Sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi có điều kiện y tế tốt, hiện đại nhưng cả 2 lần sinh chị Sương đều lựa chọn về trạm xá xã và đưa ra những lý do hết sức hợp lý.
Ngày nay, nhờ điều kiện sinh sống tốt hơn nên ngày càng nhiều mẹ bầu lựa chọn sinh con tại các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế sang trọng, dịch vụ chăm sóc từ A-Z, được chọn bác sĩ giỏi đỡ đẻ hay phòng sinh gia đình và đương nhiên đi kèm là chi phí khá đắt đỏ.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Dũ Sương, một bà mẹ 2 con đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh lại không lựa chọn như vậy. Dù có đủ điều kiện sinh con tại các bệnh viện thành phố, chị vẫn lựa chọn về quê ngoại ở Thừa Thiên Huế, sinh 2 con tại trạm xá xã. Chi phí trong cả hai lần sinh của chị chỉ tốn từ từ vài chục đến dưới 500 ngàn.
Bầu cả 2 bé, chị Sương đều lựa chọn sinh ở trạm xá xã thay vì bệnh viện lớn ở thành phố.
Tuy nhiên, chi phí không phải lý do duy nhất chị Sương chọn sinh con ở quê. Chia sẻ về lý do chọn sinh con tại trạm xá thay vì bệnh viện lớn, chị Sương cho biết: "Mình không chọn sinh ở thành phố như đa số các mẹ bầu khác vì mình tin vào chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế ở trạm xá cũng có thể đỡ đẻ thành công. Thứ 2 nữa là muốn tự do hơn trong quá trình chuyển dạ và còn có cả người nhà theo cùng mà không phải mất nhiều tiền để chọn gói sinh dịch vụ gia đình ở các bệnh viện lớn khác.
Ngoài ra, ở trạm xá không phải vội vàng chia sẻ phòng đẻ với ai, tất cả đều diễn ra bình thản tự nhiên nên mình thấy khá thoải mái về tâm lý".
Sinh ở trạm xá, chị Sương thấy thoải mái hơn vì không lo phải nhường phòng đẻ cho ai, hai mẹ con có thể nằm ôm nhau da tiếp da lâu hơn.
Với những bà mẹ cho rằng sinh con ở trạm xá không mấy an toàn thì theo quan niệm của chị Sương, khi sản phụ đến trạm xá sẽ được thăm khám sức khỏe và quan sát sắc diện, nếu thấy có gì không ổn sẽ cho chuyển viện đi tuyến trên ngay.
Khi chọn sinh trạm xá, chị Sương cũng cân nhắc đến trường hợp nếu xảy ra vấn đề gì khác thì phải có phương án dự phòng ngay. Xe ô tô luôn sẵn sàng cùng đội ngũ y bác sĩ theo chuyển tuyến khi cần thiết.
Chị Sương sinh bé đầu tiên từ năm 2014 và sau khi tìm hiểu cơ sở vật chất về y tế ở trạm xá cũng như chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế ở đây, chị đã quyết định không sinh ở thành phố mà về quê.
"Đáng tiếc là lần đó vì chưa có cơ duyên tìm hiểu về những tư thế giúp hỗ trợ chuyển dạ nhanh nên mình khá bối rối và bị động khi chuyển dạ. Tâm lý làm mẹ lần đầu nên yếu ớt hẳn, toàn nằm trên giường chứ không chịu vận động nhiều nên quá trình chuyển dạ kéo dài gây mất sức. Kết quả là tuyến trạm xá không nhận đỡ đẻ nữa mà chuyển lên tuyến trên và gặp bác sĩ phó khoa sản khám thì mở 8 phân rồi cho đẻ thường sau khi rạch tầng sinh môn", chị Sương kể lại.
Người nhà có thể theo chị Sương đi đẻ mà không cần chi tiền đắt đỏ như phòng sinh gia đình ở bệnh viện.
Tuy chưa thành công nhưng đến lần sinh thứ 2 vào tháng 4 năm 2017, chị Sương vẫn tiếp tục chọn đẻ ở trạm xá. Rút kinh nghiệm từ lần sinh đầu, lần này chị chuẩn bị kiến thức vững vàng và sức khỏe ổn định cả thai kỳ.
"Lần thứ 2 này mình tự đếm các cơn đau chuyển dạ ở nhà, vừa chuẩn bị sẵn sàng hành trang đi sinh vừa áp dụng các tư thế hỗ trợ khi có cơn co, tới khi các cơn đau rút ngắn xuống còn 3 phút 1 cơn thì đi bộ xuống trạm xá. Vì mình nuôi bú song song nên bạn lớn theo mẹ đi sinh luôn. Bé cùng mẹ đến trạm xá, cùng đi bộ với mẹ, cùng leo cầu thang, cùng nhún nhảy, cùng bò,.. Đến khi được khám thì cổ tử cung mình đã mở 6 phân.
Tiếp tục nhún nhảy hít thở thì hơn 2 giờ đồng hồ mình sinh bạn thứ 2. Lần này không bị rạch tầng sinh môn. Em bé sinh ra được tiếp da với mẹ ngay lập tức và cũng chờ dây rốn con ngừng đập mới kẹp cắt rốn. Con được bú mẹ thoải mái ngay trên người mẹ", chị Sương nhớ lại lần sinh thứ 2.
Chị Dũ Sương khi mang thai con thứ 2.
Sau 2 lần chọn sinh con ở trạm xá, chị Sương cũng rút ra những kinh nghiệm riêng và mong muốn được chia sẻ cho các mẹ bầu có ý định tương tự mình.
"Nếu có lời khuyên cho các mẹ muốn lựa chọn sinh ở trạm xá thì mình nghĩ là phải chuẩn bị tốt kiến thức về chăm sóc trong lúc mang bầu để đạt một thai kỳ khỏe mạnh. Tìm hiểu về ekip sinh ở nơi các mẹ chọn, các mẹ phải đảm bảo sẽ được chuyển đến bệnh viện nếu có bất kỳ biến chứng nào xảy ra trong quá trình sinh nở.
Chuẩn bị tâm lý vững vàng và mạnh mẽ vì các mẹ sẽ không thể chọn biện pháp giảm đau nào khi sinh như gây tê ngoài màng cứng.
Nếu các mẹ đã chọn sinh ở trạm xá thì nên tìm hiểu kỹ các vấn đề này để chuẩn bị tinh thần sẵn sàng: Mất bao lâu thời gian để các mẹ di chuyển từ trạm xá đến bệnh viện tuyến trên nếu ca sinh xảy ra trục trặc. Các mẹ chọn sẵn bệnh viện mà mình muốn đưa đến. Và luôn yêu cầu có nữ hộ sinh ở bên cạnh sản phụ. Tìm hiểu rõ xem đội ngũ y bác sĩ có đủ chuyên môn để giúp các mẹ vượt cạn thành công hay không".
Theo chị Sương, để có thể sinh ở trạm xá thì mẹ cần đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, tâm lý vững vàng.