Từ tuần thứ 8, não bộ của thai nhi bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, ở tam cá nguyệt thứ ba, não sẽ phát triển rất nhanh, có thể đạt 25% trọng lượng não của người lớn.
Tam cá nguyệt thứ 3 được tính từ tuần thứ 28 đến 42 thai kỳ. Lúc này, thai nhi sẽ có cân nặng từ 1005 gam (ở tuần 28) đến 3685 gam (ở tuần 42). Vào 3 tháng cuối thai kỳ, tất cả các cơ quan và các phần cơ thể của thai nhi đã hình thành, tiếp tục phát triển, hoàn thiện và bắt đầu hoạt động.
Trí thông minh của trẻ nhỏ phần lớn dựa trên yếu tố di truyền thừa hưởng từ cha mẹ cùng với sự tác động của môi trường giáo dục sau khi trẻ chào đời. Tuy nhiên, ngay từ trong bụng mẹ, đặc biệt là trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba nếu người mẹ hoàn toàn có thể giúp bé thông minh hơn vì đây là thời điểm trí não của trẻ phát triển nhanh nhất.
Phương pháp dưỡng thai cùng chế độ dinh dưỡng khoa học của mẹ trong 3 tháng cuối sẽ là tiền đề giúp bé phát triển toàn diện, cải thiện trí thông minh trong tương lai.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ ba
Với chế độ dinh dưỡng khoa học mẹ bầu không cần lo việc tăng cân quá đà trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Dinh dưỡng của mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ ba vẫn cần ăn đầy đủ các nhóm chất như:
- Chất đạm (Protein): Vào 3 tháng cuối mang thai chị em vẫn cần cung cấp cho cơ thể khoảng hơn 2500 kcal/mỗi ngày. Tuy nhiên hàm lượng đạm cần tăng hơn để đảm bảo cho sự phát triển tăng nhanh của thai nhi. Chất đạm có vài trò trong quá trình tăng trưởng tế bào máu. Vào giai đoạn này mỗi ngày mẹ bầu cần cung cấp 70g protein. Bạn có thể bổ sung đạm từ các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng gia cầm, sữa, đậu, đậu phụ.
- Chất bột đường: Nhằm cung cấp năng lượng hàng ngày. Mẹ bầu có thể ăn cơm, bánh mì, các loại ngũ cốc nguyên cám, khoai tây, mì… Ngoài ra, cần bổ sung các loại hoa quả tươi để có lượng đường tự nhiên, an toàn cho sức khỏe.
Chế độ dinh dưỡng sẽ góp phần tạo tiền đề giúp bé thông minh khỏe mạnh ngay từ trong bụng mẹ.
- Các vitamin và khoáng chất: như sắt, canxi, magiê, kẽm, axit folic, vitamin A, C, E, D, B và beta-caroten…
Trong đó nếu thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu là điều rất nguy hiểm cho mẹ trong 3 tháng cuối và giai đoạn sinh nở. Chất sắt có nhiều trong các loại đậu đỗ, rau xanh, tim, gan động vật. Nếu chế độ ăn hàng ngày của mẹ bầu không cung cấp đủ chất sắt thì cần uống bổ sung viên sắt
Canxi: Ở 3 tháng cuối thai kỳ, mỗi ngày chị em cần khoảng 1.500mg canxi để giúp xương và răng của bé chắc khỏe, ngoài ra hỗ trợ phát triển hệ thần kinh. Mẹ bầu nên uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai tiệt trùng…; ăn các loại cua, cá đồng cũng rất tốt.
- Chất béo: Chất béo không thể thiếu trong quá trình thai nhi phát triển hệ thần kinh do vậy mỗi ngày thai phụ cần 70-80g chất béo. Việc bổ sung chất béo đúng cách không làm mẹ bầu tăng cân hay mất dáng vì vậy đừng ngại nạp chất béo cho cơ thể. Trong các loại chất béo thì axit béo là dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển não bộ thai nhi rất cần thiết trong tam cá nguyệt thứ ba khi trí não của trẻ đang phát triển vượt trội.
Mẹ bầu có thể bổ sung axit béo bằng cách: sử dụng các loại dầu oliu, dầu mè, dầu hướng dương khi chế biến các món ăn hàng ngày; mỗi tuần ăn 2-3 bữa hải sản; bổ sung viên dầu cá; nhâm nhi các loại hạt hướng dương, hạt bí như một món ăn vặt lành mạnh; ăn đậu phụ và các loại rau như súp lơ xanh, rau bắp cải.
Cá hồi, trái bơ, hạt vừng, các loại quả hạch rất giàu axit béo omega-3 cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ ba.
Bên cạnh đó, hàng ngày chị em cần uống đủ nước, không bỏ bữa, ít nhất sau 4 giờ cần có một bữa ăn
3 tháng cuối thai kỳ mẹ bầu cần tăng bao nhiêu cân?
Trong tam cá nguyệt thứ ba, thai phụ có thể tăng thêm 5-7kg. Thông thường mỗi tuần, chị em sẽ tăng thêm 0,5 kg/tuần hoặc 2 -2,5 kg/tháng. Vào cuối thai kỳ, tùy thai nhi sẽ nặng trung bình khoảng 3,0-3,4kg.
Đây cũng là giai đoạn tay chân bạn có thể sưng phù do tăng lượng máu lưu thông nhưng không cần quá lo lắng nếu biểu hiện này chỉ thỉnh thoảng xuất hiện hoặc xuất hiện ở mức độ nhẹ. Nếu chị em bị sưng mặt, tay chân nhiều, kết hợp với việc tăng cân quá nhiều thì cần tư vấn ý kiến bác sĩ.
Nếu mẹ bầu tăng cân đột ngột và ở mức cao trong những tháng cuối có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm độc thai nghén, tiểu đường thai kỳ hoặc cao huyết áp. Hiện tượng này tiềm ẩn những nguy cơ bất lợi đến sức khỏe của thai nhi.
Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không được tự ý giảm ăn mà cần thăm khám tại các cơ sở y tế để có kết luận chính xác. Việc thiếu hụt dinh dưỡng trong tam cá nguyệt thứ ba có thể khiến thai nhi không được cung cấp đủ năng lượng để phát triển hoàn thiện.