Thai nhi 7 tuần tuổi: Cân nặng tăng gấp đôi

Ngày 11/06/2018 08:00 AM (GMT+7)

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thai nhi 7 tuần tuổi vẫn được coi là một phôi thai và có thêm sự xuất hiện của một cái đuôi nhỏ.

Thai nhi 7 tuần tuổi: Cân nặng tăng gấp đôi - 1

Tác giả bài viết: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. 

Thai nhi 7 tuần tuổi phát triển ra sao?

Ở tuần thai này, bàn tay và bàn chân thai nhi tiếp tục nhô ra từ cánh tay và cẳng chân. Về cơ bản, em bé của bạn vẫn được coi là một phôi thai và có thêm sự xuất hiện của một cái đuôi nhỏ - đó là phần mở rộng của xương cụt của bé. Đuôi này sẽ biến mất trong vòng vài tuần tới.

Thai nhi 7 tuần tuổi: Cân nặng tăng gấp đôi - 2

Thai nhi 7 tuần tuổi đã tăng gấp đôi kích thước so với tuần trước.

Thai nhi 7 tuần tuổi đã tăng gấp đôi kích thước so với tuần trước, hiện tại, bé dài hơn 1cm và có kích thước bằng khoảng quả việt quất.

Nếu có thể nhìn thấy được bên trong tử cung, bạn sẽ thấy nếp gấp mí mắt đang che một phần mắt của bé, có thể thấy màu mắt cũng như chóp mũi và tĩnh mạch nhỏ dưới lớp da mỏng manh. Cả hai bán cầu não của thai nhi đều đang phát triển, và gan đang tạo ra tế bào hồng cầu cho đến khi tủy xương hình thành và đảm nhận vai trò này. Ruột thừa và tuyến tụy cũng hình thành. Một đoạn ruột của bé phát triển thành dây rốn, có mạch máu riêng biệt giúp trao đổi oxy và chất dinh dưỡng nuôi bé trong 9 tháng nằm trong bụng mẹ.

Xem video: Những dấu hiệu có thai sớm nhất

Thai nhi 7 tuần tuổi: Cân nặng tăng gấp đôi - 3

Cuộc sống mẹ bầu 7 tuần thay đổi như thế nào?

Tử cung của bạn đã tăng gấp đôi kích thước trong 5 tuần qua, và cảm thấy thích ăn vặt hoặc cũng có thể tệ hơn là các triệu chứng ốm nghén xuất hiện. Nếu bạn vẫn cảm thấy mình ổn, đừng lo lắng vì không phải mẹ bầu nào cũng bị ốm nghén.

Bà bầu cũng có thể đi tiểu nhiều hơn so với bình thường. Khối lượng máu ngày càng tăng cộng với một lượng lớn chất lỏng được lọc qua thận chính là nguyên nhân gây ra điều này. Bây giờ, lượng máu trong cơ thể mẹ bầu đã tăng lên hơn 10% so với trước khi mang thai. Và vào cuối thai kỳ, bạn sẽ có thêm 40-45% máu trong cơ thể để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà bầu và thai nhi. Khi tử cung phát triển, áp lực đè ép lên bàng quang sẽ khiến bạn phải “hỏi thăm” nhà vệ sinh nhiều hơn.

Khoảng ½ số phụ nữ mang thai buồn nôn trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ hết khi thai nhi được 13-14 tuần tuổi. Một số còn lại sẽ mất thêm một vài tháng hoặc lâu hơn mới hết cảm giác buồn nôn.

Kiến thức cho mẹ: Khám thai lần đầu tiên

Tuần tới là thời điểm hoàn hảo để “đặt lịch” với bác sĩ sản khoa hoặc chuyên gia y tế để có lần xét nghiệm, khám thai đầu tiên. Mẹ nên có kế hoạch chăm sóc tiền sản tốt sẽ giúp bé có một khởi đầu lành mạnh trong cuộc sống.

Thai nhi 7 tuần tuổi: Cân nặng tăng gấp đôi - 4

Mẹ nên đi khám thai lần đầu vào khoảng tuần thứ 6-8 thai kỳ. (ảnh minh họa)

Cần chuẩn bị gì cho lần khám thai đầu tiên?

Hãy viết ra tất cả các câu hỏi của bạn và mang theo để nhận được lời khuyên đúng. Đề cập đến tất cả mọi thứ mà bạn đang cảm thấy băn khoăn, thắc mắc.

Mang theo danh sách tất cả các loại thuốc đang sử dụng (cả thuốc kê đơn và không kê đơn) để bác sĩ có thể giúp bạn xem thuốc nào an toàn, thuốc nào không an toàn cho phụ nữ mang thai.

Xem lịch và ghi lại ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Bác sĩ sẽ sử dụng ngày này để tính ngày dự sinh cho bạn một cách chính xác nhất. Đừng lo lắng nếu bạn không nhớ ngày kinh nguyệt hoặc có chu kỳ kinh nguyệt bất thường. Bác sĩ sẽ siêu âm thai và xác định ngày dự sinh cho bạn. Mẹ bầu cũng có thể tham khảo cách tính ngày dự sinh tại đây

Cân nhắc xem bạn có muốn làm bất kỳ xét nghiệm tiền sản nào để xác định nguy cơ nhiễm sắc thể hoặc các vấn đề về di truyền của bé hay không. Nếu bạn không có xét nghiệm di truyền trước khi mang thai, thì đây là thời điểm bạn nên hỏi bác sĩ để lên kế hoạch thực hiện. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trực tiếp nơi bạn khám về những xét nghiệm này, đặc biệt là với những người mang bầu qua tuổi 35.

Điều gì xảy ra trong lần khám thai đầu tiên?

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi bạn cảm thấy sức khỏe thể chất và tinh thần thế nào, nếu bạn cảm thấy điều gì khác lạ hay bất an, thắc mắc nào thì hãy chia sẻ ngay lập tức.

Mục đích của các lần khám thai là để xác định xem thai kỳ của bạn như thế nào, có khỏe mạnh không… và bác sĩ sẽ cung cấp thêm các thông tin cũng như dịch vụ cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé tốt nhất.  Trong mỗi lần khám thai, mẹ bầu sẽ được kiểm tra cân nặng, huyết áp, nước tiểu, hoặc có thể siêu âm thai và xác định vị trí cũng như nhịp tim thai nhi. Việc khám thai theo lịch định kỳ sẽ giúp bác sĩ theo dõi chặt chẽ mọi biến chứng và có những can thiệp kịp thời nếu cần.

Thai nhi 7 tuần tuổi: Cân nặng tăng gấp đôi - 5

Có nên đi khám thai cùng với chồng?

Điều này là tùy ở bạn. Nhiều cặp đôi chia sẻ rằng, tình cảm và sự gắn bó của họ và đặc biệt với em bé trong bụng gắn kết hơn trong những lần đi khám thai với nhau, đặc biệt là ở những mốc then chốt như lần khám đầu tiên. Phần đa số phụ nữ mang thai đều muốn người chồng sẽ cùng đi ít nhất một lần với họ khi khám thai.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 7: Ghi lại nhật ký mang bầu

Ngay từ những tháng đầu mang thai này, mẹ nên ghi lại nhật ký mang bầu về sự thay đổi từng tuần thai cũng như những cảm xúc của mình.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể ghi lại nhật ký mang thai bằng hình ảnh tự chụp để xem sự phát triển của bụng bầu theo từng tuần và có những hình ảnh lưu niệm đẹp về thai kỳ.

Thai nhi 8 tuần tuổi: Đuôi dần biến mất
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, điểm mới ở sự phát triển của thai nhi 8 tuần tuổi là ngón tay và ngón chân có màng; đồng thời ống thở mở rộng...

Thai nhi 8 tuần tuổi

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung (Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sự phát triển thai nhi