"Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng truyền máu song thai.", thạc sĩ Lê Thế Vũ cho biết.
Hầu hết các mẹ mang song thai sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn hẳn so với chị em bầu đơn thai. Một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất phải kể đến là truyền máu song thai. Tuy nhiên, căn bệnh nguy hiểm này có thể kiểm soát được nếu thai khám thai sớm và theo dõi thường xuyên tại các cơ sở y tế.
Truyền máu song thai hiếm gặp nhưng nguy hiểm
Theo Thạc sĩ Lê Thế Vũ – Trưởng khoa Dịch vụ A1, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, truyền máu song thai là hội chứng khá hiếm gặp ở những mẹ mang thai đôi. Nó là sự thông thương, giao lưu máu giữa hai thai, một thai cho và một thai nhận. Trong quá trình đó, thai cho ngày càng có kích thước nhỏ, teo đi và nước ối ít. Thai nhận ngày càng to và dẫn đến hiện tượng phù thai. Khi thai cho và thai nhận quá ngưỡng 25% sẽ gây biến đổi và dẫn đến hỏng thai.
Thạc sĩ Lê Thế Vũ - Trưởng khoa Dịch vụ A1, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội |
Truyền máu song thai là hội chứng khá hiếm gặp với tỷ lệ 1/10.000 ca song thai, dễ bị bỏ sót nếu thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Hội chứng này thường gặp trong song thai cùng trứng có sự phân chia bánh rau muộn. Bình thường song thai nếu phân chia sớm sẽ có 2 túi ối, 2 bánh nhau. Nếu sự phân chia diễn ra muộn sẽ xảy ra hiện tượng 1 túi ối, 1 bánh nhau. Nếu muộn nữa sẽ dẫn đến song thai dính nhau.
Bác sĩ Vũ cũng cho biết, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu với hội chứng này. Ở các nước trên thế giới, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp quang đông tách mạch máu, luồng thong bằng nội soi bào thai. Cho ống nội soi vào buồng tử cung người mẹ sau đó dùng laser bắn vào các mạch máu giữa 2 thai ngăn tạo rào cản để hai thai không giao lưu máu.
Bác sĩ khuyên các mẹ khi có thai ở những tuần đầu cần đi khám và đến các cơ sở y tế để siêu âm, nghe tư vấn đều đặn về dinh dưỡng, cách chăm sóc thai kỳ và phát hiện sớm những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Bà mẹ mang thai song sinh cũng cần chọn nơi khám thai và sinh nở là những bệnh viện uy tín, chuyên khoa sản.
Việt Nam: Hy hữu cứu sống những ca truyền máu song thai
Ngày 28/8/2014, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận sản phụ Hoàng Thị R., 33 tuổi, ở Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, song thai 34 tuần. Trong quá trình sản phụ chờ sinh, qua theo dõi và điều trị các bác sĩ phát hiện suy thai trong tử cung do hiện tượng truyền máu bất thường cấp độ 2 và chỉ định mổ ngay cứu thai nhi.
Sau ca phẫu thuật hai bé gái Đồng Bảo Ngọc nặng 1.500gr và Đồng Bảo Khánh nặng 2.000gr đã chào đời. Sau sinh, bé Đồng Bảo Ngọc được chuyển ngay lên khoa sơ sinh trong tình trạng rất yếu, thoi thóp, tím tái toàn thân, tiên lượng xấu, đã được chẩn đoán trước đó. Qua xét nghiệm bé thiếu máu nặng, nguy cơ nhiễm trùng cao, suy đa phủ tạng và một loạt biến chứng khác có thể xảy ra. Bé được điều trị và chăm sóc đặc biệt, truyền máu, kháng sinh, thở máy… Sau 1 tuần điều trị, trước nỗ lực tối đa của bác sĩ và gia đình, bé Đồng Bảo Ngọc đã cai thở máy, tự thở có hỗ trợ oxy, một điều kỳ diệu đối với em.
Gia đình bé Bảo Ngọc, Bảo Khánh hạnh phúc với hai con.
Một trường hợp khác cũng đã điều trị thành công khi bị hội chứng truyền máu song thai đó là chị Ngô Thị Thu Dung (33 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM). Chị từng trải qua những phút giây không thể quên khi không may mắc hội chứng hiếm gặp này.
Khi mang song thai ở tuần thứ 21, chị Dung có hiện tượng truyền máu bất thường cấp độ II, trong đó một thai thiểu ối, một thai đa ối có thể chết lưu trong bụng mẹ bất cứ lúc nào. Chị dốc hết tiền của sang Malaysia điều trị hy vọng cứu sống hai con. Tại đây, bác sĩ tư vấn cho chị, nếu không dùng tia laser chỉnh sửa lại mạch máu thì 95% hai bé sẽ tử vong, còn nếu đốt mạch máu bằng laser thì 70% cứu được một bé, 50% cứu được hai bé. Chị điều trị 3 ngày ở bệnh viện Malaysia và sau khi trở về Việt Nam chị đã sinh con thành công.
Hai bé song sinh của sản phụ Ngô Thị Thu Dung, ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM.
Tại Anh, nhờ phẫu thuật laser triệt để ngay trong bụng mẹ, các bác sĩ Anh đã cứu sống cặp song sinh mắc phải căn bệnh hiếm gặp: Hội chứng truyền máu thai nhi (TTTS) do thiếu máu và oxy trầm trọng, và đã chào đời khỏe mạnh sau 37 tuần mang thai. Sau 7 tuần mang thai, chị Rachel Ellis ở Port Talbot, xứ Wales, Anh tự nhiên xuất hiện những hiện tượng bất thường, từ đó cho đến khi được 18 tuần tuổi tình trạng trở nên bất an hơn nên gia đình đã đưa đưa vào Bệnh viện Singleton ở Swansea để cấp cứu. Qua S-can, bác sĩ phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường, thai đôi hai bé gái mắc phải căn bệnh lạ, chia nhau một bánh nhau thai nên nguồn máu không được cung cấp đều. Thai nhi ít máu có nguy cơ chết yểu phải can thiệp kịp thời. Chị Rachel Ellis đã quyết định chọn phương án phẫu thuật laser. Ca mổ thành công, sau 37 tuần mang thai cặp song sinh chào đời hoàn toàn khỏe mạnh. Hai bé gái ra đời ngày 24/9/2013 tại Bệnh viện Bridgend xứ Wales, được đặt tên là Lilly và Darcy, Lily nặng 2,25kg, còn Darcy, nặng 2,3kg, tất cả đều phát triển bình thường. |