Kinh nguyệt ra nhiều và những điều chị em nên biết

Ngày 28/11/2018 16:10 PM (GMT+7)

Theo Ths.BS Trịnh Thị Thúy, trong một chu kì kinh nguyệt, lượng máu kinh ở một người phụ nữ bình thường sẽ giao động từ 50g – 100g. Nếu lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường gọi là cường kinh.

Kinh nguyệt ra nhiều và những điều chị em nên biết - 1

Tác giả bài viết: Ths.BS Trịnh Thị Thúy – Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Kinh nguyệt ra nhiều và những điều chị em nên biết - 2

Ths.BS Trịnh Thị Thúy – Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Vậy kinh nguyệt ra nhiều là gì? các dấu hiệu nhận biết hiện tượng này là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng chuyên gia tìm hiểu ngay sau đây.

Kinh nguyệt ra nhiều là gì?

Cường kinh (kinh nguyệt ra nhiều) là một rối loạn kinh nguyệt thường gặp. Năm 2007, Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị, Vương quốc Anh (NICE-UK: National Institute for Health and Care Excellence) định nghĩa “Cường kinh hay chảy máu kinh nặng là lượng máu kinh mất nhiều, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, xã hội, chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Cường kinh có thể xảy ra đơn độc hay đi kèm với triệu chứng khác”.

Định nghĩa này sau đó cũng đã được Liên đoàn Sản Phụ khoa Thế giới (FIGO) chấp nhận vào năm 2011. Hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều lần trong tháng gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt cũng như trong công việc, học tập, nếu để lâu còn có thế dẫn đến thiếu máu thiếu sắt, do đó cần được can thiệp sớm.

Kinh nguyệt ra nhiều và những điều chị em nên biết - 3

Dấu hiệu nhận biết kinh nguyệt ra nhiều

Trên thực tế, rất khó xác định được chính xác lượng máu kinh. Thường chỉ đánh giá gián  tiếp dựa vào ảnh hưởng đến tổng trạng do mất máu nhiều của bệnh nhân bị cường kinh. Tuy nhiên, khi bị kinh nguyệt nhiều, cũng sẽ có một số dấu hiệu nhận biết như:

- Phải thay băng vệ sinh liên tục.

- Phải dậy thay băng vệ sinh liên tục vào lúc nửa đêm.

- Máu kinh chảy nhiều, liên tục, kinh nguyệt ra nhiều cục máu đông, kinh nguyệt ra nhiều máu cục.

- Có thể kèm theo rong kinh (số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày).

Nguyên nhân ra nhiều kinh nguyệt

- Hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như sau:

- Do mất cân bằng nội tiết tố nữ

Niêm mạc tử cung ở nửa sau của vòng kinh có phóng noãn (nghĩa là vòng kinh có tác dụng của cả estrogen và progesteron) có sự hình thành tiếp nối giữa các tiểu động mạch xoắn và tĩnh mạch ở kề bên.

Trước khi hành kinh, các tiếp nối động – tĩnh mạch này co giãn rồi vỡ ra, máu này là máu hỗn hợp của động – tĩnh mạch nên có màu nâu. Ở những vòng kinh không phóng noãn, tức là vòng kinh chỉ có tác dụng của estrogen mà không có tác dụng của progesteron, tiếp nối động tĩnh mạch không diễn ra, máu khi hành kinh là do phình vỡ các tiểu động mạch xoắn, do đó, kinh nguyệt ra nhiều hơn và máu kinh có màu đỏ tươi.

Trong những năm đầu của tuổi dậy thì và trong thời kỳ tiền mãn kinh thường xuất hiện cường kinh. Vì ở giai đoạn này thường xảy ra những chu kỳ kinh không phóng noãn hoặc có phóng noãn nhưng hoàng thể kém hoạt động, gây nên tình trạng cường estrogen và thiếu progesteron một cách tương đối, do đó sự tiếp nối giữa các tiểu động mạch xoắn và tĩnh mạch ở lớp niêm mạc tử cung không diễn ra hoặc diễn ra không đồng bộ, niêm mạc tử cung tăng sinh dạng nang tuyến.

Các tuyến nội mạc tử cung phát triển quá mức, phình ra thành những nang nhỏ, có rất nhiều xoang tĩnh mạch trong niêm mạc. Các tuyến không chế tiết, không chứa glycogen và phát triển không đều. Khi estrogen tụt xuống, niêm mạc bong ra nhưng bong không đều, chỗ này bong, chỗ kia lại tái tạo, gây kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài.

Kinh nguyệt ra nhiều và những điều chị em nên biết - 4

Máu kinh chảy nhiều, liên tục, kinh nguyệt ra nhiều cục máu đông, kinh nguyệt ra nhiều máu cục là biểu hiện của chứng rối loạn kinh nguyệt (Ảnh minh họa)

Kinh nguyệt ra nhiều có thể là triệu chứng của một bệnh lý phụ khoa khác

Kinh nguyệt ra nhiều có thể là triệu chứng của một số bệnh lý phụ khoa như: viêm niêm mạc tử cung, u xơ tử cung - đặc biệt là u xơ tử cung dưới niêm mạc mặc dù kích thước nhỏ cũng có thể gây cường kinh.

Trong trường hợp tử cung to, xơ hóa toàn bộ cũng có thể gây cường kinh. Do tổ chức cơ tử cung bị giảm sút, được thay thế bằng tổ chức xơ, khi hành kinh, khả năng co bóp để cầm máu của tử cung kém đi, các mạch máu trong lớp cơ của tử cung không được co thắt lại, nên máu chảy nhiều và kéo dài.

Kinh nguyệt ra nhiều có thể là biểu hiện của một bệnh lý toàn thân khác

Những bệnh lý gây rối loạn đông máu như:Hemophilia, viêm gan, suy gan… có thể gây hành kinh ra nhiều và kéo dài.

Những rối loạn vận mạch rối loạn chức năng thần kinh thực vật, làm cho các mạch máu ở niêm mạc tử cung co thắt không tốt, cũng gây cường kinh.

Cần phân biệt kinh nguyệt ra nhiều với những trường hợp chảy máu khác từ tử cung hoặc cổ tử cung, âm đạo mà không phải kinh nguyệt

- Băng huyết tử cung: băng huyết do sảy thai, thai trứng, polyp tử cung hoại tử, ung thư niêm mạc tử cung…

- Băng huyết từ cổ tử cung: polyp cổ tử cung hoại tử, ung thư cổ tử cung, viêm cổ tử cung, Condyloma cổ tử cung…

- Băng huyết do tổn thương âm đạo: ung thư âm đạo, chấn thương âm đạo, viêm loét âm đạo…

Kinh nguyệt ra nhiều và những điều chị em nên biết - 5

Với nhiều chị em, kinh nguyệt ra nhiều có thể là biểu hiện của một bệnh lý toàn thân khác (Ảnh minh họa)

Kinh nguyệt ra nhiều có sao không?

Kinh nguyệt ra nhiều nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra một số hậu quả nguy hiểm như:

- Cơ thể mệt mỏi, xanh xao do mất máu, thiếu máu. Thậm chí có thể khiến bạn bị hôn mê, bất tỉnh vì thiếu máu nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày,

- Khiến chị em dễ mắc các bệnh viêm nhiễm do phải dùng băng vệ sinh thường xuyên, kéo dài. Băng vệ sinh và máu là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Kinh nguyệt ra nhiều phải làm sao?

Mục tiêu là điều trị theo nguyên nhân. Trước khi điều trị cường kinh, bệnh nhân cần được khám toàn thân và khám phụ khoa, xác định rõ nguyên nhân cường kinh, mức độ ảnh hưởng của kinh nguyệt ra nhiều đến sức khỏe. Cần loại trừ những nguyên nhân do ung thư và những trường hợp ra máu âm đạo bất thường không phải là kinh nguyệt.

- Nếu kinh nguyệt ra nhiều do nguyên nhân rối loạn nội tiết, cần được nạo buồng tử cung bằng thuốc hoặc bằng dụng cụ, kết hợp sử dụng chu kỳ kinh nhân tạo.

- Nếu do viêm niêm mạc tử cung: điều trị viêm

- Nếu do u xơ tử cung dưới niêm mạc, xơ hóa tử cung, có thể cân nhắc phẫu thuật cắt tử cung

- Nếu do các bệnh nội khoa như rối loạn đông máu, rối loạn chức năng gan hay rối loạn vận mạch cần điều trị các bệnh nội khoa, nếu không hiệu quả, cân nhắc phẫu thuật cắt tử cung.

Kinh nguyệt ra nhiều và những điều chị em nên biết - 6

Để điều trị kinh nguyệt ra nhiều cần xác định nguyên nhân, từ đó có hướng can thiệp phù hợp (Ảnh minh họa)

Cách phòng tránh ra nhiều kinh nguyệt

Để phòng tránh và hạn chế tình trạng này, bạn nên:

- Có chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc; ăn nhiều hoa quả, chất xơ; hạn chế ăn các đồ lạnh hoặc chất béo (vì chất béo làm tăng lượng estrogen trong cơ thể).

- Tránh làm việc quá sức hoặc vận động quá mạnh. Nên tập thể dục nhẹ nhàng (tập yoga) để điều hòa lượng kinh nguyệt của cơ thể.

- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên mỗi khi hành kinh để tránh các mắc bệnh phụ khoa.

- Không tự ý sử dụng hoặc lạm dụng các loại thuốc nội tiết sinhh dục.

Nếu có bất thường về số lượng máu kinh hay thời gian hành kinh, chị em cần đến ngay các cơ sở y tế hoặc phòng khám phụ khoa uy tín để được các bác sĩ khám phụ khoa khám bệnh, chẩn đoán, xác định rõ nguyên nhân và được điều trị kịp thời.

Kinh nguyệt ra ít: 4 nguyên nhân tiềm ẩn chị em phải biết
Ths.BS Trịnh Thị Thúy cho biết, kinh nguyệt ra ít là một trong những rối loạn kinh nguyệt thường gặp, có thể mắc phải ở bất kì độ tuổi nào. Song không...

Kinh nguyệt

Ths.BS Trịnh Thị Thúy – Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh nguyệt