Tổng quan về bệnh
Viêm cầu thận là tình trạng bệnh xảy ra ở thận gây viêm nhiễm. Cầu thận là tập hợp cấu trúc trong thận được tạo nên từ các mạch máu nhỏ. Cầu thận có chức năng lọc máu, đào thải độc tố. Nếu như cầu thận bị viêm nhiễm sẽ khiến thận mất đi khả năng làm việc, gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.
Bệnh viêm cầu thận thường được chia thành hai dạng phổ biến:
- Viêm cầu thận cấp tính: Xảy ra khi cơ thể nhiễm phải khuẩn liên cầu beta tan huyết nhóm A. Tuy nhiên bệnh có thể khỏi sau 4 đến 6 tuần.
- Viêm cầu thận mạn tính: Bệnh phát triển lâu dài, kéo dài hàng tháng thậm chí hàng năm. Bệnh diễn biến thành từng cấp độ và khó có thể hồi phục khi đã trở thành suy thận.
Nguyên nhân
- Nhiễm trùng: Nếu bệnh nhân mắc nhiễm trùng ngoài da hoặc viêm họng liên cầu khuẩn thì có thể khiến bị bệnh viêm cầu thận chỉ sau vài tuần. Đây là nguyên nhân chủ đạo gây ra viêm cầu thận cấp tính.
- Người bệnh bị mắc lupus ban đỏ: Bệnh lupus ban đỏ sẽ tấn công các tế bào và mô tại thận. Từ đó khiến các chức năng thận bị suy giảm và mắc bệnh dễ dàng.
- Bệnh nhân bị đái tháo đường khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn, từ đó dễ bị tổn thương và mắc bệnh.
- Thận hư khiến cho mô thận bị xơ hóa tạo thành sẹo. Từ đó bệnh viêm cầu thận dễ dàng xảy ra.
- Lạm dụng một số loại thuốc hoặc hóa chất gây hại cho thận
- Chế độ ăn uống không hợp lý khiến tăng huyết áp bất thường, từ đó gây hại cho thận.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu viêm cầu thận cấp
Bệnh viêm cầu thận cấp tính xảy ra đột ngột và chỉ kéo dài khoảng 4 đến 6 tuần nếu được chăm sóc tốt. Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp như:
- Phù mặt, phù tay chân tạm thời
- Lượng nước tiểu trong ngày ít, đi tiểu ít hơn bình thường
- Cảm giác khó chịu trong lồng ngực
- Hay bị ho, khó thở
- Có thể xuất hiện trạng thái huyết áp tăng cao
- Màu của nước tiểu sẫm hơn bình thường
Phù chân tay là dấu hiệu viêm cầu thận
Triệu chứng, dấu hiệu viêm cầu thận mạn
Khác với viêm cầu thận cấp, tình trạng mãn tính kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Các thương tổn tích lũy trong thận suốt một thời gian dài có thể làm hại thận, khó có cơ hội hồi phục. Các dấu hiệu viêm cầu thận mạn bao gồm:
- Chân tay và mặt hay bị sưng phù nhiều hơn
- Hay có cảm giác buồn nôn, khó chịu trong người
- Khó thở thường xuyên, tức vùng ngực
- Đi tiểu có bọt và lẫn máu
- Da trở nên khô và ngứa hơn
- Hay bị chuột rút vào ban đêm
- Chán ăn, không có cảm giác ngon miệng
- Hay bị chảy máu cam thường xuyên
- Đi tiểu đêm liên tục
Buồn nôn thường là dấu hiệu của bệnh thận
Hướng điều trị
Điều trị viêm cầu thận rất cần phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của bệnh, xem bệnh đang ở trạng thái cấp tính hay mãn tính. Nếu phát hiện sớm được bệnh thì cơ hội chữa khỏi bệnh sẽ càng cao. Một số biện pháp điều trị viêm cầu thận như sau:
- Kiểm soát tình trạng tăng huyết áp bất thường của cơ thể. Bởi tình trạng này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thận. Hãy tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ trong sử dụng các loại thuốc điều trị huyết áp và thận.
- Phương pháp tách hồng huyết cầu khỏi dịch tương sẽ giúp giảm viêm nhiễm cầu thận, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Phương pháp này sẽ thay thế huyết tương cũ bằng chất lỏng hoặc huyết tương mới chứa kháng thể chữa bệnh.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng, thay đổi khẩu phần ăn hợp lý để giúp thận mau hồi phục.
- Uống đủ nước mỗi ngày để loại bỏ bớt các chất độc hại, thanh lọc cơ thể.
Luôn uống đủ nước mỗi ngày sẽ tốt cho thận
Viêm cầu thận nên và không nên ăn gì
- Nên ăn nhiều hoa quả và rau xanh để bổ sung chất xơ và các vitamin có lợi cho cơ thể.
- Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều cholesterol và đồ ăn nhiều dầu mỡ. Bởi chúng có thể làm hại hệ tim mạch và gây ảnh hưởng tới thận.
- Hạn chế ăn nhiều muối, giảm muối trong khẩu phần ăn nhằm giúp bảo vệ hệ tim mạch.
- Có thể sử dụng sữa để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên cần lựa chọn loại sữa tách kem, ít béo để tránh gây áp lực lên thận.
- Giảm bớt lượng thức ăn chứa nhiều photpho và kali, bởi chúng có thể làm tăng huyết áp và hại hệ tim mạch.
- Nên ăn nhiều cá và các loại thịt chứa protein tốt cho sức khỏe. Hạn chế các loại thịt đỏ.
- Giảm đạm trong các bữa ăn để tránh tăng uric trong máu gây sỏi thận.