Trà Kombucha vốn được biết đến là mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, tuy nhiên với phụ nữ đang mang thai thì việc uống trà Kombucha có an toàn không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp câu hỏi này cho các chị em.
Trà Kombucha là gì?
Trà Kombucha là một loại đồ uống lên men đã có từ hàng ngàn năm nay, tuy nhiên gần đây nó đang trở nên phổ biến hơn, phần lớn là do những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại cho người sử dụng. Được tạo ra bằng cách lên men trà và đường trong môi trường nuôi sấy cộng sinh của vi khuẩn và nấm men (viết tắt là SCOBY), trà Kombucha có vị chua ngọt và có gas, chứa nhiều vitamin nhóm B và các axit amin.
Trà Kombucha là thức uống đang được ưa chuộng hiện nay.
Phụ nữ đang mang thai có nên uống trà Kombucha?
Rất tiếc, câu trả lời là không. Có 4 mối lo ngại tiềm ẩn trong loại đồ uống này, đó là: Cồn, caffein, axit, và khả năng nhiễm khuẩn.
Hàm lượng cồn: Tất cả các loại trà Kombucha đều có chứa một lượng cồn nhất định, ngay cả loại không cồn cũng có ít nhất là 0.5% cồn theo thể tích, hoặc khoảng 1/10 so với lượng cồn trong những loại bia thông thường. Lý do bởi cồn là sản phẩm phụ của quá trình lên men.
Ngoài ra, có khá nhiều loại trà Kombucha bán sẵn với hàm lượng cồn không thấp – từ 1-8% và con số này là khoảng 3% đối với loại trà Kombucha tự ủ tại nhà. Trong thời gian thai kỳ, các chị em nên tránh hoàn toàn việc tiêu thụ đồ uống có cồn, chính vì thế trà Kombucha không phải là một lựa chọn tốt.
Caffein: Trà Kombucha được làm từ trà đen hoặc trà xanh, với khoảng 25-50mg caffein trong 240g trà, tuy vậy trong quá trình lên men thì lượng caffein này có xu hướng giảm đi một chút. Các chuyên gia khuyên phụ nữ mang thai nên giảm lượng tiêu thụ caffein mỗi ngày xuống mức tối thiểu, vì vậy nếu tránh được thì chị em nên tránh nhé!
Có 4 mối lo ngại tiềm ẩn khi bà bầu uống trà Kombucha.
Tính axit: Sau khi lên men, trong trà Kombucha có axit axetic – đây chính là thành phần mang đến mùi và vị hơi giống giấm cho trà Kombucha. Tính axit của trà kombucha tương đương với soda, có thể làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng và dẫn đến bệnh sâu răng.
Khả năng nhiễm khuẩn: Một số nhà sản xuất đưa ra thị trường loại trà Kombucha thô (chưa tiệt trùng) – có thể bị nhiễm nấm hoặc vi khuẩn xấu. Tốt nhất chị em đang mang thai nên tránh dùng trà Kombucha sống, đặc biệt là loại tự ủ tại nhà.
Các chuyên gia khuyên phụ nữ có thai tránh dùng một số loại thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt sống và tái, các loại phô mai chưa tiệt trùng, cá sống, và trứng lòng đào do nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.
Một số nhà sản xuất sử dụng nhiệt hoặc hóa chất để dừng quá trình lên men khi làm trà Kombucha. Điều này giết chết vi khuẩn và nấm men, đồng thời tạo ngăn chặn việc tạo ra quá nhiều cồn hoặc axit acetic. Tùy thuộc vào nhãn hiệu, trà Kombucha có thể được tiệt trùng nhanh hoặc bảo quản bằng kali sorbat hoặc natri benzoat. Những loại trà Kombucha này sẽ an toàn hơn khi uống.
Tóm lại, trà Kombucha có tốt không?
Kombucha được làm từ trà nên có chứa chất chống oxy hóa và nhiều loại khoáng chất. Nó cũng chứa nhiều loại men vi sinh hoặc vi khuẩn sống tốt, hỗ trợ hoạt động đường ruột hiệu quả hơn. Tuy vậy, không có nhiều nghiên cứu về lợi ích tổng thể của trà Kombucha đối với sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung men vi sinh bằng cách ăn các loại thực phẩm như kefir hoặc sữa chua có chứa vi khuẩn sống hoặc một số loại thực phẩm lên men khác như dưa muối, kim chi.
Như vậy, với khá nhiều điểm đáng cân nhắc, có lẽ tốt nhất là bạn không tiêu thụ trà Kombucha trong suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên nếu vẫn còn chưa chắc chắn lắm, hãy trao đổi thêm với bác sĩ sản khoa của bạn về những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc uống trà Kombucha. Nếu vẫn quyết định sử dụng loại đồ uống này, hãy tránh các phiên bản thô và nhiều cồn, đồng thời lưu ý đến hàm lượng caffein bạn nhé!