Theo chia sẻ của thủ môn Bùi Tiến Dũng thì đây là 1 ca mổ cấp cứu cho nên anh không được phép vào phòng sinh để ở bên cạnh động viên vợ trong hành trình vượt cạn.
Được biết, Dianka Zakhidova sinh con tại một bệnh viện quốc tế ở TP.HCM. Theo chia sẻ trên trang cá nhân của mẹ vợ Bùi Tiến Dũng thì em bé đã được ra đời vào sáng ngày 25/11. Sau khi vợ vượt cạn thành công, thủ môn Bùi Tiến Dũng có chia sẻ niềm hạnh phúc này và nhận được rất nhiều lời chúc phúc của mọi người.
Và để ghi nhớ ngày đặc biệt chào đón con yêu đến với cuộc đời, mới đây, trên trang cá nhân, nam cầu thủ đã chia sẻ các khoảnh khắc vợ Tây trong phòng sinh kèm theo đó là các dòng trạng thái đầy cảm xúc.
Vợ Tây của Bùi Tiến Dũng phải mổ cấp cứu dù vợ chồng cầu thủ mong muốn con được sinh ra bằng cách tự nhiên nhất.
Được biết, vợ chồng Bùi Tiến Dũng vẫn mong muốn sinh con bằng phương pháp sinh thường cho nên chưa chuẩn bị gì cho việc vợ phải mổ cấp cứu. Cụ thể, thủ thành chia sẻ: "Buổi tối trước ngày sinh con, ba đưa mẹ vào bệnh viện khám vì mẹ cảm thấy không được khỏe, huyết áp cao. Ba mẹ nghĩ đó chỉ đơn thuần là một buổi kiểm tra sức khỏe thông thường, thế nhưng sau khi khám cho mẹ thật kỹ lưỡng, bác sĩ báo tình hình khá là nghiêm trọng và phải mổ cấp cứu. Lúc đó, ba mẹ thật sự rất sốc vì mẹ con vẫn muốn sinh con tự nhiên nhất và ba mẹ chưa có sự chuẩn bị gì cho việc này".
Thủ thành gốc Thanh Hoá tiết lộ, bác sĩ khám và cho biết tình hình sức khỏe của bà xã anh khá nghiêm trọng. Sau khi bác sĩ, gia đình bàn bạc đã quyết định tiến hành ca mổ gấp ngay trong đêm. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, mẹ tròn con vuông. Nhưng cầu thủ vẫn thấy tiếc vì không được đồng hành cùng vợ trong giờ phút trọng đại nhưng cũng đầy khó khăn đó.
Những hình ảnh đầu tiên của thủ thành chia sẻ sau khi vợ Tây Dianka Zakhidova vượt cạn thành công.
Tăng huyết áp khi mang thai nguy hiểm như thế nào?
Tăng huyết áp khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm. Trong đó tiền sản giật và sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất.
Tăng huyết áp thai kỳ (tiếng Anh là Pregnancy-Induced Hypertension) là hiện tượng tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trở về mức bình thường 6 tuần sau sinh.
Hiện tượng tăng huyết áp khi mang thai gồm các thể như:
Tăng huyết áp mãn tính: Xuất hiện từ trước khi mang thai hoặc ở tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này có thể kéo dài hơn 42 ngày sau sinh, có thể có liên quan đến protein niệu.
Tăng huyết áp thai kỳ: Xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này sẽ trở lại bình thường trong vòng 42 ngày sau sinh, tuy nhiên có thể tiến triển thành tăng huyết áp mãn tính nếu huyết áp vẫn tiếp tục tăng sau đó.
Tiền sản giật: Đây là thể lâm sàng xuất hiện khi thai phụ mang thai đầu tiên, đa thai, thai trứng hoặc thai phụ mắc hội chứng phospholipid, đặc biệt khi thai phụ tăng huyết áp mãn tính, bệnh thận hoặc đái tháo đường. Tiền sản giật được chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm protein niệu và huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 90 mmHg. Tình trạng này thường xuất hiện ở tuần thứ 20 ở những thai phụ có huyết áp bình thường trước đó, có liên quan đến thai nhi chậm phát triển do suy nhau thai. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh non.
Tiền sản giật trên nền bệnh lý tăng huyết áp mãn tính: Tình trạng này sẽ có xác suất xảy ra cao khi thai phụ bị cao huyết áp có thêm protein niệu lần đầu.
Mẹ bầu bị tăng huyết áp trong thai kỳ dễ khiến thai nhi chậm phát triển, thai lưu hoặc sinh non. (Ảnh minh họa)
Khi mẹ bị tăng huyết áp trong thai kỳ, thai nhi sẽ gặp nguy hiểm gì?
Chậm phát triển hoặc chết lưu: Thai nhi không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ khiến bé chậm phát triển, không đạt cân nặng trung bình theo tiêu chuẩn, trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến hiện tượng thai lưu khi còn trong bụng mẹ.
Sinh non: Mặc dù đã được điều trị nhưng một số trường hợp thai phụ bị huyết áp cao hoặc sản giật có thể cần sinh sớm hơn để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé. Những em bé sinh non, không đủ sức khỏe có nguy cơ tử vong cao.