Cả thai kỳ tôi chỉ tăng tổng cộng 12kg, con ra đời nặng 3,6kg. Với tôi đó là một thành tích đáng nể.
Hồi tôi mang bầu bé Chíp, đi đâu, gặp ai ở bất cứ thời điểm nào mang thai, tôi đều nhận được câu hỏi: “Bạn tăng được bao nhiêu cân rồi?” Dường như mọi người đều có tâm lý đánh giá sự an toàn của thai nhi trong bụng thông qua số cân nặng mà mẹ đạt được. Vậy là các tôi cũng như các bà bầu nghiễm nhiên ăn uống “xả phanh” đến nỗi lần mang bầu đầu tiên đó tôi tăng tổng cộng 27kg nhưng buồn một nỗi là con sinh ra chỉ được 2,9kg. Có nghĩa là tất cả những gì tôi ăn đều vào hết cơ thể tôi, con không hấp thụ được.
Đến khi ra đời, tôi đã vô cùng lo lắng vì sợ Chíp nhỏ quá sẽ kém phát triển. Ấy thế mà tháng đầu tiên, con tăng đến 2kg tròn. Tôi ngầm rút ra một kết luận: Cân nặng của mẹ chẳng liên quan nhiều đến con và cân nặng khi chào đời cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé sau này (trong mức cho phép).
Lần mang bầu thứ 2, tôi không cho phép mình ăn uống thả phanh nữa mà có lộ trình bài bản. Ngay từ những ngày đầu biết tin có thai, tôi đã đến gặp bác sĩ và xin lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cũng như việc bổ sung vitamin để đủ chất cho xon phát triển. Cả 9 tháng 10 ngày bầu bí, tôi chỉ tăng chưa đến một nửa tổng cân nặng đã tăng trong lần đầu (12kg) nhưng con vẫn vượt chuẩn (3,6kg). Tôi hài lòng với thành tích này nên không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với chị em bầu bí.
Đồng ý rằng việc tăng cân trong thai kỳ là cần thiết. Thế nhưng các mẹ cần ghi nhớ đừng để tăng cân quá nhiều vì nó chẳng tốt tí nào cho cả mẹ bầu và thai nhi. Trong lần mang thai đầu, vì nặng nề quá nên tôi đã phải sinh mổ. Ấy thế mà đến lần 2, sau 5 năm, tôi đẻ thường được đấy các mẹ ạ. Theo quan điểm của tôi thì đẻ thường được vẫn là tốt nhất. Xin chia sẻ với chị em một số bí quyết mà tôi đã áp dụng trong lần mang thai thứ 2 để tránh tăng cân quá nhiều mà con vẫn đủ chất.
Tập thể dục thường xuyên giúp tôi không tăng cân quá nhiều. (ảnh minh họa)
Tập thể dục
Nói có vẻ khó nhưng nếu các mẹ tập được một lần rồi thì sẽ dễ dàng tập được những lần sau thôi. Ngay từ khi mới mang thai, tôi đã bắt đầu tập những bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, chạy nhẹ nhàng, yoga và thể dục nhịp điệu. Hồi đó thật may tôi mang bầu mùa hè nên tôi chăm đi bơi lắm. Bác sĩ đã khuyên tôi bơi lội rất an toàn cho thai kỳ vì nó giúp tăng cường sức khỏe toàn cơ thể mà lại kiểm soát được cân nặng. Ngoài ra, đến giữa và cuối thai kỳ, tôi còn luyện tập Kegel với các cơ sàn chậu để dễ dàng sinh nở nữa.
Một điều các mẹ cần đặc biệt lưu tâm là phải tập luyện đều đặn hàng ngày hoặc 3 ngày/tuần thì mới có hiệu quả nhé. Nếu đây là lần đầu tiên bạn tập luyện, hãy tập khoảng 10 phút mỗi ngày rồi tăng dần lên 15, 20, 30 phút các mẹ nhé!
Chỉ bổ sung thêm khoảng 300-500 calo mỗi ngày
Người xưa thường có quan niệm mang bầu phải ăn cho hai người nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải hấp thụ gấp đôi số nặng lượng mỗi ngày vào cơ thể. Thông thường, một người bình thường cần 2000 calo thì khi mang bầu chỉ phải bổ sung thêm 300-500 calo nữa là đủ. Số calo ngày tương đương với khoảng 1 bát cơm và 1 ly sữa nữa. Vậy nếu hàng ngày bạn đã uống 1-2 ly sữa thì khi mang bầu cần uống thêm 1 ly nữa. Việc bổ sung quá nhiều thực phẩm vào chế độ ăn hàng ngày sẽ chỉ làm mẹ bầu thêm béo và dư thừa calo thôi.
Nói không với sữa bầu
Có lẽ đúng là sữa bầu nhiều chất nên lần mang thai đầu với mỗi ngày 3 ly sữa bầu tôi đã tăng đến 27kg nhưng đâu có vào con. Lần mang thai thứ 2, tôi nói không với sữa bầu mà chỉ uống sữa tươi. Mỗi ngày tôi uống đủ 600ml sữa tươi. Tôi vẫn ăn uống bình thường và chỉ ăn thêm chút hoa quả và uống 1 viên thuốc bổ dành cho bà bầu. Như thế là tôi vô tư với lượng dưỡng chất nạp vào cơ thể mà không lo con thiếu chất cho dù tôi không tăng cân nhiều.
Tôi khuyên chân thành các mẹ không nên ăn uống quá nhiều để tăng cân mất kiểm soát sẽ ảnh hưởng không hề tốt cho cả mẹ bầu, thai nhi và việc lấy lại cân nặng sau sinh đâu.