Kinh nghiệm đỡ đẻ khẩn cấp của bố Cún sẽ rất hữu ích với các ông bố trẻ đấy!
Mặc dù các ca sinh đột ngột tại nhà hoặc trên đường đến bệnh viện chiếm tỷ lệ rất thấp, nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra. Vì vậy, là ông bố trẻ, bạn cần trang bị kiến thức để hỗ trợ vợ mình một cách tốt nhất, đồng thời để bé được sinh ra an toàn nếu chẳng may tình huống này xảy ra với vợ chồng bạn. Kinh nghiệm đở đẽ khẩn cấp mà bố Cún chia sẻ ngay sau đây có thể là thông tin tham khảo rất hữu ích dành cho bạn.
Dưới đây, chúng tôi xin đăng tải lại những tâm sự của bố Cún khi vừa trải qua ca đỡ đẻ khẩn cấp để đón Cún chào đời:
Tự hào vì làm “bà đỡ” mát tay cho mẹ Cún
Nhà mình vừa đón một thành viên mới là bé Cún rất đáng yêu. Nhưng khác với các em bé sinh ra bình thường trong bệnh viện, Cún nhà mình “nôn nóng” chào đời đến nỗi khiến mẹ phải đẻ rơi trên đường. Mỗi lần nghĩ lại mình vẫn còn thấy hồi hộp với tình huống oái ăm mà hai vợ chồng đã phải trải qua. Thật may mắn là nhờ trang bị trước kiến thức đỡ đẻ khẩn cấp cho vợ trong lớp tiền sản trước đó mà Cún con ra đời hoàn toàn khỏe mạnh và mẹ Cún nhờ đó cũng không chịu bất cứ rủi ro nào về hậu sản. Do đó, mình thấy nếu như trong nhà có một bà bầu, không chỉ các ông bố, mà cả những người thân khác cũng phải tìm hiểu trước về các thao tác đỡ đẻ khẩn cấp để tránh bị động nếu chẳng may rơi vào tình huống bất ngờ này.
Vì Cún là con đầu lòng nên ngay từ khi biết mẹ Cún mang thai, cả hai vợ chồng mình đã rất lo lắng không biết chế độ ăn như thế nào là tốt nhất, rồi còn chuẩn bị mua sắm vật dụng, quần áo cho Cún. Do gần 40 tuổi mới có được mụn con nên mình cũng khá kỹ tính, cái gì cũng phải tìm hiểu cho thật tốt, ngay cả việc sinh ở bệnh viện nào và chuyện vợ đẻ mổ hay đẻ thường, đau đẻ ra sao … Mặc dù các bạn đồng nghiệp hay anh chị trong gia đình đã có con trước đó đều khuyên rằng không nên lo lắng quá, hầu hết bà bầu đều vượt cạn bình thường, nhưng mình vẫn ám ảnh chuyện đẻ rơi trên đường đến bệnh viện, vì thỉnh thoảng lại đọc được các tin dạng này trên báo. Rất may là vợ thủ thỉ nên học qua lớp tiền sản để chuẩn bị tinh thần tốt nhất.
Nên nhắc vợ bạn thở đúng cách khi chuyển dạ để trì hoãn thời gian sinh nở và
tránh nhguy cơ bị rách cửa mình gây xuất huyết mạnh (ảnh minh họa)
Đến trước ngày dự sinh khoảng 1 tuần, mình đang họp trong cơ quan thì hết hồn khi nghe vợ gọi điện bảo đang đau đẻ. Do hai vợ chồng ở quê lên thành phố lập nghiệp nên không có ai ở bên cạnh vợ lúc đó, vì vậy mình vội chạy về nhà. Rất may do nhà cũng gần công ty nên vừa về là hai vợ chồng vội vã bắt taxi đến bệnh viện. Nhưng đi được một đoạn ngắn thì vợ bảo quá đau và có cảm giác em bé sắp chui ra đến nơi rồi. Tuy trong tình huống này ông bố nào cũng sẽ rất hoang mang và luống cuống, nhưng kinh nghiệm của mình cho thấy, đây chính là lúc bạn nên bình tĩnh nhất để tránh các sai sót có thể xảy ra cho vợ và con. Mình cũng đã cố gắng hít thở sâu để trấn tĩnh lại. Theo hướng dẫn của các chuyên gia trong lớp tiền sản, mình vội dùng giấy báo có trong xe và khăn lông lót thật dầy lên băng ghế sau và sàn xe, và cho vợ nằm xuống để dưỡng sức.
Mặc dù phải trì hoãn càng lâu càng tốt để kéo dài thời gian cho kịp đến bệnh viện, nhưng không vì vậy mà bạn để cho vợ chụm hai chân lại để làm chậm sinh, vì như vậy có thể làm tổn thương đến não bộ của bé. Cách tốt nhất là này là hướng dẫn cho vợ phương pháp thở đúng, bằng cách thở dồn dập hoặc thở hơi ra càng lâu càng tốt để trì hoãn. Nhờ vậy mà mẹ Cún cũng kéo dài thêm được một khoảng thời gian nhất định. Nhưng do các cơn co ngày càng dồn dập, và khi nhìn thấy đầu bé đã lộ ra ngay cửa mình của vợ, mình đành phải chấp nhận làm “bà đỡ” cho vợ.
Theo các kiến thức đã học ở lớp tiền sản trước đó, mình biết đây là giai đoạn nguy hiểm nhất cho cả mẹ và con. Là người bên cạnh mẹ Cún trong lúc này, mình đã sợ xanh mặt, nhưng vẫn phải cố gắng bình tĩnh và nhắc mẹ Cún nên thở ra hít vào liên tục để âm đạo và tầng sinh môn có thời gian căng và mỏng đi, vì điều này sẽ ngăn không cho cửa mình bị rách. Giây phút đầu rồi phần còn lại của Cún lọt ra chính là giây phút đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời làm cha mẹ của hai vợ chồng mình.
Tuy nhiên, không vì quá hạnh phúc khi lần đầu nhìn thấy con mà các bạn quên nhiệm vụ của mình nhé. Ngay lúc đó, mặc dù bở ngỡ và vui mừng vì cả vợ và con đã qua cơn nguy kịch, nhưng mình vẫn phải cẩn thận lấy khăn sạch lau mắt cho bé. Nhớ là lau từ đầu mắt trở ra, rồi dùng tay sờ phần cổ để tìm dây rốn, nhẹ nhàng gỡ nó ra khỏi đầu để bé có thể lọt ra dễ dàng, bạn nhé. Lúc đó mình đã phải rất khéo léo, vì theo các bác sĩ trong lớp tiền sản, bạn phải tuyệt đối tránh đụng chạm vào dây rốn hay kéo, cắt dây rốn vì có thể sẽ gây tổn thương cho bộ phận này, hậu quả là sẽ không thể cung cấp dưỡng khí cho bé nữa. Rất may là Cún nhà mình không bị màng ối che mặt nên cũng dễ dàng làm vệ sinh cho bé. Các bố nên nhớ là nếu thấy màng ối còn nằm che mặt bé, hãy lấy móng tay nhẹ nhàng xé nó ra để bé có thể thở được ngay nhé.
Cần phải cẩn trọng tối đa khi đỡ bé vì cơ thể bé mới sinh được bao bọc bởi máu
và chất nhầy nên rất trơn trượt (ảnh minh họa)
Cảm giác thật kỳ lạ khi lần đầu tiên được chạm vào toàn bộ cơ thể bé bỏng của Cún con, nhưng thân hình bé cũng thật trơn trượt làm mình e ngại sẽ đánh rơi bé đấy các bạn ạ. Tốt nhất trong trường hợp này là bạn nên bế bé một cách chắn chắn và cẩn trọng vì cơ thể bé còn dính đầy các chất nhầy và máu, quan trọng nhất là không được lau sạch lớp chất gây trên da bé mà hãy dùng khăn ấm quấn bé lại rồi để cho mẹ ủ ấm và cho bé bú. Mình nghe nói là khi bú, núm vú đươc kích thích sẽ làm cho tử cung của mẹ co thắt lại, giúp đẩy lá nhau trong bụng ra ngoài, nhờ đó tránh được xuất huyết sau sinh. Có thể vì mình áp dụng cách này kết hợp với việc matxa mạnh tay vùng bụng ngay khu vực tử cung theo chuyển động tròn, rồi từ từ đẩy tay xuống dưới rốn mẹ Cún khoảng 5 -7 cm rồi xoa xoa ở đó mà mẹ Cún không bị mất máu quá nhiều.
Mình và vợ đã mừng rơi nước mắt khi nghe tiếng khóc oe oe lần đầu tiên của Cún. Cũng hơi bất ngờ là khác với mường tượng của mình, Cún lúc mới sinh ra không đỏ hồng mà xanh tái, làm mình rất lo lắng. Nhưng chỉ một lát sau khi khóc, Cún bắt đầu hồng hào lên. Sau này nghiên cứu sách vở mình mới vỡ lẽ da em bé khi mới chào đời sẽ có màu trắng xanh, khi dưỡng khí tràn vào cơ thể bé sẽ từ từ hồng hào hơn, bàn tay và bàn chân cần thời gian lâu hơn phần thân thể bé. Do đó, bố mẹ đừng quá lo âu khi đón chào em bé mới chào đời không giống như tưởng tượng của mình nhé. Mình cũng được biết nếu trường hợp bé không khóc khi vừa lọt lòng mẹ, bạn có thể nhẹ nhàng đặt bé xuống qua đùi hoặc bụng vợ bạn, đầu bé đặt thấp hơn chân, sau đó dùng tay nhẹ nhàng xoa phần lưng bé. Theo mình đọc trong sách thì cách này làm cho lớp chất nhầy trên cơ thể bé trôi đi bớt và thường tạo một sự thay đổi áp suất máu giúp bé thở được. Đây là một cách làm hiệu quả, vì vậy các ông bố nên lưu ý nhớ kỹ kẻo lại bối rối dẫn đến sai sót trong khi quá nôn nóng làm cho bé khóc để thông phổi.
Một điều mình cảm thấy may mắn nữa là đã gặp được bác tài xế taxi tốt bụng và rất bình tĩnh. Trong khi vợ chồng mình “vật lộn” với Cún con thì anh ấy vẫn cố gắng chạy xe một cách cẩn trọng để hai vợ chồng đưa Cún con đến được bệnh viện một cách an toàn.
Đến giờ, dù Cún đã được 4 tháng tuổi, nhưng những khoảng khắc khi cả hai vợ chồng cùng nhau vượt qua khó khăn và nguy hiểm nhất để Cún chào đời bình an vẫn làm vợ chồng mình nhớ mãi. Thật bình yên và hạnh phúc khi được nhìn con bé nhỏ đang oa oa khóc trên tay mình, bạn ạ. Vì vậy, mình hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho những ông bố trẻ, để chủ động hơn nếu gặp phải tình huống hi hữu như vợ chồng mình.