Trầm cảm sau sinh: Có mẹ muốn hại con

Ngày 08/12/2014 00:01 AM (GMT+7)

Căng thẳng, thiếu ngủ, thiếu sự quan tâm của chồng… là những nguyên nhân khiến sản phụ dễ mắc chứng trầm cảm.

Trầm cảm là chứng bệnh sản phụ thường phải đối mặt sau sinh. Có nhiều trường hợp trầm cảm nặng, mẹ luôn trong trạng thái lo lắng vì cho rằng có người muốn bắt cóc con, thậm chí có những mẹ muốn giết cả con.

Chặn cửa phòng ngủ vì sợ con bị bắt cóc

Theo Bác sĩ Trương Chiến Công – Chuyên khoa sức khỏe tâm thần cho biết: Tỷ lệ các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh ở Việt Nam khá nhiều, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Chứng trầm cảm thường xảy ra trong vòng 5-6 tuần đầu tiên sau sinh nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào cho đến khi con biết đi. Sản phụ dễ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm nếu người thân trong gia đình có tiền sử bị bệnh này.

Từng làm việc chuyên sâu trong ngành sức khỏe tâm thần và chữa trị cho nhiều trường hợp sản phụ bị trầm cảm, bác sĩ Trương Chiến Công – Chuyên khoa sức khỏe tâm thần kể lại, cách đây hơn 1 năm ông từng điều trị cho sản phụ Nguyễn Thị Vân (26 tuổi, Ninh Bình) mắc chứng trầm cảm tương đối nặng. Chị luôn bị ám ảnh có người muốn bắt cóc con và bảo vệ con bằng cách: chặn phòng ngủ.

Vân là một cô giáo dạy tiểu học. Gia đình khá giả và hòa thuận không có vấn đề gì khúc mắc. Trong quá trình mang thai và sinh con, Vân hoàn toàn khỏe mạnh. Trước đó, tiền sử gia đình cũng không có ai bị mắc bệnh trầm cảm hay rối loạn tâm thần. Đây là lần đầu Vân sinh con nên chị lo lắng sức khỏe của con thái quá. Mỗi lần con khẽ cựa mình, đi tiểu, khóc đòi ăn… là ngay lập tức chị sốt sắng cuống cuồng. Mỗi đêm Vân chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng, ban ngày dường như không được ngủ. Khi con được tròn 1 tuổi, cháu khỏe mạnh tăng cân thì cũng là lúc gia đình chị bắt đầu thấy sự bất thường ở con người chị.

Vân ăn uống kém, ngủ ít, ít nói cười luôn tỏ ra căng thẳng và mất tập trung. Gia đình nhà chồng ban đầu cũng chỉ nghĩ là do chị con dâu chưa có kinh nghiệm làm mẹ nên lo lắng, căng thẳng nên cho là bình thường, dần dần sẽ hết.

Nhưng sang tháng thứ 2 rồi tháng thứ 3 tình hình ngày càng xấu đi. Cơ thể chị gầy sút cân, hay cáu gắt với mọi người thậm chí có lúc cãi nhau tay đôi với mẹ chồng, có lúc lại khóc lóc một mình, cho là chồng đi ngoại tình,  luôn sợ con bị ốm đau hay bị bắt cóc mất....

Dần dần chị Vân có những hành vi kỳ quặc như: lúc con ngủ ở trong nôi, chị phải kê giường ra chặn ở cửa phòng ngủ vì sợ những khi chị ngủ say người khác sẽ vào bế con chị bị mất. Trước những hành động không bình thường trên của chị, gia đình đã  buộc phải đưa chị đi khám và điều trị tại khoa tâm thần.

Trầm cảm sau sinh: Có mẹ muốn hại con - 1
Những trường hợp bị trầm cảm nặng, muốn giết cả con đẻ của mình. (ảnh minh họa)

Khi vào viện Vân được khám và chẩn đoán là: Trầm cảm sau sinh đẻ có triệu chứng loạn thần. Tại khoa tâm thần chị được làm tất cả các xét nghiệm, thăm dò chức năng cần thiết ,được điều trị bằng thuốc và bằng liệu pháp tâm lý (song song với đó là chị phải cai sữa cho con).

Sau 10 ngày điều trị các triệu chứng trầm cảm và triệu chứng loạn thần của chị được cải thiện dần dần. Sau 20 ngày chị đã ý thức được tình trạng bệnh của mình, và tự chủ động uống thuốc. Những ngày đầu tiên, Vân chống đối không chịu uống thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. 1 tháng điều trị, cảm xúc và hành vi của Vân đã ổn định hơn. Vân được bác sĩ cho ra viện về nhà uống thuốc theo đơn ngoại trú thời gian 6 tháng. Sau đợt điều trị bệnh, sức khỏe của chị đã tốt hơn rất nhiều. Hiện tại cuộc sống gia đình của Vân êm ấm hạnh phúc.

Trầm cảm nặng: mẹ muốn giết con

Cũng theo bác sĩ Công, trầm cảm với sản phụ cũng có nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Thắm, 22 tuổi (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là một ví dụ điển hình cho mức độ trầm cảm nặng.

Thắm là 1 cô gái xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình khó khăn ở một huyện miền núi. Học xong lớp 12 cô  chuyển từ nông thôn lên thành phố kiếm sống bằng nghề bán hàng thuê. Thắm yêu và lỡ có thai với một anh công nhân làm cùng công ty. Sau khi biết tin cô có bầu, người yêu bỏ đi biệt tích tận Trung Quốc và cắt đứt liên lạc với Thắm.

Thắm về nhà bố mẹ đẻ ở và sinh con một mình. Trong thời gian mang thai không có chồng bên cạnh, Thắm thường xuyên bị gia đình mắng nhiếc, trách cứ. 1 tuần sau sinh, cô có các biểu hiện như: mất ngủ, buồn chán, thờ ơ với ngoại cảnh và không thiết cho con bú. Con khóc tím tái người cũng bỏ mặc. Gia đình Thắm bắt đầu thấy hoảng sợ khi Thắm có ý định đem con của mình vứt xuống ao. May mắn cho lần ấy, người nhà phát hiện và can ngăn cô kịp thời. Cháu bé được cứu sống.

Thắm được đưa đến Khoa tâm thần để và cũng được chẩn đoán là bị trầm cảm sau sinh. Thắm nằm điều trị tại bệnh viện được 3 tuần thì  sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần( sức khỏe tâm thần) của cô đã tiến triển tốt hơn. Cô được ra viện về nhà uống thuốc theo đơn ngoại trú. Nhưng quá trình điều trị tại nhà Thắm không uống thuốc thường xuyên đều đặn. Gia đình và bản thân cô gái cũng không có sự liên lạc hay phản hồi gì với bác sĩ của mình, cũng không tái khám trở lại theo hẹn của bác sĩ.

Trầm cảm sau sinh: Có mẹ muốn hại con - 2
Bác sĩ Trương Chiến Công - Chuyên khoa Sức khỏe tâm thần kể về những trường hợp sản phụ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Bác sĩ Công cho biết thêm: “Sau này chúng tôi được biết tình trạng bệnh của sản phụ Thắm không ổn định, diễn biến xấu đi. Thắm thiếu sự quan tâm của gia đình, thêm nữa thường nghe theo chỉ dẫn của thầy cúng, thầy bói… bệnh ngày càng nặng hơn. Hiện tại, Thắm đã bỏ nhà đi lang thang được hơn 1 năm nay gia đình chưa tìm thấy. Còn nhiều câu chuyện khác về các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh đẻ. Mỗi người có 1 hoàn cảnh khác nhau, có người được chữa bệnh ổn định khỏi hoàn toàn, có người bệnh tái phát trở lại từng thời kỳ, cũng có những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do không được điều trị kịp thời làm tổn thương nặng nề tới tính mạng của chính bà mẹ, con trẻ và gia đình của họ.”

Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khỏe sinh sản: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh của sản phụ: Sự thay đổi của nội tiết sinh dục, nội tiết của tuyến giáp, cortisol, do di truyền… Bên cạnh đó, những người không có người chia sẻ trong giai đoạn này có nguy cơ bị trầm cảm gấp 5 lần so với người được chia sẻ.

Bác sĩ Như Ngọc cũng chia sẻ thêm: "Trầm cảm với phụ nữ sau sinh là một nguyên nhân gây tử vong mẹ thầm lặng. Vì vậy, hệ thống y tế cần tuyên truyền cho các thai phụ chú ý đến trầm cảm (chiếm tỉ lệ 10-15%), nhiều hơn so với một số bệnh lý thường gặp như tiền sản giật (khoảng 10%) hay tiểu đường đang được quan tâm sàng lọc… nhưng lại ít được cộng đồng và xã hội quan tâm. Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra."

Tuệ Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu