Hai em bé chào đời với một bé trắng hồng, một bé xám xịt khiến cả gia đình vô cùng lo lắng.
“Wow… “ - tiếng các bác sĩ trong phòng sinh hô lên khi đưa 2 em bé trong ca sinh đôi chào đời an toàn với tiếng khóc rất lớn. Tuy nhiên ngay lập tức bác sĩ mổ đẻ nhăn mặt khi nhận ra điều khác biệt. Trong khi cậu em trai da hồng hào nặng tới 1,7kg thì bé em chỉ nặng 1,3kg và da vô cùng nhợt nhạt, tím ngắt. Đây là một cặp song sinh cùng trứng nhưng lại có sự khác biệt lớn khi chào đời.
Mẹ của 2 bé, chị Lưu (sinh sống tại Hồ Nam, Trung Quốc) đã có một con lớn 3 tuổi. Khi biết chị mang bầu cặp song sinh, cả gia đình đã vô cùng hạnh phúc đặc biệt là chồng chị. Đến mốc mang thai 30 tuần, vợ chồng chị đến bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em tỉnh Hồ Nam để khám thai. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện ra 2 bé mắc hội chứng truyền máu song thai đối – một hội chứng vô cùng nguy hiểm với những cặp song sinh cùng trứng.
Đây là một tình trạng nguy hiểm, mạch máu của các bé được kết nối qua nhau thai nhưng một bé trở thành người nhận máu và bé kia trở thành người hiến tặng. Từ đó trong khi một thai nhi phát triển tốt hơn, hemoglobin ngày càng được tập trung cao thì em bé còn lại sẽ chậm phát triển và hemoglobin sẽ càng thấp.
Cặp sinh đôi của chị Lưu mắc hội chứng truyền máu song thai.
Trước tình trạng này, chị Lưu đã được bác sĩ theo dõi rất sát sao và quyết định sẽ mổ đẻ sớm. 2 em bé chào đời ở tuần thứ 33 thai kỳ tại bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em tỉnh Hồ Nam. Khi chào đời, trong khi cậu em trai da hồng hào thì bé em vô cùng nhợt nhạt, tím ngắt và khó thở.
Ngay lập tức các nhân viên y tế đã hỗ trợ hô hấp và xác định yếu tố sinh tồn. Qua xét nghiệm máu, hemoglobin của bé lớn chỉ 110g / L – thiếu máu trầm trọng, trong khi của bé em là 218g / L. Sau một thời gian tích cực cấp cứu, cuối cùng cả 2 bé đã qua cơn nguy kịch và ổn định sức khỏe.
Khi được vào thăm con những ngày sau đó, chồng chị Lưu đã nghẹn ngào nhìn 2 con bởi 2 bé phát triển khác nhau nhiều quá. Chị Lưu nằm ở phòng hậu phẫu sau khi nghe tin 2 con đã qua cơn nguy kịch cũng mừng rơi nước mắt.
Theo ông Cao, trưởng khoa sơ sinh của Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em Hồ Nam, hội chứng truyền máu song thai là một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ song thai. Nếu gặp hội chứng này, cân nặng của 2 bào thai có thể chênh lệch tới 20% bởi một bé được nhận quá nhiều máu trong khi bé còn lại bị thiếu trầm trọng.
Truyền máu song thai chỉ xảy ra ở những cặp song sinh cùng trứng.
Trẻ nhận quá nhiều máu cũng không phải tốt, có thể dẫn đến nguy cơ dưa thừa máu, phì đại tim, suy tim trong khi em bé bị thiếu máu khiến cân nặng nhẹ, chậm phát triển. Theo thống kê, tỷ lệ mắc truyền máu song thai ở các cặp song sinh cùng trứng là 10-15%, nếu không được phát hiện kịp thời thì nguy cơ tử vong có thể lên tới 80%.
Ông Cao cũng khuyên phụ nữ mang bầu đặc biệt là mang bầu song thai phải kiểm tra thai kỳ thường xuyên. Mặc dù nguy cơ mắc hội chứng truyền máu song thai không cao nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được các biến chứng và rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Hội chứng Truyền máu song thai là gì? Hội chứng Truyền máu song thai (Twin-twin transfusion syndrome -TTTS) xảy ra trong thai kỳ khi cặp song sinh cùng trứng chia sẻ một bánh nhau. Hiện tượng kết nối mạch máu bất thường hình thành trong nhau thai và tình trạng máu phân phối không đồng đều giữa các em bé xảy ra. Trung tâm thông tin di truyền và bệnh hiếm GARD thuộc Trung tâm Khoa học Ứng dụng Tiến bộ Quốc gia Hoa Kỳ NCATS xếp TTTS vào nhóm những bệnh lý hiếm gặp, nguy hiểm và còn nhiều hạn chế trong điều trị. Các triệu chứng của TTTS thể hiện tình trang của một thai nhi, được gọi là thai nhi cho, bị thiếu tưới máu, dẫn đến mất nước và ít nước tiểu, gây ra nước ối ít và thai kém phát triển trong khi thai nhi kia, còn gọi là thai nhi nhận, có tình trạng tăng tưới máu, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và tạo ra quá nhiều nước tiểu quá vào trong túi ối, dẫn đến tình trạng bọng đái lớn quá mức và nước ối nhiều quá mức, ảnh hưởng trên tim của thai nhi và có thể dẫn đến suy tim. Những hậu quả có thể gặp tùy thuộc vào tuổi thai lúc sinh và tình trạng thiếu oxy não của thai nhi. Tuổi thai lúc sinh càng thấp, nguy cơ các di chứng trên não hoặc phổi càng cao. Hai thai nhi đều có nguy cơ bị chứng phù nề thai nhi. Ở thai nhi cho, tình trạng này xảy ra do hậu quả của thiếu máu và suy tim do cung lượng cao trong khi thai nhi nhận do bị tình trạng tăng thể tích máu, hệ quả dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, phì đại cơ tim, đông máu nội mạch rãi rác và tăng bilirubin máu sau sinh. Tình trạng huyết áp bất ổn trên thai nhi có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu não và hậu quả có thể dẫn đến bệnh nhuyễn chất trắng quanh não thất, nang dịch lớn nội sọ, chứng não nhỏ và chứng bại não. Những trường hợp TTTS mức độ nhẹ thường cũng dẫn đến tình trạng sinh non. Tình trạng sinh non sẽ tăng tỉ lệ di chứng và tử vong sau sinh. (Theo ThS.BS Lê Minh Quang/ Sức khỏe & Đời sống) |