Sự phục vụ tận tụy và thái độ nhiệt tình của các y bác sĩ giúp sản phụ cảm thấy hành trình đi đẻ nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhiều.
Đất nước Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với chế độ an sinh xã hội cực tốt, đặc biệt là dành cho người già, trẻ em và phụ nữ.
Ở Nhật, các mẹ đi sinh mổ là một trải nghiệm nhẹ nhàng và suôn sẻ chẳng khác gì một chuyến nghỉ dưỡng. Với cơ sở vật chất tối ưu, dịch vụ tốt và sự chăm sóc tận tình từ y bác sĩ, sinh con ở Nhật là điều nhiều bà mẹ mơ ước. Dưới đây là nhật ký sinh mổ của một bà mẹ sống tại Nhật.
Một ngày trước khi mổ
Mẹ nhập viện với một số vật dụng cần thiết.
Đến ngày hẹn sinh, mẹ bầu sẽ đến bệnh viện cùng với giấy tờ, hồ sơ y tế và một số đồ cơ bản. Sau khi làm thủ tục nhập viện, y tá sẽ dẫn thai phụ tham quan khu vực chuẩn bị sinh và hồi phục sau mổ. Cùng với đó, mẹ bầu sẽ được giải thích tường tận về các hoạt động trong thời gian ở viện.
Phòng nghỉ của mẹ
Phòng nghỉ của mẹ có 4 giường nhưng được ngăn bằng rèm để tạo không gian riêng tư.
Tại Nhật Bản, nếu không thuê phòng dịch vụ thì mẹ bầu thường được sắp xếp trong phòng chung có 4 giường nhưng được ngăn cách nhau bằng rèm che. Giường có thể được điều chỉnh bằng điều khiển.
Trong phòng cũng có đầy đủ ti vi và tủ lạnh loại nhỏ (phải mua thẻ điện tử dùng theo nhu cầu). Phòng có đầy đủ các tiện nghi như bình nước nóng, máy sấy, bồn rửa bát...
Nhà tắm và nhà vệ sinh dùng chung cho cả 4 giường. Nếu muốn sử dụng nhà tắm, mẹ sẽ được cung cấp 1 chiếc thẻ. Cắm thẻ khi muốn tắm nhưng không được khóa để tránh tai nạn có thể xảy ra.
Buổi tối trước ngày sinh
Bữa ăn của mẹ trước khi sinh.
Sau khi sắp xếp xong đồ đạc, mẹ bầu sẽ được phục vụ cơm tại bệnh viện. Mẹ sẽ ngừng uống nước từ thời điểm bác sĩ yêu cầu và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Trước khi sinh
Y tá sẽ giúp mẹ "xử lý" lông vùng kín.
Trước khi sinh, mẹ sẽ được kiểm tra toàn thân. Y tá cũng sẽ giúp mẹ cạo lông vùng kín trước khi đến phòng mổ, chồng và người thân sẽ ở lại phòng chờ.
Khi đến phòng mổ, mẹ được tiêm gây tê tủy sống, chờ thuốc ngấm rồi tiến hành mổ.
Sau khi ca mổ xong xuôi, mẹ được đẩy về phòng hậu phẫu. Người bố hoặc họ hàng của sản phụ sẽ được chụp ảnh với bé sơ sinh. Tiếp đó bé sẽ được đưa về phòng dành cho trẻ mới chào đời.
Mẹ sẽ được vệ sinh vết thương và nghỉ ngơi tại phòng hậu phẫu trong 2 ngày.
Sau khi sinh
Cuống rốn của bé được bọc lại cẩn thận và đưa cho mẹ làm kỉ niệm.
Trong ngày phẫu thuật, mẹ sẽ không được ăn uống gì. Nước và chất dinh dưỡng sẽ được truyền cho mẹ để duy trì năng lượng. Trong 24 tiếng đầu, bác sĩ cũng khuyên sản phụ không nên đứng lên hay di chuyển để tránh tổn thương vết mổ.
Trong thời gian này, bác sĩ và y tá cũng sẽ trao cho mẹ một món quà bao gồm dây rốn, hình ảnh và quả bóng có ngày giờ sinh, cân nặng của bé.
1 ngày sau khi sinh
Vết mổ của mẹ được chăm sóc kĩ lưỡng.
Bác sĩ sẽ thường xuyên đến kiểm tra sức khỏe của mẹ và khuyên mẹ nên cố gắng ngồi dậy cũng như đi lại nhẹ nhàng. Em bé sẽ được đưa đến gặp mẹ 2-3 tiếng/lần. Điều đặc biệt ở bệnh viện Nhật Bản là vết thương của mẹ được dán miếng lót vô cùng cẩn thận. Mẹ không cần phải lo lắng bất kì điều gì cho đến khi vết mổ lành hoàn toàn.
2 ngày sau sinh
Em bé được chuyển đến phòng mẹ để cho bú.
Mẹ bắt đầu được ăn những thứ dễ tiêu hóa như súp, cháo. Lúc này y tá cho phép mẹ được tắm rửa sạch sẽ. Mẹ sẽ cho bé bú tại phòng. Bú xong bé lại được bế về phòng của trẻ sơ sinh để tạo điều kiện cho mẹ được nghỉ ngơi nhiều nhất.
3 ngày sau sinh
Đây là lúc bé chính thức được về với mẹ. Khi trao bé cho mẹ, y tá cũng sẽ hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ, cách cho bé bú. Họ cũng sẽ túc trực 24/24 để có thể giúp đỡ mẹ bất cứ khi nào mẹ yêu cầu.
Ngày ra viện
Thông thường mẹ sinh mổ ở Nhật Bản phải ở viện tầm 10 ngày. Khá lâu so với các nước khác. Bác sĩ phải chắc chắn là mẹ đã hồi phục khỏe khoắn hoàn toàn.
Viện phí cho một ca sinh mổ ở Nhật được chia làm 2 phần, của mẹ và của bé. Với trẻ sơ sinh, sau khi làm thủ tục khai sinh có thể dùng giấy tờ này để được miễn giảm viện phí.
2 ngày sau khi ra viện
2 ngày sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn cả mẹ và bé đến tái khám để bác sĩ kiểm tra sức khỏe của mẹ cũng như cân nặng, chiều cao, khả năng bú của bé. Nếu có bất cứ khó khăn gì hay căng thẳng tâm lý khi sinh con, mẹ cũng có thể trao đổi với y tá, bác sĩ để được giúp đỡ.
1 tháng sau sinh
Nhân viên trung tâm chăm sóc sức khỏe đến thăm nhà khi bé tròn 1 tháng tuổi.
Khi bé tròn 1 tháng tuổi, nhân viên của trung tâm y tế sẽ đến tận nhà để kiểm tra tình hình sức khỏe của bé. Mẹ có thể hỏi và tư vấn bất kỳ vấn đề gì liên quan đến chăm sóc trẻ sơ sinh.
Điều thú vị là, nếu mẹ là người nước ngoài kết hôn với chồng Nhật Bản, nhân viên y tế sẽ đến thăm hỏi cùng với 1 phiên dịch viên để giúp mẹ cảm thấy thoải mái và thuận tiện hơn.