Trẻ sinh mổ thường có hệ miễn dịch kém hơn trẻ sinh thường. Một phương pháp mới đang được kì vọng sẽ làm giảm đi sự chênh lệch này giữa hai phương pháp sinh.
Carolyn Weiss đã trải qua một lần sinh rất đặc biệt. Một tiếng trước khi sinh mổ, một miếng gạc ngâm nước muối được đặt vào trong âm đạo của cô và được nhấc ra ngay trước ca phẫu thuật, rồi giữ trong một hộp kín.
Ngay sau khi em bé chào đời, chồng của Carolyn đã lấy miếng gạc ra và chà xát nhẹ nhàng trong miệng, quanh mắt và trên khắp cơ thể em bé. Đây chính là phương pháp có tên gọi "ươm mầm", cách thức đặc biệt đã và đang nhận được sự chú ý lớn trong thời gian gần đây.
Thực tế, đây là một phương pháp hiện đại được xây dựng trên nền tảng khoa học. (Ảnh minh họa)
Trong cơ thể con người tồn tại một hệ sinh thái gồm rất nhiều các vi sinh vật có tác dụng tăng cường miễn dịch, xử lí nhiễm trùng và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Phần lớn các vi sinh vật này nằm tại ruột, tuy nhiên, một phần của chúng vẫn có thể được tìm thấy ở các cơ quan khác như miệng, phổi, và cả âm đạo của phụ nữ.
Khi còn trong bụng mẹ, ruột của thai nhi sẽ là một môi trường gần như vô trùng cho đến khi túi nước ối bị vỡ. Khi đó, các vi khuẩn từ cơ thể mẹ sẽ là một trong những "kẻ xâm lược" đầu tiên của microbiome (toàn bộ hệ gen của các vi sinh vật sống trong và trên cơ thể con người, như các vi khuẩn, thực khuẩn thể, nấm, động vật nguyên sinh và virus) ở thai nhi.
Những vi khuẩn từ mẹ này sẽ tiếp tục được "gieo giống" trên em bé cho đến khi ra khỏi bụng mẹ nếu sinh thường. Ngay sau khi sinh, microbiome của em bé sẽ gần giống như các vi khuẩn trong âm đạo của mẹ. Vì thế, khi sinh thường, bé sẽ có được một "liều thuốc miễn dịch" này một cách rất tự nhiên.
Tuy nhiên, điều này không xảy ra với trẻ sinh mổ do bé không được tiếp xúc trực tiếp với môi trường trong âm đạo của mẹ. Môi trường vi khuẩn của bé sẽ tương tự với môi trường vi khuẩn mà da bé tiếp xúc, bao gồm các vi khuẩn trên da mẹ, bác sĩ, y tá, những bệnh nhân khác trong viện, và cả những người lau dọn. Đây là vấn đề đáng lo ngại, do có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.
So với sinh thường, trẻ sinh mổ sẽ có nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe như hen suyễn, dị ứng, chàm, tiểu đường loại 1, bệnh Ceilac và các vấn đề đường ruột. (Ảnh minh họa)
Qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho rằng nguyên nhân của vấn đề này nằm ở sự khác biệt giữa microbiome của trẻ sinh thường và sinh mổ. Đặc biệt, điều này sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời. Hệ sinh thái vi sinh vật của trẻ sinh mổ sẽ có tốc độ đa dạng hóa chậm hơn, ngay cả sau sáu tháng đầu tiên. Năm 2014, một nghiên cứu tại Hà Lan đã chứng minh sự khác biệt này vẫn còn tồn tại khi trẻ được 7 tuổi.
Giáo sư Josef Neu, giảng viên khoa Nhi, Đại học Florida cho biết "Chúng ta đang dần tìm ra mối liên hệ giữa mối liên hệ giữa sự hình thành của môi trường vi khuẩn trên cơ thể em bé khi vừa chào đời với sự phát triển của hệ miễn dịch về sau."
Điều này đã đặt ra một câu hỏi rằng, liệu các mẹ sinh mổ có thể làm gì để tăng cường hệ miễn dịch cho em bé của mình. Chuyên gia ngành vi sinh, tiến sĩ Maria Gloria Dominguez-Bello tại Đại học New York, đã nghiên cứu về microbiome nhiều năm qua. Trong 3 năm gần đây, cô đã thử nghiên cứu phương pháp "gieo mầm" các vi sinh vật có lợi từ âm đạo của mẹ lên cơ thể em bé bằng việc sử dụng miếng gạc như trong trường hợp của Carolyn Weiss ở phần đầu bài viết và có được những kết quả đầy hứa hẹn.
Năm ngoái, chuyên gia này đã tiến hành một nghiên cứu tại Puerto Rico trên 21 em bé. Nghiên cứu này cho thấy phương pháp "gieo mầm" kể trên đã có được tác động tích cực tới sự đa dạng của micorbiome trên cơ thể em bé. Bằng cách này, những vi khuẩn trong âm đạo của mẹ sẽ tiếp xúc với cơ thể em bé thông qua trung gian là miếng gạc, giúp bé có được sự tiếp xúc vi khuẩn gần tương tự như trong phương pháp sinh thường.
Tuy nhiên, để xác định được hiệu quả chính xác của phương pháp mới mẻ này đối với việc làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh của trẻ sinh mổ, tiến sĩ Dominguez-Bello sẽ cần phải thực hiện nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn trong thời gian tới.
Thực tế, đây là lần sinh nở thứ hai của Carolyn. Con gái đầu của cô đã chào đời theo phương pháp sinh mổ, mắc chứng chàm ngay khi còn là trẻ sơ sinh và xuất hiện những dấu hiệu dị ứng thức ăn. Vì thế, Carolyn đã tìm hiểu về những nguyên nhân của các vấn đề này và vô tình biết được nghiên cứu của Dominguez-Bello. Khi mang thai lần thứ hai và biết được rằng mình sẽ phải tiếp tục sinh mổ, cô và chồng đã quyết định thử nghiệm phương pháp "gieo mầm".
Dù vậy, ngay chính tiến sĩ Dominguez-Bello cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, phương pháp này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Chính vì thế, các gia đình cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi thực hiện, và đảm bảo rằng môi trường vi khuẩn trong âm đạo của mẹ hoàn toàn an toàn, không có những yếu tố nguy hiểm như vi khuẩn HIV, hay các mầm bệnh lây qua đường tình dục...
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.va. Câu hỏi của độc giả sẽ được các chuyên gia, bác sĩ uy tín trả lời vào thứ 6 hàng tuần trên chuyên mục Bà Bầu. |