Mẹ đừng buồn nếu sau sinh "vùng kín" có bị giãn nở hoặc đau nhức quá mức.
Bên cạnh niềm hạnh phúc được đón thiên thần bé nhỏ chào đời, mẹ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi không chỉ cuộc sống bên ngoài mà cả những "biến động" trong cơ thể đặc biệt là "vùng kín". Chị em đừng quá thất vọng nếu nhận thấy những thay đổi như âm đạo bị giãn rộng, khô âm đạo hay đau nhức tầng sinh môn... sau sinh.
Hãy chuẩn bị tâm lý để đối mặt và học cách nhanh chóng vượt qua để trọn vẹn với niềm vui đón con yêu chào đời.
Âm đạo bị giãn rộng
Theo Tiến sĩ Suzy Elneil, chuyên gia tư vấn sản khoa tại Bệnh viện Đại học College, London, âm đạo của chị em có thể trông rộng hơn sau khi sinh con, đặc biệt là phương pháp sinh thường. Đồng thời, chị em cũng sẽ cảm thấy "cô bé" đậm màu hơn và có cảm giác sưng, phù nề, kém sắc. Điều này là hoàn toàn bình thường, hiện tượng sưng, phù nề sẽ giảm sau khi sinh một vài tuần tới.
Âm đạo của bạn có thể sẽ không trở lại hình dạng và màu sắc ban đầu như trước khi sinh, nhưng điều này không phải là vấn đề quá to tát. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy nói chuyện với bác sỹ để được tư vấn hoặc thăm khám.
Tiến sĩ Elneil khuyên chị em có thể tập bài tập Kegel để làm săn chắc cơ âm đạo và cơ xương chậu của bạn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng tiểu không tự chủ và giúp âm đạo của bạn khít khao hơn.
Khô âm đạo
Đa phần chị em sẽ bị khô âm đạo sau sinh con, điều này có liên quan đến việc sụt giảm nồng độ hormone estrogen trong cơ thể sau khi sinh. Nếu bạn cho con bú, nồng độ estrogen lại càng sụt giảm thấp hơn và tình trạng "khô" càng trở nên trầm trọng. Tình trạng này sẽ chỉ được cải thiện khi bạn ngừng cho con bú và cơ thể duy trì nồng độ estrogen trở lại như mức ban đầu, trước khi mang thai.
Nếu tình trạng "khô âm đạo ảnh hưởng quá nhiều tới đời sống tình dục của các bà mẹ trẻ, bạn có thể xin ý kiến tư vấn của bác sỹ để dùng thêm biện pháp hỗ trợ.
Bạn cũng cần chia sẻ điều này với ông xã của mình để anh ấy chú ý hơn trong khúc dạo đầu cũng như trong suốt cuộc "yêu" của cả 2.
Sau sinh, có thể chị em sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó nói. (ảnh minh họa)
Đau nhức tầng sinh môn
Theo tiến sĩ Elneil, các khu vực xung quanh âm đạo của các mẹ có thể cảm thấy đau đớn, căng tức ngay sau khi sinh con. Đặc biệt là khu vực tầng sinh môn, nếu bạn bị rạch và sau đó bị khâu lại vùng da này khi sinh thường. Nếu cảm thấy quá đau ở khu vực này sau khi sinh, bạn có thể nhờ bác sỹ kê thuốc giảm đau để giảm bớt cơn đau. Nhưng nếu bạn đang cho con bú, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để chọn loại thuốc không ảnh hưởng đến việc cho bé bú.
Điều quan trọng nhất mà các mẹ nên làm là giữ cho "vùng kín" sạch sẽ để nó mau liền và tránh viêm nhiễm. Hãy ghi nhớ, luôn luôn rửa tay trước và sau khi thay băng vệ sinh và chắc chắn rằng bạn thay đổi chúng sau 4 đến 6 giờ hoặc sớm hơn nếu máu kinh ra nhiều. Bạn có thể dùng vòi hoa sen để làm sạch khu vực tầng sinh môn và các bộ phận xung quanh mỗi ngày.
Nếu vết khâu của bạn trở nên sưng, đau, căng tức hoặc xuất hiện mùi khó chịu ở âm đạo, hãy liên hệ với bác sỹ phụ khoa của bạn càng sớm càng tốt. Vết đau tầng sinh môn sẽ giảm dần trong vòng 6-12 tuần sau khi sinh. Nếu các mẹ chăm tập bài tập Kegel, tình trạng này có thể giảm nhanh hơn.
"Chuyện ấy" thật khó...
Không có quy định cụ thể nào về thời gian vợ chồng bạn có thể bắt đầu quan hệ tình dục lại sau khi sinh con. Tuy nhiên, bạn không nên quá vội vã vì khi cơ thể chưa thực sự phục hồi, chị em sẽ phải chịu những cơn đau đớn khi quan hệ tình dục.
Bị đau trong lần quan hệ tình dục đầu tiên sau sinh hoàn toàn là chuyện bình thường. Vì lúc này, bạn vừa muốn lo cho con, vừa cảm thấy vô cùng mệt mỏi sau lần "vượt cạn". Bạn cần chia sẻ với chồng để anh ấy hiểu và thông cảm cho tình trạng sức khỏe của bạn thay vì tránh né "chuyện ấy". Vì bạn càng tránh né càng khiến anh ấy cảm thấy ức chế và bực bội.
Sau khi nghỉ ngơi từ 6 đến 8 tuần, vợ chồng bạn có thể bắt đầu quan hệ tình dục. Các ông chồng cần hết sức nhẹ nhàng và dành nhiều thời gian hơn cho mà dạo đầu. Nếu chị em vẫn bị khô âm đạo, hoặc đau khi quan hệ, hãy thử dùng chất bôi trơn để giảm cảm giác đau đớn này.
Nếu bạn vẫn có cảm giác khó chịu xung quanh khu vực tầng sinh môn sau 6 đến 12 tuần sau sinh, hãy nhờ bác sỹ giúp đỡ.