Đẻ rơi ở cột điện, ở ruộng mía và cắt rốn bằng liềm… là những câu chuyện vừa bi vừa hài về việc sinh nở của các cụ thời xưa.
Có dịp ngồi nghe các bà, các mẹ kể chuyện mới thấy chuyện sinh con của thế hệ trước "giản đơn" như thế nào. Thức ăn chỉ có khoai độn sắn chẳng kiêng khem, lặn lội ra đồng đến tháng thứ 9 để rồi “đẻ rơi, đẻ vãi”. Nhiều trường hợp “chết oan” vì sự xuề xòa trong sinh nở.
Gánh 17 gánh nước, hôm sau đi đẻ
Bác Nguyễn Thị Bình (Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội), sinh 3 người con đều trong thời kỳ khó khăn thuộc chế độ bao cấp. Thế hệ bác sống “tằn tiện” khi mà điều kiện thiếu thốn đủ đường, phần cơm ăn thì ít mà độn khoai lẫn sắn thì nhiều. Chuyện bầu bí sinh nở của bác cũng như những phụ nữ cùng thời vất vả trăm bề. Khó khăn nhưng nhiều khi nhớ lại bác vẫn nghĩ về nó như kỷ niệm đẹp về thời kỳ cơ cực, bần hàn mà hạnh phúc. Nhắc lại chuyện sinh con, bác vẫn có cảm giác “rùng mình” và tự khâm phục bản thân: tại sao sức khỏe thời gian ấy tuyệt vời đến vậy.
Những lúc nghĩ lại, bác Bình vẫn tự khâm phục bản thân về chuyện sinh nở. |
Năm 1987, bác Bình sinh con trai cả Nguyễn Văn Hưng. Sau gần 30 năm, ký ức về những ngày sinh cậu con trai đầu lòng vẫn vẹn nguyên như mới ngày nào. Bụng bầu 9 tháng 10 ngày nhưng đến tận tháng thứ 9 bác vẫn ra đồng cuốc đất, tưới rau. Cụ thân sinh ra chồng bác thầu 5 mẫu ruộng, chồng lại đi làm xa nên bác hầu như quán xuyến hết việc đồng áng và việc lớn nhỏ trong gia đình.
Bác kể lại: “Trước những ngày sinh con, “bụng vượt mặt” tôi vẫn gồng gánh nước để tưới cây. Sáng sớm gà gáy dạy từ 4 giờ nấu cám lợn, tranh thủ bắc bếp thổi cơm cho cả nhà. Cơm nước xong xuôi lại chuẩn bị thùng, quang gánh lấy nước từ mương tưới cho tất cả 5 mẫu rau. Những ngày trời mưa đoạn đường từ mương lên ruộng ướt nhẹp bùn đất với người bình thường đã nhọc nhằn, với phụ nữ bụng mang dạ chửa còn nguy hiểm gấp bội. Đoạn dốc từ mương lên bờ sâu hoắm như cái giếng khơi. Nghĩ lại mà thấy mình liều”.
Bụng bầu đến tháng đẻ bác đều đặn gánh 30 gánh “thể dục” mỗi ngày như thế. Sinh anh Hưng vào 9 giờ sáng hôm sau thì ngày hôm trước bác vẫn cố gánh 17 gánh nước để tưới nốt mẫu ruộng, sợ rau hạn khô nước mà chết. Những tháng bầu bí thứ 4,5 chuyện gánh 50 gánh nước một ngày là chuyện có thật và hoàn toàn bình thường.
Ngày sinh cậu con trai thứ hai Nguyễn Ngọc Hiếu (năm 1988), bác vẫn lọ mọ ngoài bãi cố cuốc xong thửa ruộng nhưng chuyển dạ đau quá không chịu nổi. Người nhà phải dìu bác chạy tắt qua lối trồng rau ở vườn trạm xá để sinh con. Bác chạy vội, suýt “tuột” con giữa bãi ngô.
Đẻ rơi là chuyện bình thường
Năm 1990, bác Bình mang bầu cô út Nguyễn Hiền Lương. Bác bảo, các cụ ngày xưa vẫn quan niệm gia đình phải có nếp có tẻ. Bác sinh 2 con trai rồi giờ cố gắng thêm 1 mụn con gái nữa mới làm hài lòng các cụ.
|
Kể lại ngày chuyển dạ Lương, bác vẫn đùa với mọi người trong nhà: “Ngày ấy bác gánh nước, đi lại nhiều quá nên việc sinh nở cũng dễ dàng hơn thì phải không khó khăn như bây giờ. Chuyển dạ Lương, bác chạy đến trạm xá không kịp nên đẻ vội ở ngay cột điện đầu ngõ”.
Hôm sinh con, bác lâm râđau bụng suốt cả ngày nhưng vẫn cố đi làm cỏ rau muống dưới cuối làng. Buổi tối cơm nước cho cả nhà, bác cùng bố mẹ chồng ngồi bóc ngô đến tận 11 giờ đêm rồi vừa đi ngủ thì đau quằn quại có dấu hiệu chuyển dạ. Mẹ chồng và chồng vội vã bọc tã, chăn đưa bác đi ra trạm nhưng ra đến đầu ngõ thì “con rơi ra ngoài”. Bác đẻ luôn tại đấy, bà đỡ cũng là mẹ chồng.
Đêm đông năm 1990 lạnh cắt da cắt thịt, ở ngõ nhỏ ấy người nhà bác tấp nập mang đống bẹ ngô đốt lửa đùng đùng để sưởi ấm cho 2 mẹ con. Bác được khiêng vào sọt, đứa bé được bà nội đùm vào vỏ chăn đưa ra trạm xá làm thủ tục cắt rốn cho con.
Cũng do cảnh nhà xa viện mà bà Nguyễn Thị Lý (Thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu) 27 năm trước từng đưa em gái đi sinh con và cũng bị đẻ rơi dọc đường. Bà kể lại, sáng hôm ấy, hai chị em vẫn đi lên nương làm cỏ bình thường. Đến 10 giờ trưa, em gái bà có dấu hiệu đau bụng chuyển dạ. Nhờ người gọi người nhà mang tã, quần áo ra nương nhưng không kịp.
Bà dìu em gái lên xe đạp và tức tốc chở đến bệnh viện thị trấn cách 4 cây. Đi được nửa quãng, không "nhịn" nổi, em gái bà đã sinh con ngay tại gốc xoan ven đường. Bà lấy áo lao động bên ngoài quấn cho cháu và gọi xe lam chở 2 mẹ con đến viện cắt rốn.
Điều kiện thiếu thốn, phải cắt rốn bằng liềm
Chuyện đẻ rơi con ở đường đối với thế hệ trước đã nhiều, chuyện lấy mảnh nứa, liềm cắt rốn cho con cũng phổ biến không kém. Nhiều trường hợp bị sài, nhiễm trùng rồi tử vong ngay sau đó không lâu.
Hơn 50 trước cụ Nguyễn Thị Ng (Thường Tín, Hà Nội) sinh được một người con nhưng cũng vì đẻ rơi ngoài ruộng mía tiện tay có cái liềm cắt cỏ, cụ cắt rốn cho con và nhiễm trùng. Cho đến giờ sau hơn 50 năm nỗi đau mất con của cụ bà vẫn chưa nguôi ngoai. Cụ vẫn ân hận: giá như ngày ấy không liều và không xuề xòa thì đâu đến nỗi.
|
Thế hệ các cụ thời xưa điều kiện về điện đường trường trạm không có, việc sinh nở cũng theo đó mà cũng giản tiện. Làng trên xóm dưới học nhau, người này học theo người kia rồi truyền tai nhau kinh nghiệm.Thậm chí sát ngày sinh, việc đồng áng ruông vườn vẫn làm bình thường không kiêng cữ.
Cụ Ng kể: "Sáng hôm sinh con, cụ với mẹ chồng dậy từ 5 giờ đi bộ 4 cây số vào đồng làm cỏ. Cả sáng râm ran đau bụng, quá trưa hai mẹ con về đến ruộng mía thì quằn quại không chịu được, cụ bà ngồi vội giữa nương mía và sinh con ngay tại đó. Mẹ chồng cụ gọi với người đi đường lại để đỡ đẻ giúp con dâu vì mắt cụ chẳng còn tinh tường.
Tiếng khóc oe oe trong nương mía cũng là lúc rốn của con trai cụ được cắt. Bà đỡ dùng ngay chiếc liềm ban sáng hai mẹ con cụ cắt cỏ để làm thủ tục. Rốn được cắt và bà đỡ dùng dây chỉ mang theo trong túi moi thắt nút lại. Thế là hoàn thành xong ca đỡ đẻ. Hơn 2 tháng, vết cắt ở rốn cứ nhiễm loét, sưng tấy. Con trai cụ ốm ròng rồi mất sau 2 tháng 10 ngày".
Nhiều trường hợp khác cũng đau đớn tương tự như của cụ bà Nguyễn Thị Ng. Họ cắt rốn cho con bằng mảnh nứa sắc, bằng dao cùn.. và hậu quả cũng là những cái chết đau lòng không cứu vãn nổi.