Thai 28 tuần tuổi có sự thay đổi nhanh và mạnh mẽ về kích thước và cân nặng. Tuần thứ 28 thai đã bước vào tháng thứ 7 và đang ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3.
Khi bước vào tuần thứ 28 là thai nhi đã ở tháng thứ 7 và đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất. Người mẹ lúc này cũng có nhiều thay đổi cả về thể trạng cũng như cảm xúc.
Sự phát triển của thai 28 tuần tuổi
Bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 là lúc thai nhi phát triển thần tốc để chuẩn bị “bứt phá về đích”. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh sự phát triển của thai nhi trở nên đặc biệt hơn.
- Cân nặng thay đổi nhanh: Khi sang tuần thứ 28 của thai kỳ cân nặng của bé đạt khoảng 1kg tương đương với một quả cà tím dài. Chiều dài đạt từ 37,6cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân.
- Não bộ phát triển mạnh: Não bộ của bé hình thành nên hàng triệu tế bào thần kinh, bề mặt não nhẵn và mặt não xuất hiện các rãnh nhăn cùng với các vết lõm điển hình của não bộ.
- Bé xoay đầu về vị trí đầu quay xuống dưới để thuận lợi cho quá trình sinh thường.
- Thai nhi nhìn thấy ánh sáng lọt qua tử cung của mẹ.
- Lông mi xuất hiện, tóc dài ra.
- Bé trong bụng mẹ liên tục nháy mắt, mút ngón tay, ho, nấc và hít thở. Bé cũng có các động tác đạp vào bụng mẹ.
- Bé bắt đầu có nhiều mỡ hơn, làn da của bé trở nên mịn màng hơn
- Phổi hình thành hoàn chỉnh: Bé có thể tập thở và hoàn toàn có thể tự thở được nếu được sinh ra ở tuần thứ 28.
Thai 28 tuần có kích thước giống quả cà tím dài
Hình ảnh siêu âm thai 28 tuần
Khi đi siêu âm thai tuần 28, đây là giai đoạn thai đã được 7 tháng tuổi và các bộ phận cơ thể của bé đã gần như hoàn chỉnh.
- Ngôi thai: Bé có thể có ngôi đầu (đầu quay xuống dưới cổ tử cung), ngôi mông (chân quay xuống phía dưới), ngôi ngang (lưng bé quay xuống cổ tử cung).
Thai 28 tuần bé đã bắt đầu xoay ngôi
- Hoạt động tinh nghịch của bé, bé cử động nhiều hơn, hay đạp mẹ hơn.
- Bé đã có thể nghe thấy những âm thanh trong gia đình, tiếng chó sủa, tiếng máy hút bụi, tiếng tivi…
Hình ảnh siêu âm thai 28 tuần tuổi
Sự thay đổi của mẹ khi mang thai tuần thứ 28
Theo The Bump, khi bước vào tháng thứ 7, tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ cơ thể mẹ cũng có nhiều thay đổi và cũng cần phải chú ý tới những dấu hiệu sắp sinh.
1. Thay đổi cơ thể mẹ
- Khó thở: Bé đã phát triển lớn hơn, dồn nén lên phổi và cơ hoành của mẹ khiến mẹ khó thở hơn.
- Cơn co thắt: Khi thai được 28 tuần tuổi xuất hiện những cơn co thắt và gò bụng khiến mẹ thấy khó chịu. Điều này xuất hiện do thai nhi ngày càng di chuyển xuống dưới vùng xương chậu gây áp lực lên các cơ chằng bụng dưới.
- Trĩ: Khi thai ngày một lớn mẹ dễ bị mắc bệnh trĩ trong thai kỳ. Các mao mạch căng phồng nơi hậu môn của mẹ là nguyên nhân khiến búi trĩ sa ra ngoài, tình trạng này sẽ được cải thiện khi mẹ sinh em bé.
- Bụng bầu to: Tháng thứ 7 bụng mẹ đã trở lên rất lớn, đi lại khó khăn hơn so với những tuần trước.
Mẹ mang thai tuần thứ 28 bụng đã to và thai chuyển động mạnh mẽ
- Mất ngủ: Khi thai được 28 tuần mẹ có thể gặp tình trạng mất ngủ kéo dài, các cơn buồn ngủ liên tục ập đến nhưng mẹ ngủ không sâu.
- Hạ huyết áp khi nằm ngửa: Hội chứng này do tim đập nhanh hơn và cảm giác chóng mặt chỉ dừng lại khi mẹ quay người sang hướng khác. Vì vậy, giai đoạn này mẹ nên nằm nghiêng để tránh gây áp lực lên bé và cơ thể mẹ cũng được dễ chịu hơn.
- Sữa non: Khi thai được 28 tuần mẹ có thể thấy ngực có hiện tượng rò rỉ sữa non.
- Tiểu nhiều: Thai đã lớn hơn chèn xuống bàng quang của mẹ làm mẹ tiểu nhiều hơn bình thường.
- Chuột rút: Mẹ cũng thường xuyên bị chuột rút do giãn tĩnh mạch ở chân, áp lực của tử cung mở rộng, chèn lên các mạch máu dẫn xuống chân, chặn các dây thần kinh từ thân đến chân khiến chân bị chuột rút.
- Mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng phổ biến khi thai nhi 28 tuần tuổi:
+ Đầy hơi
+ Chóng mặt, hoa mắt
+ Nghẹt mũi
+ Hội chứng bồn chồn chân tay
+ Chảy máu nướu răng
+ Da và tóc, móng phát triển nhanh hơn.
2. Thay đổi tâm lý mẹ bầu
Khi bước sang tuần thứ 28 của thai kỳ, mẹ bầu cũng bắt đầu có nhiều những thay đổi về tâm lý, mẹ rất khó để tập trung vào công việc, người cảm thấy nặng nề và di chuyển khó khăn. Mẹ thường hay mất ngủ nên ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống bình thường, hãy yêu cầu sự hỗ trợ từ người thân yêu của mình để vượt qua được giai đoạn này nhé!
Những vấn đề mẹ cần chú ý khi thai nhi 28 tuần tuổi
1. Sức khỏe tổng quát
Sức khỏe của mẹ khi thai ở tuần thứ 7 đã có nhiều những thay đổi, mẹ vận động khó khăn hơn vì bụng đã to hơn. Mẹ cũng cần nên thực hiện những lần siêu âm, xét nghiệm định kỳ để đảm bảo thai phát triển tốt.
Đặc biệt, mẹ cần chú ý tới những vấn đề sức khỏe như đau bụng dưới, ra máu, bụng gò nhiều… đó có thể là những dấu hiệu sắp sinh sớm.
Mẹ cần theo dõi sự chuyển động của thai nhi từng ngày, khi thấy thai không có dấu hiệu chuyển động cần đi gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra, mẹ cũng vẫn duy trì thói quen tập thể dục thể thao theo chỉ dẫn của bác sĩ.
2. Tìm hiểu tiền sản giật
Khi mang thai tuần thứ 28 các mẹ nhất thiết phải thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán các bệnh thường gặp khi mang thai đặc biệt là tiền sản giật.
Một người được chẩn đoán mắc tiền sản giật nếu huyết áp quá cao sau tuần thứ 20 của thai kỳ kèm theo đó là lượng protein trong nước tiểu tăng cao hoặc bị phù nhiều. Tiền sản giật có một vài triệu chứng nhẹ gần ngày sinh nở nhưng lại rất nguy hiểm nếu bệnh trở nặng, bệnh có thể ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé.
Khi có những dấu hiệu sau đây mẹ cần phải đi gặp bác sĩ ngay đề phòng tiền sản giật:
- Phù nề ở mặt hoặc bọng mắt xuất hiện, phù nề xuất hiện ở bàn tay, chân hoặc mắt cá chân nghiêm trọng.
- Tăng cân nhanh chóng từ 1,5kg đến hơn 2kg/ tuần
- Đau đầu dữ dội hoặc dai dẳng
- Thị lực thay đổi, nhìn kém hơn hoặc quá nhạy cảm với ánh sáng.
- Buồn nôn và ói mửa
Tiền sản giật đôi khi không thể hiện ra qua những dấu hiệu nhận biết. Mẹ nên khám thai định kỳ để có thể phát hiện sớm và có những biện pháp khắc phục kịp thời.
3. Dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai tuần thứ 28 cũng rất quan trọng, giai đoạn này bé phát triển tổng quan và đặc biệt là hệ thần kinh nên mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
- Mẹ nên nạp cho mình thêm nhiều thực phẩm có nhiều chất xơ để khắc phục tình trạng táo bón.
- Bổ sung thêm các thực phẩm nhiều acid folic và vitamin để tạo máu phòng tránh thiếu máu khi mang bầu.
- Mẹ nên bổ sung nhiều rau củ quả như cải bó xôi, đậu bắp, súp lơ…Các thực phẩm lợi tiểu, tiêu phù như dưa hấu, đậu đỏ, hành tây, cần tây, bạc hà, dưa leo...
- Nên chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày để nạp đủ năng lượng cho cơ thể mẹ cũng như thai nhi.
Mẹ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết khi thai ở tuần 28
4. Khi nào cần đi gặp bác sĩ
Bất cứ những thay đổi bất thường nào về cơ thể của mẹ và thai nhi mẹ đều có thể đi gặp bác sĩ sản khoa để tìm cách xử lý. Khi có những dấu hiệu sau đây mẹ nên đi gặp bác sĩ ngay:
- Phù nề quá nghiêm trọng kèm theo đau đầu quá mức.
- Đau bụng dưới
- Ra máu bất thường
- Không thấy thai nhi chuyển động
Khi thai bước vào tuần thứ 28 mẹ hãy chuẩn bị tâm lý sinh cũng như chuẩn bị đồ sinh đầy đủ. Mọi vấn đề bất thường về thai nhi mẹ cần đi gặp bác sĩ ngay để có những cách xử lý tốt nhất.