Rất nhiều mẹ Trung Quốc vẫn chịu đựng 1 tháng ở cữ không tắm, gội... với hy vọng sức khỏe sẽ tốt khi về già.
Tôi sang Trung Quốc du học từ năm 19 tuổi. Năm đó, sau khi tôi thi được vào một trường đại học chuyên ngoại ngữ ở Hà Nội, tôi may mắn có tên trong danh sách top học sinh đi du học miễn phí. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã sang đó học 4 năm và ở lại đây làm việc luôn. Cũng tại đây tôi đã quen biết và yêu một anh bạn đồng nghiệp và hiện giờ là chồng tôi.
Cuộc sống của tôi tại nước bạn khá suôn sẻ và hiện tại tôi đang mang bầu tháng thứ 6 thai kỳ. Có lẽ phải sống ở đây và dành thời gian tìm hiểu tôi mới biết ở đất nước này, người dân khá cổ hủ đặc biệt về chuyện kiêng cữ sau sinh nở. Vì tôi cũng sắp đến ngày “khai hoa nở nhụy” nên mới đây đã gọi điện tám chuyện với một cô bạn người Trung Quốc mới sinh con được 2 tháng để học hỏi kinh nghiệm. Sau cuộc nói chuyện này tôi mới thấy việc ở cữ tại Trung Quốc thực sự khắt khe.
Khi tôi gọi điện để chúc mừng cô bạn tôi đã “mẹ tròn con vuông”, cô ấy đã qua thời gian ở cữ (tiếng trung Quốc là “Zuo yue zi” - tháng ở cữ). Thời gian này kéo dài khoảng 1 tháng mà hầu hết sản phụ nước này đều phải tuân theo. Điều đáng nói rằng trong tháng này người phụ nữ phải làm theo những quy tắc vô cũng nghiêm ngặt.
“Jiaqi (tên mà bạn bè Trung Quốc thường gọi tôi) à, không bao giờ mình đẻ nữa đâu!”, người bạn của tôi – Zeng phàn nàn qua điện thoại. “Nói thật là mình không hề thấy đau khi đẻ mổ nhưng 1 tháng ở cữ thật là kinh khủng.”, bạn tôi nói tiếp.
Những quy định ở cữ của người Trung Quốc thật khắc nghiệt. (ảnh minh họa)
Hồi ở Việt Nam, tôi cũng từng được nghe mẹ và chị gái nói nhiều đến chuyện ở cữ nhưng thấy đâu có quá khắt khe thế. Sau khi nghe bạn nói xong, thực sự tôi rất tò mò về những quy tắc này để chuẩn bị cho việc sinh nở của tôi sắp tới nữa chứ. Vậy là cô bạn tôi đã không ngần ngại kể hết ra những quy tắc mà cô ấy đã phải làm theo trong 1 tháng:
- Ngay sau sinh, bạn tôi đã phải liên tục đội mũ hoặc chùm khăn để giữ ấm cho đầu.
- Vì Zeng sinh mổ nên trong cả tháng cô không được phép ra khỏi giường trừ khi đi vệ sinh.
- Hầu hết thời gian cả ngày cô phải nằm trong chăn và đặc biệt khi tối đến, bàn chân và bàn tay cô không được để bị lạnh, không được để ra khỏi chăn.
- Bạn tôi được xuất viện sau 5 ngày. Trước khi được đưa về nhà, mẹ chồng cô đã bắt cô mặc rất nhiều quần áo ấm và đương nhiên, khi vừa về đến nhà đã phải vào giường ngay.
- Thậm chí cô ấy không được ăn cùng gia đình mà cơm cũng như thức ăn được đưa đến tận giường.
- Gội đầu – CẤM; tắm – CẤM; rửa tay, chân, mặt – PHẢI bằng nước ấm và hạn chế rửa.
“Mình thực sự thấy mệt mỏi, khó chịu và nóng nực vô cùng đặc biệt là sau khi ăn. Buổi tối, quần áo của mình bẩn và ướt át vì mồ hôi, sữa chảy ra nhưng mình chẳng được tắm rửa. Mình còn không được sử dụng điều hòa nhiệt độ hay quạt điện thậm chí là quạt có công suất nhỏ.”, bạn tôi tiếp tục phàn nàn. “Jiaqi biết không, mẹ chồng mình còn không cho mình rửa chân, không được tắm và lâu ngày mình đã bị nổi ban khắp người, có lẽ vì bẩn quá. Vì vậy mình càng ngứa ngáy và khó chịu. Sau 3 tuần liền, khi mình đã quá khó chịu, mẹ mới cho mình tắm nhưng chỉ được dội qua người thôi.”
Dù rất khó chịu như thế nhưng cuối cùng cô bạn Zeng của tôi cũng chấp nhận với những quy định ở cữ khắc nghiệt: “Thôi cố gắng làm theo những quy định đó vì nghe nói về già sẽ rất tốt cho sức khỏe, ít bị bệnh.”
Không chỉ có những quy định như Zeng đã từng trải qua, tôi có tìm hiểu thêm nhiều sách vở và bạn bè thì được biết, người Trung Quốc, đặc biệt những người già rất quan trọng việc ở cữ sau sinh nở. Những quy định còn khắt khe hơn nữa là:
- Sản phụ không được uống trà vì nó có thể gây hại cho sức khỏe trẻ sơ sinh, khiến bé thường xuyên khóc lóc.
- Phụ nữ sau sinh có người phải nằm cả tháng trên giường để không bị sa tử cung.
- Phụ nữ Trung Quốc sau sinh thường dùng một mảnh vải dài hơn 10m, rộng 30-40cm để gen bụng, giúp bụng sớm thon gọn. Họ làm việc này ngay sau sinh.
- Thay vì tắm, chị em sau sinh dùng nước, muối và rượu để lau cơ thể, giúp người bớt mùi hôi.
- Họ chỉ dùng nước sôi để nguội để súc miệng trong tháng ở cữ.
- Sản phụ không được ngồi mà phải nằm cho con bú.
- Tất cả các hoạt động vui chơi như xem tivi, đọc sách báo, nghe nhạc… đều bị cấm vì sợ ảnh hưởng đến tai và mắt.
- Thêm nữa là chế độ ăn uống cũng vô cùng khắc nghiệt, họ không được ăn đồ chua, cay, lạnh… và chỉ được ăn đồ khô, rau luộc.
Mặc dù những quy định này rất khắt khe nhưng ngày nay rất nhiều mẹ Trung Quốc vẫn thực hiện theo bỏi họ cho rằng sẽ tốt cho sức khỏe trong tương lai. Tôi mới nghe xong những quy định này đã thấy thật sợ hãi. Có lẽ thay vì để mẹ chồng chăm sóc, tôi sẽ đón mẹ đẻ sang đây để không phải ở cữ nghiêm ngắt thế. Nếu 1 tháng mà không được tắm, gội… chắc chắn tôi sẽ ‘bốc hỏa’ lên mất.