Bệnh động kinh

Động kinh là một bệnh mạn tính, không lây nhiễm phổ biến của hệ thần kinh trung ương, biểu hiện lâm sàng bởi những cơn động kinh. Đây là một bệnh lý cũng khá phổ biến trong cộng đồng...

Tổng quát về bệnh

Động kinh (dân gian còn gọi là kinh phong, kinh giật) là một trạng thái bệnh lý của não bộ do sự phóng điện đột ngột quá mức của tế bào thần kinh gây ra các cơn co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian từ vài giây đến vài phút, có tính chất lặp đi lặp lại.

Động kinh là một bệnh mạn tính, không lây nhiễm phổ biến của hệ thần kinh trung ương, biểu hiện lâm sàng bởi những cơn động kinh. Đây là một bệnh lý cũng khá phổ biến trong cộng đồng...

Ảnh minh họa

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến động kinh, có những trường hợp động kinh không tìm được nguyên nhân thì được gọi là động kinh tiên phát và thường được giải thích là do yếu tố di truyền.

Nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh gọi là động kinh thứ phát. Nguyên nhân gây bệnh động kinh thứ phát rất đa dạng và phức tạp. Một trong những nguyên nhân có thể gây ra động kinh được kể đến đó là:

- Tình trạng nhiễm khuẩn; độc tố của vi khuẩn và các độc tố khác có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân hoặc não (viêm não virus, viêm màng não - não, áp-xe não).

- Phụ nữ mang thai nếu mắc các bệnh lậu, giang mai thì nguy cơ trẻ mắc bệnh cũng khá cao.

- Ngoài ra, nếu bị thương tổn ở não khi bị chấn thương, can thiệp sản khoa, ngạt ở trẻ mới sinh, u não, tai biến mạch máu não,... cũng gây nên bệnh động kinh.

- Ở những người sử dụng thuốc an thần và rượu trong thời gian kéo dài, nếu ngừng một cách đột ngột cũng dễ mắc cơn động kinh.

- Hoặc sự thay đổi cấp tính thăng bằng đường và điện giải cũng là một trong những nguyên nhân.

Dấu hiệu

Khi lên cơn động kinh, biểu hiện thay đổi tùy người. Có người chỉ đơn giản là nhìn ngây người trong vài giây, trong khi người khác lại là một cơn co giật thực sự. Nghiên cứu của các chuyên gia Hoa Kỳ cho thấy, cứ 100 người dân thì có 1 người xảy ra 1 cơn động kinh vô cớ trong đời của họ.

Động kinh toàn thể: Bệnh thường dễ chẩn đoán, cơn xuất hiện rất đột ngột, người bệnh thường kêu lên một tiếng rồi ngã lăn ra, ngay lập tức mất ý thức hoàn toàn.

Co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian từ vài giây đến vài phút là biểu hiện của bệnh động kinh.

Cơn thường trải qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn co cứng (kéo dài trong khoảng chừng một phút): Co cứng toàn bộ các cơ tứ chi, cơ ở thân, ở ngực, hai tay co, hai chân duỗi. Hậu quả gây ngưng thở, tím tái, có thể cắn vào lưỡi.

- Giai đoạn co giật cơ (kéo dài trong khoảng chừng một vài phút): Giật cơ từng đợt đều đặn có nhịp, hai mắt trợn trừng, nhấp nháy, miệng sùi bọt có lẫn máu.

- Giai đoạn hôn mê, lú lẫn: Sau giai đoạn co giật người bệnh vào giai đoạn hôn mê sâu, thở rống, đái trong quần. Sau đó lúc tỉnh dậy thấy đau đầu, mỏi mệt.

- Cơn không điển hình: Người bệnh chỉ mất ý thức, té ngã.

- Cơn vắng ý thức: Đặc trưng bởi sự đột ngột mất ý thức, ngừng mọi hoạt động trong thời gian rất ngắn vài chục giây. Lúc đó người bệnh như đờ đẫn, mắt nhìn vô hồn, đánh rơi bút, đồ vật đang cầm hoặc chữ viết bỗng trở nên nguệch ngoạc. Rất nguy hiểm nếu người bệnh đang điều khiển phương tiện giao thông, hay làm việc trên cao...

Động kinh cục bộ: Ngoài ra còn có thể gặp các cơn co giật cục bộ ở mặt, một phần chi...

- Cơn cục bộ đơn giản vận động: co giật chân tay, nửa mặt, nửa người.

- Cơn cục bộ đơn giản - giác quan: bị ảo giác, không nhìn thấy, miệng thấy đắng, chua.

- Cơn cục bộ phức tạp: mất ý thức kèm các động tác tự động như nhai, nuốt, liếm, ngoạm, gãi, cọ xát.

Động kinh thái dương: Bệnh còn gọi là động kinh tâm thần, rất phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể chẩn đoán được vì biểu hiện của nó rất giống rối loạn tâm thần.

Biến chứng

Ngoài những rối loạn tâm thần trong cơn, về lâu dài nếu không được điều trị tích cực, có thể thấy các biến chứng sau đây:

- Biến đổi nhân cách, tính tình (người bệnh trở nên dễ giận dữ, tư duy lai nhai), rất phiền hà cho gia đình và những người mà bệnh nhân tiếp xúc.

- Lâu hơn nữa có thể mất trí, sa sút tâm thần do bệnh động kinh.

- Nếu không kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh có thể lên cơn lúc đang làm việc gây ra tai nạn như bỏng, ngã xe, ngã sông, có thể tử vong nếu không có người cứu kịp thời.

- Động kinh trong khi mang thai gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé; một số thuốc chống động kinh làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh. Nếu có bệnh động kinh và đang cân nhắc khi mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ.

Hầu hết phụ nữ bị bệnh động kinh có thể có thai và có một em bé khỏe mạnh. Sẽ cần phải được theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ và thuốc có thể cần phải được điều chỉnh.

Điều trị

Bệnh động kinh có thể chữa khỏi không?

Hiện nay, bệnh động kinh được điều trị chủ yếu bằng phương pháp hóa trị. Các thuốc chống động kinh có thể kiểm soát hoàn toàn cơn động kinh với tỷ lệ trên 70% trường hợp. Động kinh không phải bệnh tâm thần hay là căn bệnh nguy hiểm chết người; nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh là rất cao. Nghĩa là sau một thời gian dài chữa trị, bệnh thuyên giảm dần và hoàn toàn cắt cơn mà không cần dùng thuốc nữa. 

Điều trị động kinh bằng thuốc

Điều trị cơn động kinh là việc sử dụng các thuốc chống động kinh để kiểm soát các cơn co giật. Mục tiêu của điều trị động kinh bằng thuốc là kiểm soát tối đa các cơn với tác dụng phụ tối thiểu của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các thuốc chống động kinh không điều trị khỏi hẳn bệnh động kinh nhưng nếu dùng thuốc trong một thời gian lâi dài, khi ngưng thuốc có một số trường hợp cơn động kinh không tái phát. Còn nếu tình trạng cơn co giật kéo dài mà không được điều trị thì bệnh nhân có các nguy cơ: chậm phát triển thể chất, sa sút tâm thần, bệnh nhân bi cô lập với cuộc sống xã hội, chấn thương do co giật, tử vong.

Nguyên tắc điều trị

Để việc điều trị bệnh có hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình. Bác sĩ cần giải thích cho bệnh nhân và gia đình sự cần thiết phải điều trị bệnh lâu dài. Chọn lựa thuốc tối ưu cho từng bệnh nhân cụ thể. Chỉ sử dụng một loại thuốc với khởi đầu điều trị liều thấp, tăng dần và dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Thầy thuốc phải nắm vững và giải thích cho bệnh nhân về các tác dụng không mong muốn của thuốc.  Không ngưng thuốc đột ngột trừ trường hợp có phản ứng dị ứng hay ngộ độc thuốc.  Theo dõi hiệu quả điều trị trên lâm sàng.

Một số thuốc chống động kinh thông thường:

- Carbamazephine: Là thuốc có hiệu quả trong điều trị cơn cục bộ và cơn co cứng co giật, thuốc tác dụng qua cơ chế kiểm soát kênh sodium phụ thuộc điện thế, hấp thu tốt qua đường uống. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ là: chóng mặt, song thị, thất điều, vận động bất thường, dị ứng da (có thể xảy ra sau 6 tháng dùng thuốc). Tác dụng phụ trên hệ tạo máu: giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, viêm gan. Thuốc còn tác dụng phụ gây phù và giảm natri máu. 

- Phenytoin: Thuốc chỉ định trong cơn cục bộ đơn giản, cục bộ phức tạp và cơn co cứng co giật, thuốc không có hiệu quả trong cơn vắng ý thức, cơn mất trương lực hay cơn giật cơ. Thuốc có tác dụng phụ là chóng mặt, thất điều, viêm nướu phì đại. Thuốc cũng có thể làm giảm bạch cầu, dị ứng da và gây teo tiểu não nếu dùng liều ca. 

- Phenobarbital: Do đặc tính dược động học nên thường được dùng điều trị động kinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thuốc gây ngầy ngật ở người lớn nhưng có thể gây tình trạng kích động ở trẻ em, thuốc gây quên và có thể gây trầm cảm.

- Valproate Na: Đây là thuốc chống động kinh phổ rộng, điều trị được hầu hết các thể lâm sàng, do đó là loại thuốc ưu tiên sử dụng khi bệnh nhân có nhiều thể lâm sàng, thí dụ cơn giật cơ kèm cơn co cứng co giật. Tác dụng phụ của thuốc gồm có ngủ gà, run tay, rụng tóc, lên cân. Độc tính của thuốc trên gan khá cao, nhất là ở trẻ em. Thuốc có thể gây dị ứng da nhưng ít gặp. 

Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị động kinh: khi thuốc không cung cấp kiểm soát đầy đủ các cơn động kinh, phẫu thuật có thể là một lựa chọn. Trong phẫu thuật để điều trị bệnh động kinh, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ phần não gây ra cơn động kinh.

Thông thường, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật khi các xét nghiệm cho thấy:

- Động kinh bắt nguồn từ một khu vực nhỏ, được xác định rõ trong não

- Vùng não sẽ được vận hành không can thiệp vào các chức năng quan trọng, như lời nói, ngôn ngữ, chức năng vận động, thị giác hoặc thính giác

Mặc dù nhiều người vẫn cần một số loại thuốc để giúp ngăn ngừa co giật sau khi phẫu thuật thành công, có thể dùng ít thuốc hơn và giảm liều.

Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật cho bệnh động kinh có thể gây ra các biến chứng, chẳng hạn như sự thay đổi vĩnh viễn các khả năng nhận thức.

Cần làm gì nếu xảy ra một cơn động kinh?

Những điều nên làm

Đưa bệnh nhân đến nơi có mặt nền an toàn. Mặt nền phải mềm, không gây tổn thương khi bệnh nhân co giật, không có vật nguy hiểm xung quanh; tránh va chạm khi bệnh nhân lên cơn giật; nới rộng quần áo bệnh nhân; kê gối hoặc dưới đầu bệnh nhân và nghiêng đầu sang một bên; ngồi bên cạnh bệnh nhân để theo dõi và chăm sóc.

Những điều không nên làm

Không nắm giữ (ghì, đè...) cơ thể bệnh nhân: Khi thấy bệnh nhân bị co giật, không nên dùng sức mạnh của tay mình để nắm, giữ hạn chế sự co giật của tay, chân bệnh nhân vì dễ gây nên trật khớp, gãy xương hoặc tổn thương cơ.

Không đưa bất kỳ vật gì vào miệng bệnh nhân: Người nhà sợ bệnh nhân cắn vào lưỡi nên thường đưa đồ vật vào miệng để hạn chế cắn vào lưỡi. Nếu đồ vật quá cứng sẽ làm gãy răng hoặc nếu vật đó quá mềm sẽ gây gãy vật đó. Cả hai đều có khả năng gây tắc đường hô hấp.

Không cho bệnh nhân uống thuốc hoặc bất kỳ nước gì khi đang co giật để tránh tắc nghẽn đường hô hấp của bệnh nhân. Không nặn chanh vào miệng bệnh nhân, cũng như không ép bệnh nhân uống thuốc hoặc uống nước cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn. Cần biết rằng cơn động kinh chỉ kéo dài từ 1-2 phút, sau đó sẽ tự ngưng.

Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, 70% bệnh nhân khống chế được cơn động kinh.

Tư thế phục hồi sau cơn động kinh

Bước 1: Quỳ gối xuống một bên bệnh nhân, đặt cẳng tay của bệnh nhân gần nhất với bạn thẳng góc với cơ thể bệnh nhân, gập cánh tay lên trên.

Bước 2: Đặt bàn tay của bạn lên mu bàn tay của bệnh nhân. Đặt gan bàn tay của bệnh nhân vào má bên đối diện của tay (ví dụ: Gan bàn tay phải đặt ở má trái).

Bước 3: Lấy tay của bạn đặt lên gối của chân bệnh nhân xa với người bạn, kéo gối lên để chân của bệnh nhân gấp lại và bàn chân còn áp sát nền (tay kia vẫn áp vào má bệnh nhân).

Bước 4: Bạn kéo gối của bệnh nhân về phía bạn do đó bệnh nhân sẽ quay mặt về phía bạn.

Các bước này cần thực hiện nghiêm túc vì giúp cho đường hô hấp bệnh nhân được thông tốt. Nước bọt sẽ chảy ra ngoài.

Phòng ngừa

Khi người nhà thấy trẻ lên cơn động kinh cần đưa trẻ vào nơi an toàn, đặt nằm nghiêng đầu để tránh nuốt đàm dãi, nới rộng quần áo, chèn miệng bằng khăn hoặc vật mềm, không giữ tay chân bé khi đang co giật, tránh đông người đứng xung quanh. Sau cơn giật trẻ thường ngủ, để trẻ yên tĩnh.

- Điều trị chủ yếu bằng dùng thuốc chống cơn động kinh. Người không được tự động dùng thuốc kháng động kinh cho trẻ mà phải tuân thủ chỉ định của bác sỹ.

- Nên báo cho thầy cô giáo, bạn bè biết tình trạng bệnh, để có thể có thái độ thông cảm, giúp đỡ trẻ đúng mức, tránh kích động.

- Gia đình, bạn bè phải luôn động viên, khuyến khích trẻ, không để trẻ bị căng thẳng, không khí an bình, vui vẻ … sẽ giúp trẻ giảm bệnh.

- Ăn uống cần điều độ, đủ chất dinh dưỡng.

- 0.5%-1% người Việt Nam bị bệnh động kinh. Trong đó trẻ em chiếm 60%.

Thông Tin Cần Biết

Cách sơ cứu người bị co giật, động kinh

Cách sơ cứu người bị co giật, động kinh

Co giật, động kinh đang trở thành nổi ám ảnh rất lớn của không những người lớn tuổi mà còn của cả những người ở độ tuổi trẻ hơn. Hiện nay cứ 10 người lại có một người đã, đang hoặc sẽ ít...

Các bệnh thần kinh khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY