vì bé trai không giống cả cha lẫn mẹ. Lời xì xào bàn tán xung quanh xuất hiện ngày càng nhiều.
Để giải tỏa khúc mắc trong lòng, vào năm 2020, họ kiểm tra ADN. Kết quả khiến cả hai người đều sững sờ: Họ không hề có mối liên hệ di truyền với đứa con. Vì thế, cả hai quyết định khởi kiện bệnh viện khi đã để xảy ra sự cố tai hại này.
Vào thời điểm sinh đứa trẻ, bà Tôn Phương là ca sinh mổ đầu tiên trong ngày hôm đó. Hai mẹ con nằm ở trong phòng riêng cao cấp nên không có chuyện trao nhầm em bé. Kết quả điều tra cho thấy, bệnh viện đã cấy nhầm phôi vào cơ thể người mẹ.
Hồi tháng 11 năm ngoái, tòa án phán quyết bệnh viện đã làm ăn tắc trách, không kiểm tra phôi thai trước khi cấy vào cơ thể người mẹ. Tòa án yêu cầu bệnh viện chịu trách nhiệm và bồi thường 640.000 nhân dân tệ (hơn 2,2 tỷ đồng) cho cặp vợ chồng.
Người cha đau lòng nhìn hình ảnh của cậu con trai mình nuôi nấng bao năm.
Song người chồng nói với báo giới rằng ông vẫn rất giận dữ và đau đớn khi phát hiện ra sự thật. Ông đã lấp đầy dung lượng điện thoại của mình bằng hình ảnh của đứa con trai độc nhất. Nhưng giờ đây, ông chỉ có thể xóa bỏ hết tất cả. Số tiền bồi thường chẳng thấm vào đâu so với những gì họ phải gánh chịu.
“Tiền bồi thường không có ý nghĩa gì với tôi. Hiện tại, tuổi tôi quá cao để có thể sinh con khác. Lúc này tôi chỉ muốn tìm cha mẹ ruột của đứa trẻ để cháu có thể nhận sự hỗ trợ y tế nếu gặp phải bệnh hiểm nghèo hay tai nạn", ông bức xúc nói với truyền thông.
Mặc dù vậy, việc tìm kiếm cha mẹ đẻ em bé là điều khá khó khăn, manh mối cũng rất ít. Người chồng nói rằng Bệnh viện Đại học An Huy vốn nổi tiếng với công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên của họ lại có sự nhầm lẫn tai hại, dùng không đúng phôi thai của vợ chồng ông. Khi ông yêu cầu bệnh viện trả lời, họ đáp rằng ông nên cởi mở và từ bỏ nỗi ám ảnh về quan hệ ruột thịt.
Ảnh minh họa.
“Người ta hy sinh sức khỏe và khoản tiền lớn để mong sinh được một đứa con an ủi tuổi già. Họ sẽ nhận con nuôi nếu họ không quan tâm tới mối quan hệ ruột thịt”, một người bình luận trên mạng xã hội.
Khoảng 300.000 ca thụ tinh ống nghiệm diễn ra hàng năm ở Trung Quốc, theo nhiều báo cáo. Giới chức y tế Trung Quốc ước tính tỷ lệ phụ nữ vô sinh ở nước này vào khoảng 7-10%. Được biết, bệnh viện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở Trung Quốc phải theo dõi thai nhi trọn đời, đồng thời lưu trữ vĩnh viễn các hồ sơ pháp lý và y khoa.