Shawna Young bị chẩn đoán có một khối u to bằng quả bóng golf khi đang mang thai
Vào tuần mang thai thứ 5, một sáng thức dậy, tôi nhận ra phần mặt bên trái của mình tê lại. Tôi có một buổi khám tiền sản trong ngày hôm đó, và khi nói chuyện này với bác sĩ, cô ấy cho rằng tôi bị chứng liệt nửa mặt.
Tôi đã dành thời gian tra cứu về chứng bệnh này trên mạng, và nhận ra nó sẽ khiến cơ mặt bạn xệ xuống. Lúc đó tôi nghĩ: “Lạy Chúa, từ giờ mình sẽ phải thức dậy vào mỗi sáng với một bên mặt chảy xệ". Nhưng điều đó đã không xảy đến.
Đang lúc mang bầu bé thứ 2 thì tôi phát hiện mình bị ung thư. (Ảnh minh họa)
Hồi đó là vào năm 2005, tôi vẫn đang là sinh viên năm 3, theo học ngành giáo dục tiểu học ở trường Đại học Indianapolis. Tôi cũng vừa mới chuyển ra một căn hộ ngoài khuôn viên trường. Tôi đã có một đứa con gái 3 tuổi, và dự định sẽ sinh thêm đứa thứ 2 với hôn phu (nay là chồng) của mình. Tôi vừa đi dạy học vừa chuẩn bị cho đứa con sắp lọt lòng. Và cho đến trước thời điểm đi gặp bác sĩ, đây vẫn là khoảng thời gian tương đối thoải mái trong đời tôi.
Kết quả chẩn đoán
Vào tầm 2 tháng rưỡi sau đó, tôi bị bất tỉnh và bị chuyển đến phòng cấp cứu. Các bác sĩ chụp cắt lớp để kiểm tra xem tôi có bị tràn dịch tủy sống hay không. Và khi không thấy có dấu hiệu trên, họ khuyên tôi đi gặp bác sĩ thần kinh, chụp cộng hưởng từ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Không thể chắc chắn nổi bệnh tình của tôi sẽ ra sao – trước đó tôi bị chấn đoán liệt một bên mặt, tức là nó chỉ ảnh hưởng đến phần mặt, vì thế việc bị bất tỉnh có vẻ không được hợp lý cho lắm. Vì thế tôi tiếp tục đi gặp bác sĩ thần kinh để chụp cộng hưởng từ. Vài ngày sau, cô ấy gọi điện hỏi tôi có thể đến văn phòng của cô để trao đổi về kết quả khám được không.
Tôi đáp lại rằng mình có giờ lên lớp và cố gắng thảo luận với cô ấy ngay trên điện thoại, nhưng cô ấy kiên quyết buộc tôi phải đến. Lúc đó, tôi không nghĩ rằng mọi thứ lại nghiêm trọng đến thế.
Tại buổi hẹn, cô ấy cho biết tôi bị một khối u màng não – một loại u hình thành ở phần màng xung quanh não và tủy sống - ở phần não bên trái của mình. Nó có kích cỡ bằng một quả bóng chơi gôn.
Một khối u màng não khá lớn được phát hiện.
Cô ấy nói rằng đây là loại u lành tính, nhưng cô không chắc chắn về điều này cho đến khi các bác sĩ mổ não vào đưa khối u này ra khỏi đầu tôi. Hàng loạt cảm xúc lẫn lộn, nặng nề ập lấy tôi cùng một lúc. Tôi cảm thấy lo sợ cho đứa bé, cho bản thân, cho gia đình. Nhưng tôi biết mình phải mạnh mẽ vì họ. Tôi cũng thấy giận dữ và thất vọng vì mình đã bị chẩn đoán sai. Tôi đã có thể, không, đã nên, được điều trị khối u trong đầu mình từ cách đây 2 tháng rưỡi rồi. Giờ thì sao đây?
Loại bỏ khối u
Do kích thước của khối u, phẫu thuật là lựa chọn duy nhất. Kế hoạch ban đầu là để tôi đẻ con trước, rồi sẽ lên lịch phẫu thuật sau khi đã phục hồi. Khi mang thai, bạn phải đặc biệt cẩn thận để tránh xảy ra biến chứng. Thời điểm đó, tôi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc thai kỳ. Trước khi có khối u, tôi dự định sẽ tự đẻ - nhưng bên sản phụ khoa đã khuyên tôi nên đẻ mổ để tránh làm rụng khối u trong quá trình sinh. Ngoài lời khuyên đi đẻ mổ, tôi không bị khuyến cáo bất cứ điều gì khác trong thời gian kiểm tra khối u.
Tôi đã sinh một bé gái vào ngày 5 tháng 7 năm 2005, và tiến hành phẫu thuật vào ngày thứ Hai sau lễ Tạ Ơn vào cùng năm đó.
Ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng. Tôi không nhớ có những ai ở đấy. Nhưng tôi biết bác sĩ phẫu thuật thường có hẳn một ê-kíp làm việc cùng. Họ chỉ phải cạo một phần trên đầu nhỏ bằng lòng bàn tay, ngay trên tai trái của tôi.
Khi phẫu thuật, bác sĩ chỉ có thể loại bỏ 90 phần trăm khối u – phần còn lại quá gần não để loại bỏ một cách an toàn mà không làm tổn thương não. Khối u cuối cùng đã trở nên vô hại, và tôi không phải trải qua bất kỳ ca hóa trị hay xạ trị nào sau đó.
Tuy nhiên, loại bỏ khối u càng nhanh càng tốt vẫn rất quan trọng, vì nó nằm trên dây thần kinh não nên có thể gây ảnh hưởng đến sự cân bằng cơ thể, và nó có thể đe dọa thêm nhiều chức năng khác của não nếu như tiếp tục phát triển.
Quá trình hồi phục chậm chạp, đau đớn
Sau khi phẫu thuật, tôi không thể nhớ tên hai con gái của mình. Tôi vẫn gọi chúng là “đứa lớn” và “đứa bé”.
Chứng đờ đẫn này vẫn tiếp tục trong nhiều tháng. Kiểu như khi có ai đó nói “Chỗ kia chỉ cách đây khoảng 45m nữa thôi”, tôi vẫn biết có từ ”khoảng” ở đâu đó trong tâm trí mình, nhưng không thể nhớ nó có nghĩa là gì, vì thế tôi lại phải đi hỏi. Nó như thể các mảnh ghép trong trí não mình bị rối tung, và tôi phải đi lần mò từng mảnh một.
Những ngày tháng hồi phục sau phẫu thuật dài đằng đẵng khiến tôi nản lòng. (Ảnh minh họa)
Đó là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn, nhưng tôi đã được sự hỗ trợ từ nhiều người xung quanh. Trong gia đình tôi là con một, nên mẹ tôi đã đên giúp đỡ rất nhiều. Chồng tôi đã giúp chăm sóc bọn trẻ khi tôi không thể và giúp mọi thứ được diễn ra suôn sẻ khi tôi đang phải hồi phục.
Thật lòng mà nói, tôi không nhớ mình đã làm mẹ như thế nào trong thời gian đó. Có quá nhiều thứ tôi không thể nhớ nổi trong vài tháng đầu. Tôi không nhớ mình đã có nhiều lúc được quây quần bên các con, nhưng tôi biết rằng chúng đã được chăm sóc bởi những bởi những người thân yêu. Sau khoảng 2 tháng, tôi đã có thể tự chăm lo cho lũ trẻ. Nhưng tôi vẫn cần nhiều sự hỗ trợ.
Tôi phải trải qua rất nhiều bài kiểm tra tâm thần để khảo sát trí nhớ, nhận thức không gian, và IQ. Mọi thứ đều đạt chuẩn sau cuộc phẫu thuật. Các bác sĩ chấm điểm IQ của tôi khá cao, họ cho biết tác dụng phụ đối với tôi đã hoàn toàn bình thường, và tôi sẽ hồi phục. Không phải do mất trí nhớ hay nhân cách thay đổi, mà việc phục hồi trí nhớ với tôi khó khăn hơn. Các bác sĩ không đưa ra bất kỳ lời khuyên trị liệu vật lý nào, vì thế tôi phải tự mình chịu đựng với nó.
Vượt qua điều này thật sự rất gian nan. Tôi vốn luôn là một học sinh xuất sắc, trường học luôn là một “thứ gì đó” đối với tôi. Suy nghĩ phải học trở lại thật là đáng sợ, nhưng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành việc học ở trường. 2 tháng sau khi phẫu thuật, tôi quay trở lại đại học vào tháng 1 năm 2005 để học nốt năm cuối. Nhiều giáo sư hiểu những gì đã xảy ra và châm chước cho tôi. Tôi thường không biết mình viết những gì trong buổi học, và phải nhờ bạn cùng lớp giải thích từng từ một.
U não, chặng tiếp theo
Vào năm 2008, khi não đã hoạt động bình thường trở lại. Tôi đi học trở lại để theo điểu ngành trị liệu hôn nhân và gia đình. Tôi tốt nghiệp vào tháng 12 năm 2010, và bắt đầu đi thực tế vào tháng 1 năm sau. Tôi sinh đứa con gái thứ 3 vào năm 2013.
Và rồi, khối u lại mọc trở lại.
Trong khi chẩn đoán, bác sĩ có nhắc đến việc hormone thai kỳ sẽ khiến những khối u chậm phát triển lớn nhanh hơn. Tôi không thể giải thích tại sao, nhưng có thể nói thật sự vô cùng choáng váng khi có người giải thích với bạn theo cách “thực tế” đến như vậy. Tôi biết nguy cơ này có thể tái phát khi sinh con thứ 3, và một số người có thể cho rằng đẻ thêm con là một điều thiếu trách nhiệm, với tiền sử bệnh u não của tôi. Nhưng tôi đã quyết tâm có được nó, và tôi đã làm được.
Vì thế vào năm 2016, khi bị đau đầu và gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn bình thường, tôi đã tới gặp bác sĩ thần kinh. Kết quả nội soi đã xác nhận khối u của tôi lại phát triển một lần nữa.
Nhân vật trong câu chuyện.
Giờ đây , khối u chỉ có kích cỡ một nhãn cầu – không to như trước kia, nhưng vẫn to hơn nhiều người nghĩ. Lần này, xạ trị là lựa chọn được khuyên dùng, và tôi đồng ý. Tôi đã phải trải qua tổng cộng 28 đợt xạ trị trong vòng 6 tuần. Khối u không co lại, nhưng phóng xạ có thể giết các tế bào để nó không phát triển thêm được nữa.
Hiện tại, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm. Nhưng, để đảm bảo mọi thứ đều ổn, hàng năm tôi vẫn phải đi chụp cộng hưởng từ. Bên cạnh những lần đi chụp – cùng với một vài vấn đề dai dẳng về đầu óc và thế chất – cuộc sống của tôi vẫn không khác mấy so với những gì mường tượng nếu tôi không bị u não. Tôi đã có một sự nghiệp tuyệt vời, một ông chồng tận tụy. Và, nhờ biến cố trên, tôi đã hiểu được mình may mắn như thế nào.
Niềm hạnh phúc đầu năm của mẹ Thanh Hóa từng sinh con chỉ nặng 9 lạng lại bị thủng ruột
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |