Thay đổi 'chóng mặt' 9 tháng mang bầu

Ngày 19/10/2013 16:00 PM (GMT+7)

Có nhiều thay đổi ở ngoại hình mà mẹ bầu không ngờ tới trong suốt hơn 280 ngày dài mang thai.

Từ lúc trứng thụ tinh cho đến những ngày cuối thai kỳ, cơ thể mẹ trải qua nhiều biến đổi để thích nghi và tạo môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của thai nhi. Có những biến đổi mẹ khó nhận biết từ bên trong cơ thể, nhưng cũng có nhiều khác lạ biểu hiện ở ngoại hình, mà không phải thay đổi nào cũng dễ chịu và dễ được mẹ bầu vui vẻ chấp nhận...

3 tháng đầu thai kỳ: Vòng eo “bánh mì”

Ngoài những triệu chứng đặc thù cực khó chịu của những ngày đầu mang thai như mệt mỏi, chóng mặt, ốm nghén, ợ nóng, thay đổi cảm xúc thất thường v.v…, mẹ bầu còn phải đối diện với những thay đổi rất “phiền lòng” ở ngoại hình. Có những biến đổi khá phổ biến về bề ngoài ở giai đoạn này như sau:

- Giã biệt vòng eo “con kiến”. Tạm biệt chiếc eo thon mà bạn từng tự hào trước đó, vòng eo của mẹ bầu sẽ dần thay đổi theo sự tăng trưởng kích thước của bé và tử cung. Đến cuối tháng thứ 3, có thể bạn sẽ nhận thấy vùng bụng của mình đã to lên, vì tử cung phát triển ra khỏi vùng hố chậu.

Thay đổi #039;chóng mặt#039; 9 tháng mang bầu - 1
Đến cuối tháng thứ 3 là lúc bạn nên sắm đồ bầu, vì có thể các trang phục trước đó sẽ không còn vừa vặn do bụng đã bắt đầu to thấy rõ (hình minh họa)

Sự xuất hiện của các đường tĩnh mạch. Các tĩnh mạch màu xanh có thể xuất hiện rõ ở vùng bụng, ngực, chân và thậm chí tỏa ra thành những đường dài như mạng nhện ở cả trên mặt, cổ hoặc cánh tay. Nguyên nhân là do lượng máu trong cơ thể bạn gia tăng, tim phải hoạt động mạnh hơn làm giãn các mạch máu để đáp ứng được nhu cầu máu, oxy và dinh dưỡng của cả 2 mẹ con.

Da khác trước. Làn da của bạn có thể sẽ sáng và hồng hào hơn do gia tăng tuần hoàn máu trong cơ thể. Tuy nhiên, cũng có khi những hormone mang thai sẽ gây ra nhiều vấn đề không mong muốn cho làn da, cụ thể tăng lượng dầu làm da bạn bóng nhờn, nổi mụn trứng cá, xuất hiện các vết thâm, nám v.v…

- Ngực to và nặng nề hơn. Điều này hầu như xảy ra rất sớm, ngay khi bạn biết mình thụ thai. Lúc này 2 bầu vú của bạn sẽ to, nặng và mềm hơn do tác động của nội tiết tố estrogen và progesterone. Lớp mỡ dưới vú dày thêm, các ống tiết sữa mới cũng bắt đầu phát triển chuẩn bị cung cấp sữa cho em bé sau này. Quầng vú trở nên sẫm hơn và lấm tấm các mụn nhỏ gọi là hạt Montgomery. Bạn cũng có thể cảm thấy ngực đau, sưng lên và rất nhạy cảm với các va chạm.

- Thay đổi ở âm đạo. Niêm mạc âm đạo trở nên dày hơn và ít nhạy cảm. Máu cung cấp cho âm hộ và âm đạo tăng nhanh làm cho chúng trở nên tím nhạt. Vách âm đạo mềm và dãn hơn, tiết ra nhiều chất nhờn.

3 tháng giữa thai kỳ: Tóc dày bóng mượt

Thay đổi #039;chóng mặt#039; 9 tháng mang bầu - 2
Diện mạo bạn sẽ tươi sáng nhất trong 3 tháng này so với tam cá nguyệt thứ nhất và 3 tháng sau cùng của thai kỳ (hình minh họa)

Đây là thời gian phôi thai đã định hình rõ ràng, và có thể những khó chịu ở giai đoạn đầu thai kỳ sẽ biến mất. 3 tháng giữa được xem là giai đoạn dễ chịu nhất trong toàn bộ quá trình thai nghén, và cũng là tháng có nhiều thay đổi rõ rệt ở vùng bụng cũng như trọng lượng cơ thể. Bụng bạn đã to ra và bạn trông rõ là 1 bà bầu. Trong khi đó, trọng lượng tăng khoảng 6 kg trong 3 tháng nên cơ thể bạn sẽ to và mập ra. Song song đó, còn có những biến đổi khác trên cơ thể:

- Ngực tiếp tục to ra. Ngực bạn sẽ tiếp tục phát triển để chuẩn bị sữa cho bé sau này. Một chất lỏng màu vàng nhiều dưỡng chất được gọi là sữa non sẽ có thể chảy ra từ núm vú trong giai đoạn này. Núm vú cũng sẽ sậm màu hơn, điểm nhiều sắc tố, thường gây ngứa và đau nhức. Các tĩnh mạch bên ngoài hiện rõ trên da.

- Xuất hiện những vết rạn đầu tiên. Bụng bạn ngày càng to ra, kéo theo các vết rạn da ở vùng bụng, ngực, đùi và mông cũng bắt đầu hiện rõ. Nguyên nhân là do kích thước các khu vực này tăng quá nhanh khi mang thai khiến da không thể dãn ra kịp, các sợi đàn hồi collagen và elastin không được chuẩn bị để thích ứng kịp thời nên xảy ra tình trạng đứt gãy. Các vết đứt gãy này ban đầu sẽ tạo ra vết rạn nứt màu đỏ nâu do mạch máu dưới da bị tổn thương, sau sinh sẽ chuyển dần thành thẹo màu trắng.

- Có “bọng” ở tay, chân và mặt. Do cơ thể giữ nước làm chậm tuần hoàn máu, nên có 1 số bà bầu bị sưng vùng cổ chân, tay và mặt ngay từ tam cá nguyệt thứ hai, dù thông thường triệu chứng này hay xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ.

Thay đổi #039;chóng mặt#039; 9 tháng mang bầu - 3
1 đường sẫm màu từ giữa bụng xuống vùng lông mu được gọi là Linea Nigra bắt đầu xuất hiện (hình minh họa)

- Đường Linea Nigra. 1 đường sẫm màu phát triển từ trung tâm bụng xuống dưới vùng lông mu được gọi là Linea Nigra bắt đầu xuất hiện trong thời gian này, và sẽ nhạt dần rồi biến mất sau khi bạn sinh bé 1 thời gian.

- Da và tóc bóng mượt. Khi lá nhau bắt đầu sản xuất nội tiết tố thì nồng độ các nội tiết tố trong cơ thể được cân bằng. Nhờ đó mà diện mạo bạn sẽ tươi hơn với bộ tóc dày, mượt và da sáng hơn.

3 tháng cuối thai kỳ: Nặng nề và mệt mỏi

Trọng lượng cơ thể tiếp tục tăng thêm khoảng 5kg, phần lớn là do sự phát triển của thai nhi , nhau thai, dịch ối, do sự tăng trưởng của tử cung, vú cũng như tăng thể tích máu và nước khiến mẹ bầu trông khá nặng nề, mệt mỏi so với các tháng trước. Ngoài ra, sẽ còn nhiều thay đổi  không  mấy dễ chịu khác:

- Ngực tiết sữa non. Nếu trong 3 tháng trước sữa non chưa xuất hiện sớm, thì trong tam cá nguyệt thứ ba này, vú bạn sẽ bắt đầu tiết sữa non. Đây là nguồn dinh dưỡng quý giá, dễ tiêu hóa cho bé sau khi sinh, trước khi đợi nguồn sữa mẹ.

- Bụng đạt kích thước tối đa. Trong giai đoạn này, nhất là vào tháng cuối của thai kỳ, bụng mẹ sẽ to ra rất nhiều do thai nhi tăng trưởng quá nhanh. Bụng quá căng còn làm cho rún lồi và sự gia tăng các sắc tố của đường thâm giữa bụng (đường Linea Nigra) khiến bụng bạn trông có vẻ càng phình to.

Thay đổi #039;chóng mặt#039; 9 tháng mang bầu - 4
Bụng đạt kích thước tối đa làm mẹ bầu nặng nề và di chuyển khó khăn hơn (hình minh họa)

- Chứng phù trở nên nặng nề hơn. Chân, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay và khuôn mặt của bạn có thể sẽ ngày càng phù và trong như bị ứ nước, đặc biệt là vào những ngày cuối cùng của kỳ thai nghén. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do lượng nước ở các mô tăng lên quá nhiều, hoặc do nội tiết tố trong thai kỳ làm cho thận ứ Natri, từ đó gây ứ nước trong cơ thể. Ngoài ra, có thể do sự lưu thông máu bị chậm lại, hay mẹ bầu đứng quá lâu, nhất là khi trời nóng, làm cho chất lỏng tụ lại ở cổ chân.

Cao huyết áp thai kỳ cũng là tác nhân gây nên tình trạng này, vì sẽ đưa dịch từ máu vào mô gây phù. Nếu bị phù do cao huyết áp, kèm biểu hiện đau đầu, mờ mắt, chóng mặt, đau bụng, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay, vì có thể đây là dấu hiệu của 1 tình trạng nguy hiểm gọi là tiền sản giật.

- Các vết rạn xuất hiện nhiều hơn. Nếu may mắn chưa bị rạn da vào 3 tháng trước, rất có thể những tháng cuối cùng này bạn sẽ phải đối mặt các vết rạn xấu xí, vì đây là vấn đề xảy ra ở hầu hết thai phụ. Thai nhi ngày càng to, dẫn đến bụng ngày càng phải căng ra và vết rạn da vì vậy sẽ trầm trọng hơn. Cách tốt nhất để hạn chế rạn da là giữ cho cơ thể không mất nước và chăm sóc da bằng 1 loại kem giữ ẩm an toàn.

Q. Như
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác