Nếu bất ngờ đọc được lịch sử tìm kiếm trên Google của chồng trước ngày lâm bồn, các bà vợ sẽ thấy thế nào? Câu chuyện hài hước dưới đây khẳng định chồng “chu đáo thế này cả nước chỉ có một mà thôi”.
Người xưa vẫn bảo “cửa sinh là cửa tử” ngụ ý rằng mỗi lần sinh nở, phụ nữ lại một lần đối diện với những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Những tình huống không lường trước diễn ra trước, trong mà còn tiếp diễn sau khi sinh. Cũng chính vì thế, bên cạnh niềm vui sắp được đón những thiên thần nhỏ chào đời, các ông bố, bà mẹ không tránh khỏi lo lắng cho đến khi được “mẹ tròn con vuông”.
Mới đây trên mạng xã hội, một người vợ đã đăng tải câu chuyện hài hước của gia đình mình trước ngày lâm bồn. Theo như dòng chia sẻ, chị vợ ở nhà đợi đẻ bỗng tình cờ đọc được lịch sử tìm kiếm Google của chồng. Cụ thể, anh chồng tìm kiếm nội dung “cứu mẹ hay cứu con khi đẻ khó”, có lẽ anh đã phòng rất xa cho những tình huống nguy hiểm, cần đưa ra quyết định nhanh chóng.
Bài đăng của bà bầu gây xôn xao.
Đọc được lịch sử tìm kiếm này, chị vợ “vừa cảm động lẫn cảm lạnh” kể thêm: “Mấy lần vợ định hỏi ông ấy đã có quyết định chưa, sợ vào viện cuống quá không kịp hỏi Google hay sao mà tra sớm thế. Đấy, các bà cứ tìm đâu người biết lo xa, chu đáo như này chắc cả nước có một thôi nhá”. Tuy nhiên, chị cũng khẳng định đây chỉ là câu chuyện vui có thật của gia đình, góp thêm ngàn lẻ tình huống hài hước trước ngày đi sinh và mong quá trình sinh nở sắp tới diễn ra được suôn sẻ.
Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện này đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều mẹ bỉm sữa trải qua thời gian bầu bí, sinh nở cũng giãi bày: “Anh chồng này lo xa là đúng, bởi khi sinh nở gặp nhiều biến chứng không thể nói trước. Nếu phải quyết định giữ một trong hai, đó thực sự là điều khó khăn”, “Dù là quyết định đau lòng nhưng nếu bất cứ ai trải qua tình cảnh này rồi đều thấy việc anh chồng lo xa là đúng”, “Tuy hơi cảm lạnh thật nhưng có một điều chắc chắn là ông bố này đã lo lắng cho hai mẹ con nhiều đến thế nào”.
Bên cạnh đó, cũng không ít bình luận nhắn nhủ tới gia đình nhỏ “nhớ giữ tinh thần vui vẻ không quạu, mọi việc rồi sẽ thuận buồm xuôi gió” và chúc bà mẹ trẻ sẽ sớm được bế thiên thần bé nhỏ trên tay. Hiện, câu chuyện vui trước ngày lâm bồn vẫn đang nhận được sự quan tâm của các các bà bầu lẫn mẹ bỉm sữa.
Những tai biến sản khoa thường gặp mẹ bầu nên biết trước khi lâm bồn
Trong quá trình sinh nở, phụ nữ có thể phải đối mặt với những nguy hiểm đến tính mạng vì các tai biến sản khoa thường gặp dưới đây:
- Băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh (chảy máu sau đẻ) là tai biến sản khoa thừờng gặp nhất và là nguyên nhân tử vong mẹ hàng đầu. Chảy máu sau đẻ là chảy máu sau khi sổ thai trên 500ml hoặc có ảnh hưởng xấu đến thể trạng của sản phụ. Băng huyết sau sinh có thể xảy ra sớm trong vòng 24 giờ sau đẻ hoặc xảy ra muộn đến 6 tuần của thời kỳ hậu sản.
Có hai nguyên nhân thường gặp gây ra băng huyết là: Tử cung bị giảm độ đàn hồi và âm đạo, cổ tử cung bị rách.
Đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao dễ gặp băng huyết sau sinh là những sản phụ thiếu máu, sinh con quá to (trên 4kg),sinh đẻ nhiều lần, đa thai, quá trình chuyển dạ kéo dài, tử cung có chất lượng xấu (có sẹo mổ, có nhân xơ),bánh nhau bám thấp ở đoạn dưới tử cung là nơi có ít cơ hơn nên sẽ gò không tốt sau sinh...
"Cửa sinh là cửa tử" là câu nói ngụ ý rằng mỗi lần sinh nở, phụ nữ lại một lần đối diện với những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. (Ảnh minh họa)
- Tiền sản giật
Tiền sản giật hay nhiễm độc thai nghén là một rối loạn nghiêm trọng thường phát triển sau tuần 20 của thai kỳ được biểu hiện bởi huyết áp cao và mức độ protein trong nước tiểu tăng. Biến chứng này ảnh hưởng tới khoảng 5-8% phụ nữ mang thai.
Tiền sản giật có thể khiến người mẹ gặp tai biến mạch máu não, suy thận, vỡ gan hay tử vong. Nguy cơ tiền sản giật có thể được chẩn đoán trước khi sinh.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên xét nghiệm máu, nước tiểu thường xuyên trước khi sinh để quyết định phương pháp sinh đẻ phù hợp. Mổ đẻ là cần thiết cho người mẹ tiền sản giật.
- Nhiễm trùng hậu sản
Nhiễm khuẩn hậu sản là các nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục trong thời kỳ hậu sản, đường vào của vi khuẩn từ bộ phận sinh dục theo đường máu, nhiễm khuẩn ngược dòng từ âm đạo, cổ tử cung qua tổn thương đường sinh dục trong và sau đẻ.
Nguy cơ nhiễm khuẩn đến từ các yếu tố giữ gìn vệ sinh thai nghén, sức khỏe yếu, thiếu máu,… Mức độ nhiễm khuẩn nặng nhẹ tùy vào sức khỏe bệnh nhân, loại vi khuẩn, thời điểm phát hiện, điều kiện chăm sóc và điều trị.
- Tắc mạch ối
Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, không thể đoán trước và không thể dự phòng được. Tắc mạch ối là do nước ối, tế bào của thai nhi, chất gây, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ, gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.
- Vỡ tử cung
Vỡ tử cung thường xảy ra trong thời kỳ chuyển dạ đẻ nhưng cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai. Trong lúc chuyển dạ, cơn co bóp tử cung tăng quá mức nhưng vẫn không đẩy thai nhi ra được vì đường ra bị cản trở, đoạn dưới của tử cung sẽ mỏng quá mức rồi vỡ.
Thai chui ra ngoài tử cung qua chỗ vỡ và nằm trong ổ bụng. Vỡ tử cung thường xảy ra ở trường hợp thai quá to, ngôi thai bất thường (ngôi ngang),đa thai hoặc có vết mổ ở tử cung. Tai biến này có tỷ lệ tử vong rất cao với cả mẹ và con.
Để phòng tránh những biến chứng sản khoa, người mẹ cần thăm khám định kỳ tại bệnh viện để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, vệ sinh sạch sẽ trong suốt thời kỳ mang thai, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các chất cần thiết và tham gia lớp học tiền sản để có thêm kiến thức trong quá trình mang thai, sinh nở và chăm con.