Những mẹ bầu có ngày dự sinh vào đúng dịp Tết luôn có những lo lắng, băn khoăn riêng.
Trong những ngày cận Tết, người người nhà nhà đang tất bật sửa sang nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ chu toàn để đón mừng năm mới. Trong lúc này, nhiều mẹ bầu lại đang rơi vào tình huống "bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời" vì dự sinh đúng dịp tết.
Là người bình thường đến ngày Tết đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ cũng thấy căng thẳng và mệt mỏi thì đối với các mẹ bầu còn lo lắng hơn rất nhiều. Thậm chí đã có không ít những bà mẹ cảm thấy ám ảnh khi từng sinh con, ở cữ ngày Tết . Thực tế, cũng có rất nhiều trường hợp có dự sinh xung quanh đợt tết. Và một câu hỏi chung đó là đẻ ngày tết thì cần chuẩn bị những gì?
Em bé có thể chào đời bất cứ lúc nào, kể cả giao thừa.
Mẹ phải luôn sẵn sàng, con có thể chào đời ngay giao thừa
Những mẹ bầu đã bước sang tháng cuối cùng của thai kỳ thì luôn phải chuẩn bị sẵn sàng vì có thể đẻ bất kỳ khoảng khắc nào đợt Tết ngay cả đúng đêm giao thừa.
Bác sĩ sản khoa theo dõi cho thai phụ thông thường dựa vào ngày đầu kinh cuối và dự kiến sinh theo siêu âm 3 tháng đầu để có "ngày dự sinh". Đây chỉ là ngày ước đoán thai nhi được khoảng 40 tuần tuổi, không nhất định đó phải là ngày bé chào đời mới gọi là bình thường. Chỉ có khoảng 1/20 bà mẹ sinh đúng ngày này, còn lại, có thể sớm hơn hay trễ hơn trong vòng 1-2 tuần. Do đó bé có thể sinh bất kỳ lúc nào trong dịp Tết cả ngày lẫn đêm hoặc đúng đêm 30 Tết nên các sản phụ cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, không nên kỳ vọng sinh vào đúng ngày dự kiến sinh.
Ngoài chuẩn bị đồ đạc, các mẹ cần chuẩn bị cẩn thận, thu xếp trước người thân đi cùng khi chuyển dạ để được chăm sóc chu đáo và chủ động vì ngày Tết công việc bộn bề, mọi người có thể không xoay sở kịp.
Chuẩn bị tài chính cũng là một vấn đề các bà bầu không được quên. Bà bầu nên chuẩn bị dự trù số tiền chi phí theo nơi mà bạn muốn sinh. Tùy bệnh viện tư nhân hay nhà nước mà có các mức giá khác nhau. Bạn nên tham khảo cụ thể trước để chủ động tài chính. Và nếu bạn được hướng những chế độ bảo hiểm cụ thể theo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm theo ngành hoặc bạn mua gói bảo hiểm các hãng lớn thì cũng nên liên hệ để còn dự trù tiền mặt tạm ứng trước khi vào viện. Ngoài ra, chuẩn bị thêm tiền mặt để đóng tạm ứng và chi tiêu các khoản phát sinh khi nằm viện. Chú ý nên mang theo tiền lẻ vì ngày Tết khó đổi tiền.
Mẹ cần chuẩn bị hết trước đồ đạc để tránh trường hợp ngày Tết các cửa hàng dịch vụ đóng cửa.
Những đồ đạc, giấy tờ mẹ cần chuẩn bị trước khi nhập viện
Những giấy tờ quan trọng
Các loại giấy tờ cần mang theo khi nhập viện bao gồm:
+ Các giấy tờ hành chính cơ bản : căn cước, hộ khẩu, bảo hiểm y tế.. Nên photocopy hai bản và mang theo bản gốc để nộp cho bệnh viện khi cần.
+ Sổ khám thai, giấy tờ xét nghiệm, siêu âm, chạy máy tim thai hoặc các văn bản hội chẩn trong cả quá trình thai kỳ của mẹ bầu nên được lưu trữ cẩn thận. Chúng sẽ giúp bác sĩ khi làm hồ sơ sinh có thể đánh giá chính xác hơn tình trạng của thai và mẹ.
Chuẩn bị đồ cho bé
+ Hai bộ quần áo dài tay mặc cho bé khi ra viện hoặc khi quần áo của bệnh viện bị bẩn mà họ chưa kịp tắm để thay cho bé.
+ Mũ đội đầu, che thóp: mỗi loại 1 chiếc;
+ Bao tay chân: 2 bộ;
+ Khăn quấn bé: 2 chiếc;
+ Chăn ủ: 1 chiếc;
+ Băng rốn: 5-6 chiếc;
+ Rơ lưỡi: 6-7 chiếc;
+ Bông y tế: 2 gói nhỏ;
+ Nước muối sinh lý: 1 lọ nhỏ 10 ml dùng lau mắt mũi cho bé vào mỗi buổi sáng;
+ Khăn sữa: lau mặt và tay chân cho bé;
+ Cốc, thìa, bình sữa, sữa bột: đề phòng trường hợp mẹ sau sinh chưa có sữa ngay cho bé bú;
+ Quần đóng bỉm: 4-6 chiếc để thay khi bẩn;
+ Tã giấy hoặc bỉm sơ sinh: 1 bịch nhỏ hoặc 15-20 chiếc vì 1-2 ngày đầu mới sinh bé đi phân su nhiều nên cần thay tã bỉm liên tục;
+ Khăn ướt: 1 gói.
Chuẩn bị đồ cho mẹ
+ Quần áo dài tay mặc khi ra viện: 1 bộ, tốt nhất nên chọn loại rộng, thoáng mát, thiết kế thuận tiện khi cho con bú;
+ Bỉm người lớn: 3 bỉm khi chuyển dạ và 5-6 miếng cho 2 ngày sau sinh thường hoặc 01 túi bỉm cho 4-5 ngày sau mổ;
+ Quần lót dùng một lần: 1-2 gói (trên dưới 10 cái );
+ Mũ đội đầu, khăn quàng: 1-2 chiếc;
+ Tất chân: 2-3 đôi (phòng khi bị bẩn còn thay cho tiện);
+ Đồ dùng vệ sinh cá nhân: Khăn mặt, kem đánh răng, bàn chải răng, nước súc miệng, dầu gội khô;
+ Các loại trang sức đắt tiền, điện thoại: Sản phụ nên đưa lại cho người thân cất giữ hoặc để ở nhà không nên mang vào bệnh viện;
+ Dụng cụ hút sữa phòng khi mẹ chưa xuống sữa;
+ Gối mềm hỗ trợ cho mẹ cho con bú bị mỏi;
+ Chuẩn bị sữa bột hay sữa tươi hỗ trợ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh;
+ Hộp trà gừng mật ong : 1 hộp (hỗ trợ huyết áp cho các mẹ huyết áp thấp sau sinh).
Người thân đưa sản phụ đi đẻ cũng cần chuẩn bị sẵn đồ đạc cần thiết.
Đồ cho người thân
Ngoài lo cho bản thân các mẹ bầu bí thì cũng nên chuẩn bị cho người thân chăm sóc mình khi nằm viện đợt Tết vì mua bán có thể sẽ rất khó khăn
+ Mỗi người nhà nên chuẩn bị 2-3 bộ (nếu mẹ sinh thường) còn nếu nằm lưu lâu vì sinh mổ thì 4-5 bộ dành cho người thường trực chăm mẹ bầu sau sinh;
+ Đồ vệ sinh cá nhân đầy đủ;
+ Thức ăn nhanh, đóng hộp, đồ khô, đồ ăn nhanh... tiện cho việc chăm sóc hai mẹ con vào ban đêm hoặc đúng đợt tết lúc không thể mua đồ tầm 29-30- mùng 1 tết;
+ Vật dụng vệ sinh nhỏ nên mang đi : chậu nhỏ, bô, ấm nước, dép đi trong nhà...
+ Các đồ điện tử như sạc đi động, pin dự phòng cho máy ảnh, di động hay máy quay để chụp các khoảng khắc lưu niệm cho gia đình và bé.
Thông thường sau sinh một ngày là có thể được về nếu mọi thăm khám bác sỹ về hậu sản bình thường còn sau mổ là 5 ngày hoặc 4 ngày khi bạn đăng ký dịch vụ chăm sóc sau sinh tại nhà.
Nói chung, mẹ bầu đẻ ngày Tết gặp khó khăn chủ yếu các dịch vụ đi kèm chăm sóc mua đồ khó khăn hơn ngày thường còn tại bệnh viện luôn có nhân viên, bác sĩ túc trực 24/24 nên bạn yên tâm đi đẻ an toàn.
Để các mẹ sinh con đúng dịp Tết có đầy đủ kiến thức về việc bà đẻ ăn uống sao cho đúng, mời các mẹ đón đọc bài viết về chủ đề này trên chuyên mục Bà bầu vào 00H06 ngày 14/2.